Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Thành công từ liên kết

15/04/2015 15:45:03 Xem cỡ chữ Google
Là tỉnh miền núi, nằm sâu nội địa nhưng Yên Bái có những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển những sản vật quí giá, đó là chè, là quế và cả những cánh rừng bạt ngàn. Từ lợi thế đó, những năm qua, Yên Bái đã tập trung quy hoạch các vùng cây nguyên liệu tập trung, thu hút, mời gọi đầu tư để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Sản xuất ván ép tại Công ty TNHH Quế Lâm (xã An Thịnh, Văn Yên).

Đến nay, ngành kinh tế mũi nhọn này đã có bước phát triển đột phá với mức tăng trưởng bình quân hàng năm gần 15%, doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng, chiếm 50,76% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Nhờ đó, cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã có sự chuyển dịch vững chắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Yên Bái - miền sơn cước từ lâu đã được thơ ca nhắc đến với gạo trắng nước trong, với hương quế cay nồng và cả vị chè ngàn năm tuổi. Vì thế, cũng dễ hiểu tại sao nói đến những sản vật này người ta lại nghĩ ngay đến Yên Bái. Thế nhưng để những sản vật này thực sự là “nguồn sống”, là “cần câu cơm” cho nông dân thì Yên Bái đã phải trải qua một hành trình dài với nhiều biến cố, thăng trầm. Đã có  thời gỗ rừng chặt ra, nông dân Yên Bái phải chở xuống tận Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ) để tiêu thụ, thậm chí “van nài” họ mua. Rồi cả chục nghìn héc-ta quế, công người trồng ngót nghét 10 năm trời nhưng đến khi thu hoạch cũng chỉ bán được vỏ cho thương lái, cành lá chặt ra để khô trên rừng.

Cùng với đó là sắn, là chè, là măng… và rất nhiều sản phẩm nông nghiệp nông dân làm ra không biết bán cho ai, bán như thế nào, điệp khúc “được mùa, mất giá” khiến hàng ngàn hộ nông dân lao đao.

Chuyện cũ đã qua, với hàng loạt giải pháp, định hướng xuyên suốt từ tỉnh xuống huyện, rồi từ huyện xuống xã, hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp Yên Bái đã khoác lên mình một diện mạo mới. Trong đó, thành công lớn của tỉnh là xây dựng được mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến mà thực chất đây là sự xuất hiện của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông, lâm sản. Nói theo các nhà kinh tế học, sự phát triển của công nghiệp chế biến nông, lâm sản sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản vừa có tác dụng trực tiếp vừa có tác dụng gián tiếp tới sự phát triển của nông, lâm nghiệp vừa tạo cầu nối giữa công nghiệp và nông nghiệp, là khâu đột phá để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Nói là vậy nhưng thực tế ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản ở tỉnh đã được định hình khá sớm. Ngay từ những năm 70 thế kỷ trước, vùng chè Yên Bái đã thu hút nhiều cơ sở thu mua, chế biến chè với công suất hàng nghìn tấn/năm. Trong đó, nổi bật là những cái tên như: Nhà máy Chè Trần Phú, Nhà máy Chè Nghĩa Lộ, Nhà máy Chè Liên Sơn, Nhà máy Chè Văn Hưng... Đến nay, sau nhiều năm tiến hành qui hoạch các nguyên liệu tập trung, rồi kêu gọi, thu hút đầu tư, ngành chè Yên Bái đã sang trang mới với diện tích trên 11.700ha, trong đó diện tích chè kinh doanh 10.827ha. Cùng với đó là 99 đơn vị sản xuất, chế biến chè với năng lực 1.171 tấn chè búp tươi/ngày và 450 cơ sở sản xuất chè với qui mô hộ gia đình. Từ đây, nhiều sản phẩm chè xanh, chè đen, chè đặc sản của Yên Bái đã vươn ra thị trường thế giới.

Cắt cành lá trước khi đưa vào lò chiết xuất tinh dầu quề tại Công ty An Thịnh Cường Phát (Trấn Yên).

Ông Phạm Văn Tú - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn (thị trấn nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn) - một trong những doanh nghiệp tham gia chế biến chè đầu tiên ở Yên Bái thẳng thắn chia sẻ: “Kinh nghiệm nhiều năm làm chè cho thấy, doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh tốt thì phải có nguyên liệu ổn định. Mà để có nguyên liệu ổn định thì phải bắt tay, liên kết với nông dân, phải cải tạo, phát triển vùng nguyên liệu của mình”. Thấm nhuần phương châm này nên những năm qua Công ty cổ phần Chè Liên Sơn ngoài việc cải tạo giống chè còn tiến hành triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như cung ứng giống, phân bón và tiến hành bao tiêu sản phẩm cho người trồng chè địa phương. Nhờ đó, hàng năm Công ty luôn đạt năng lực sản xuất từ 3.400-3.500 tấn chè búp tươi và 1.000-1.200 tấn chè khô, chè thành phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Thực - Phó Giám đốc Sở Công thương, mặc dù công nghiệp chế biến nông, lâm sản ở Yên Bái được định hình khá sớm nhưng để phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng thì mãi đến những năm gần đây mới có sự đột phá. Đầu tiên phải kể đến sự hình thành và đi vào hoạt động của các cơ sở chế biến tinh bột sắn, tiêu thụ toàn bộ 16.933ha cho nông dân. Tiếp đó là sự ra đời hàng loạt các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng tham gia chế biến ván bóc, ván ép, ván ghép thanh...

Đặc biệt, trong vòng vài năm trở lại đây nhiều đơn vị đã vào đầu tư dây chuyền, thiết bị tham gia chiết xuất tinh dầu quế, giúp tiêu thụ cho nông dân toàn tỉnh hàng chục nghìn tấn cành, lá quế mỗi năm. Ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Văn Yên khẳng định: “Với diện tích khoảng 20.000ha, trung bình mỗi năm, Văn Yên xuất ra thị trường từ 4.000 tấn đến 5.000 tấn quế vỏ và khoảng 2.000 lít tinh dầu. Mỗi năm, cây quế đã cho nông dân Văn Yên thu về vài chục tỷ đồng”.

Rõ ràng, với việc lấy phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu là “kim chỉ nam” trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Yên Bái có nhiều “quyết sách” trúng và đúng để cụ thể hóa mục tiêu trên. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, Yên Bái triển khai quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung như vùng quế, sắn, gỗ rừng trồng, cây ăn quả… phục vụ cho công nghiệp chế biến, coi đây là “chìa khóa” tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp tỉnh phát triển ổn định và vững chắc.

Đến nay, Yên Bái đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung có diện tích tương đối lớn như: vùng quế 27.000ha, tập trung chủ yếu ở huyện Văn Yên, khai thác trên 3.000 tấn quế vỏ khô; vùng sắn 16.933ha, sản lượng 325.033 tấn; gỗ rừng trồng 474.121ha, trong đó rừng sản xuất 187.161ha, rừng phòng hộ là 201.332ha, sản lượng gỗ khai thác trung bình năm đạt khoảng 450.382 mét khối; tre, nứa, vầu 23 triệu cây. Bên cạnh đó, Yên Bái tích cực “trải thảm đỏ” kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu; rà soát, sắp xếp, liên kết các cơ sở sản xuất theo hình thức các cơ sở nhỏ làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, bảo đảm phát triển ổn định bền vững...

Thu hái chè tại Văn Chấn.

Đến nay, Yên Bái đã thu hút được hàng trăm doanh nghiệp sản xuất chế biến hàng nông, lâm sản, tập trung vào 4 cây mũi nhọn là cây chè, quế, sắn và cây gỗ nguyên liệu. Cụ thể, hiện toàn tỉnh có 250 doanh nghiệp tham gia chế biến nông, lâm sản, tăng 100 doanh nghiệp so với năm 2010; trong đó, có 99 đơn vị sản xuất, chế biến chè với năng lực 1.171 tấn chè búp tươi/ngày; 3 đơn vị chế biến tinh bột sắn với công suất 66 nghìn tấn/năm; 27 dây chuyền sản xuất giấy đế và giấy vàng mã với công suất 33.750 tấn/năm; 97 nhà máy chế biến gỗ rừng trồng với công suất 176 nghìn mét khối/năm; 1 nhà máy chế biến thức ăn gia súc với công suất 15 nghìn tấn/năm.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 450 cơ sở sản xuất chè, 500 cơ sở sản xuất ván bóc, 400 cơ sở sản xuất tinh dầu quế với qui mô hộ gia đình. Đánh giá của ngành công thương cho thấy, công nghiệp chế biến nông, lâm sản đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn có giá trị cao, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt 14,9%; doanh thu hàng năm của các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản tăng trưởng bình quân 16,45%; thu nhập bình quân của người lao động trong lĩnh vực này tăng lên 4,1 triệu đồng/người/năm.

Có thể khẳng định: Thành công của Yên Bái là đã tạo ra mối liên kết giữa vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến. Nhờ đó, gỗ chặt xong có người đến mua tận chân đồi, sắn nhổ lên được chở luôn về nhà máy chế biến tinh bột và quế tận thu được cả thân, cành, lá. Quan trọng hơn, công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển còn góp phần giải quyết nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động nông nghiệp trên địa bàn và phát triển bền vững các vùng nguyên liệu tập trung. Từ đó, kích cầu đưa sản xuất nông nghiệp có bước tiến vượt bậc.

Trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp đạt trên 5%. Cơ cấu kinh tế  ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng thâm canh lúa 5.000ha, vùng sản xuất ngô 15.000ha, vùng cây ăn quả trên 3.000ha, vùng cây nguyên liệu giấy 300.000ha, vùng tre măng trên 3.000ha, vùng chè 11.700ha, vùng quế 27.000ha, vùng sắn 16.933ha... Đặc biệt, công nghiệp chế biến nông, lâm sản liên kết tốt với vùng nguyên liệu góp phần thay đổi hình thức tổ chức sản xuất trong thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.


2477 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h