Thật không dễ để phác họa lại một hành
trình đầy gian khó và những hy sinh to lớn song vô cùng vẻ vang, chói lọi của
người lính bộ đội Cụ Hồ - những chiến sỹ anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những
người lính ấy năm xưa đã từng vào sinh ra tử trong chiến trường đầy tàn khốc. Những
ngày tháng lịch sử ấy mãi là quãng hồi ức không thể nào quên, luôn là niềm tự
hào cổ vũ họ ra sức cống hiến cho quê hương, đất nước trong thời kỳ xã hội chủ
nghĩa hiện nay.
Theo dòng ký ức
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả
nước đang hướng đến kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất
nước (30/4/1975 - 30/4/2015), tôi theo chân cán bộ của Hội Cựu chiến binh thành
phố Yên Bái đến thăm gia đình ông Đặng Trường Nhân (tổ 50, phường Minh Tân, thành
phố Yên Bái). 40 năm đã qua đi nhưng những ký ức hào hùng về mùa xuân đại thắng
của toàn dân tộc vẫn như còn in đậm trong tâm trí người lính đã ở cái tuổi
ngoài sáu mươi. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên 18 tuổi lúc bấy
giờ nung nấu một tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, xung phong ra
tiền tuyến vì miền Nam ruột thịt, góp một phần công sức của mình để đánh tan
giặc Mỹ xâm lăng.
Nhớ lại ngày ấy, ông Nhân như sống lại thời
tuổi trẻ, giọng hào sảng: "Tháng 4 năm 1970, tôi nhập ngũ và được cử đi
huấn luyện ở Sư đoàn 304B ở Thái Nguyên. Ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng
hòa bình trở thành mục tiêu mà chúng tôi vươn tới, thôi thúc chúng tôi ra trận.
Đến đầu năm 1971, tôi hành quân vào Nam theo Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn
174, Sư đoàn 316 và tham gia chiến đấu ở cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào).
Đây là nơi liên quan đến hành lang vận chuyển chiến lược quan trọng nhất từ
miền Bắc đến các chiến trường miền Nam trong suốt cuộc trường chinh đánh Mỹ.
Cũng chính tại đây nhiều thế hệ thanh niên đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất
nước".
Nhâm nhi chén nước chè, ông Nhân tiếp
tục câu chuyện: "Đến tháng 1 năm 1975, tôi theo đơn vị hành quân về Tây
Nguyên, chuẩn bị cho chiến dịch Buôn Ma Thuột. Được giao nhiệm vụ đánh vào Sân
bay Mai Hắc Đế và một số khu vực trọng điểm của Buôn Ma Thuột, lại là Trung đội
trưởng nên lúc đó tôi cũng cảm thấy hồi hộp trước nhiệm vụ được giao. Thế nhưng
khí thế sục sôi bấy giờ đã khiến tôi và các đồng đội của mình luôn một lòng
kiên định, bằng giá nào cũng phải đánh thắng giặc Mỹ. 2 giờ sáng ngày
10/3/1975, quân ta mở màn trận tiến công Buôn Ma Thuột. Lợi dụng tiếng đạn
pháo, tiếng súng nổ... các loại xe kéo pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe tăng, xe
thiết giáp, ô tô chở bộ binh ta từ các hướng tiến về thị xã Buôn Ma Thuột. Do
tổ chức hiệp đồng tốt, chỉ huy chặt chẽ nên các hướng, các mũi tiến quân đều
thực hiện đúng thời gian. Qua 32 giờ chiến đấu liên tục, ta đánh chiếm xong thị
xã Buôn Ma Thuột, chặt đứt được các mắt xích thông tin liên lạc và tiếp tế
lương thực của quân địch, tạo điều kiện để quân ta thẳng tiến về Sài Gòn”
- ông kể với giọng đầy xúc động.
Khi tôi hỏi về những kỷ niệm thời chiến
đấu, ông tâm sự: "Ai làm lính cũng đều có những kỷ niệm theo mình đến suốt
cuộc đời. Là người trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu lúc bấy giờ, lại là
trận đánh trọng điểm nên chúng tôi cảm thấy tự hào khi giành được thắng lợi.
Kho Mai Hắc Đế mà ta tấn công được xây theo đường hầm, lại chiếm đánh vào ban
đêm nên khi đó, địch đã quăng lựu đạn từ trong hầm ra. Tôi và rất nhiều đồng đội
của mình đã bị thương. Khi đứng giữa cái sống và cái chết, lúc bấy giờ tôi mới
nhận ra rằng, cái mình lo sợ không phải là cái chết hay nỗi đau về thể xác mà
chỉ lo rằng không thể tiếp tục cầm súng đánh thắng được quân địch. Trong lòng
chỉ quyết tâm bám trụ và chiến đấu đến cùng”.
Còn sức còn cống hiến
40 năm đã trôi qua, song mỗi lần nhắc tới
những kỷ niệm hào hùng của một thời kỳ lịch sử, trên gương mặt của người lính
Cụ Hồ ấy vẫn háo hức, tự hào. Sau khi giành được chính quyền ở thị xã Buôn Ma
Thuột, anh bộ đội ở tuổi 23 được chuyển Đảng chính thức và phong làm Đại đội
trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.
Ông Nhân hồi tưởng: “Lúc ấy vui lắm, cảm
thấy tự hào và phấn khởi vì đã hoàn thành được nhiệm vụ mà cấp trên giao phó,
lại góp một phần công sức của mình để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất
đất nước”. Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, người chiến sỹ ấy lại tiếp tục
với những dự định và mơ ước của mình. Ông được cử đi học sỹ quan ở Trường Lục
quân 2 vào tháng 1/1976, sau đó quay về Lai Châu chuẩn bị cho chiến dịch bảo vệ
biên giới phía Bắc năm 1979.
Dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho Tổ
quốc, đến năm 1993, Trung tá Đặng Trường Nhân đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Chính
trị Trung đoàn 98 thuộc Sư đoàn 316. Từ tháng 5/1994 - 12/1996, trở lại địa
phương ông tham gia làm đại biểu Hội đồng nhân dân phường Minh Tân, thành phố
Yên Bái, rồi là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh
tỉnh. Từ năm 1997 - 2013, ông tiếp tục đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội
Cựu chiến binh Khối các cơ quan tỉnh. Từ cuối năm 2013 đến nay, sau khi nghỉ
công tác, ông Nhân trở về sinh hoạt tại địa phương và giữ chức Phó bí thư Chi
bộ phố Tân Hiếu 2, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.
63 năm tuổi đời và 42 năm tuổi Đảng, người
lính Cụ Hồ ấy vẫn lặng lẽ đóng góp sức mình cho sự đổi mới đi lên của quê
hương. Ông Nhân chia sẻ: “Dù là thời chiến hay thời bình, tôi vẫn tâm nguyện
sống sao cho đúng với phẩm chất và đạo đức của người lính. Sống, chiến đấu và
cống hiến hết sức mình. Còn sức khỏe là còn cống hiến. Bởi chỉ có vậy, mới thấy
mình là người có ích cho gia đình và xã hội”. Với những đóng góp của mình, ông
đã được nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang
hạng Nhất trong chiến đấu. Cùng với đó, hàng năm ông đều nhận được giấy khen,
bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, UBND thành phố, UBND tỉnh Yên
Bái.
Gần trọn cuộc đời binh nghiệp, mang theo ký
ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ của mình cùng đồng đội với phẩm chất
và sự tôi luyện dạn dày của người lính Cụ Hồ đã cho ông sức mạnh để hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ được giao dù ở thời chiến hay thời bình. Chia tay ông Nhân,
tôi đã hiểu rằng thế nào là giá trị của hạnh phúc và hòa bình. Ông Nhân và rất
nhiều đồng đội của mình là những tấm gương bình dị, tỏa sáng giữa đời thường để
lớp lớp thế hệ trẻ chúng tôi học tập và noi theo.
(Theo Báo Yên Bái)