Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Khâu đột phá trong phát triển kinh tế ở Yên Bình

17/04/2015 15:06:44 Xem cỡ chữ Google
Trong những năm qua, các sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Bình phát triển khá đa dạng về qui mô sản xuất và phong phú về sản phẩm. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu của nền kinh tế. Năm 2014, giá trị sản xuất CN - TTCN toàn huyện đạt gần 1.700 tỷ đồng, dự ước năm 2015 đạt trên 1.900 tỷ đồng, tăng 47,6% so với năm 2010, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Với công suất 1,5 triệu sản phẩm/năm, Nhà máy may của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Hiệu quả thực tế

Mặc dù ở thời điểm đầu năm, khi mà nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên vật liệu, sản phẩm không tiêu thụ được hoặc thời tiết không thuận lợi thì ở Công ty cổ phần Yên Thành (huyện Yên Bình) mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra bình thường và còn có phần sôi động hơn.

Lãnh đạo huyện Yên Bình thăm Nhà máy May tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty cho hay: "Với ngành nghề sản xuất chính là chế biến gỗ rừng trồng và tre măng Bát độ, để duy trì hoạt động và đi vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, điều kiện tiên quyết là đơn vị đã đặc biệt coi trọng chữ tín với bạn hàng, đầu tư đổi mới trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm". Riêng trong năm 2014, Công ty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng mở rộng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, thiết bị  dây chuyền sản xuất theo công nghệ hiện đại. Nhờ đó trong quí 1 năm 2015, mặc dù thời tiết mưa nhiều nhưng Công ty cổ phần Yên Thành vẫn sản xuất tiêu thụ được trên 1.200m3 gỗ sản phẩm và gần 300 tấn tre măng Bát độ, doanh thu đạt trên 17 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái), thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 180 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm gỗ và tre măng Bát độ của Công ty giờ đây không chỉ tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước mà đã mở rộng đến các thị trường ngoài nước như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Toàn huyện Yên Bình hiện có trên 1 nghìn hộ kinh doanh cá thể và 392 đơn vị doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN. Trong đó có 83 công ty trách nhiệm hữu hạn, 28 doanh nghiệp tư nhân, 31 công ty cổ phần, còn lại là hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và các tổ hợp tác tập trung chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm; khai thác khoáng sản; chế biến lâm sản; sửa chữa gia công cơ khí; mộc dân dụng; bao bì, chè và các sản phẩm từ kim loại. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã chuyển đổi và thành lập mới 23 hợp tác xã, 17 doanh nghiệp. Quí 1 năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN của toàn huyện đạt gần 600 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt gần 200 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động dôi dư  ở các địa phương.

Do nhiều chính sách phù hợp

Đồng chí Dương Văn Tiến - Bí thư Huyện ủy Yên Bình cho biết: "Huyện luôn xác định phát triển công nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng cao là khâu đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương. Địa phương đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 17 - NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp giai đoạn 2011- 2015 một cách phù hợp và hiệu quả đồng thời ban hành nghị quyết chuyên đề về thu hút đầu tư và đã tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt". Qua đó, Yên Bình thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công khai, minh bạch, đơn giản hóa mọi thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế "một cửa" và " một cửa liên thông".

Đồng thời chú trọng làm tốt công tác đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao chất lượng lao động, hệ thống đào tạo nghề theo hướng thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp  đầu tư phát triển theo đúng định hướng của tỉnh và huyện. Công tác tuyên truyền giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, thông tin các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương tới các doanh nghiệp được huyện chỉ đạo thực hiện có hiệu quả dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Huyện cũng đã thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ với các chủ doanh nghiệp để động viên, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; làm tốt khâu hướng dẫn giúp các thành phần kinh tế tìm hiểu và nắm vững các chính sách về thuế, đất đai và chính sách thu hút đầu tư; giải quyết kịp thời nhanh chóng các thủ tục hành chính bảo đảm cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, trong xây dựng kết cấu hạ tầng, Yên Bình đã làm tốt công tác qui hoạch đất đai ở các xã, thị trấn, qui hoạch cụm dân cư, cụm công nghiệp tại 2 xã Mông Sơn và Thịnh Hưng; qui hoạch vùng lúa cao sản, trồng rừng, chè, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống chợ, đường giao thông, đường điện khá đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chế biến và bao tiêu sản phẩm. Trong đó, Nhà máy may công nghiệp thuộc Cụm công nghiệp Thịnh Hưng là một trong số ít cơ sở trên địa bàn tỉnh nói chung và Yên Bình nói riêng thu hút nguồn vốn đầu tư lớn của doanh nghiệp nước ngoài. Với qui mô 3 nghìn công nhân lao động làm việc, sau những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo lập mời gọi thu hút đầu tư, hiện tại Nhà máy đã đi vào hoạt động xưởng số 1 gồm 500 công nhân và đang tiếp tục tuyển chọn nhân lực để đưa xưởng số 2 vào hoạt động.

Do có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy Đảng, chính quyền cộng với sự năng động nhạy bén của các tập thể, cá nhân trong việc tìm kiếm bạn hàng, bao tiêu sản phẩm và điều đặc biệt là giữ được chữ tín trong sản xuất, kinh doanh nên thời gian qua dù phải đối mặt nhiều khó khăn của thị trường, sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đều và đang làm ăn khá hiệu quả, giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vẫn tăng cao.          

Tiếp tục là khâu đột phá trong phát triển kinh tế

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020, huyện Yên Bình tiếp tục xác định phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bảo vệ môi trường, ưu tiên phát triển công nghiệp trong cụm công nghiệp là một trong 5 chương trình kinh tế trọng tâm của huyện và là khâu đột phá trong phát triển kinh tế với mức tăng bình quân 13%/năm.

Để đạt được mục tiêu đó, song song với những việc đã và đang làm, huyện Yên Bình tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị tham gia tích cực trong công tác vận động xúc tiến đầu tư; xây dựng và mở rộng Cụm công nghiệp Thịnh Hưng gắn với phát triển dịch vụ và đô thị; thu hút các doanh nghiệp chế biến đá trắng và sản xuất vật liệu xây dựng vào Khu công nghiệp Mông Sơn, trong đó ưu tiên kêu gọi các dự án có công nghệ thiết bị hiện đại, thực hiện tốt việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái. Huyện cũng sẽ làm tốt việc qui hoạch phát triển các vùng nguyên liệu hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp chế biến; tăng cường các hoạt động hỗ trợ khó khăn trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, Yên Bình luôn tạo điều kiện thuận lợi và môi trường thông thoáng nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và triển khai dự án đầu tư trên địa bàn. Huyện phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt trên 3.500 tỷ đồng và đưa Yên Bình trở thành huyện có nền sản xuất công nghiệp phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng cao trong tỉnh.

2400 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h