Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Đảng bộ huyện Lục Yên - 68 năm xây dựng và trưởng thành

22/04/2015 11:03:19 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Lục Yên (22/4/1947 - 22/4/2015) chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào với truyền thống của quê hương Lục Yên; cùng ghi nhớ công lao to lớn, những đóng góp máu xương của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ, đồng bào, đồng chí, các thế hệ người dân Lục Yên trong suốt chặng đường cách mạng đã đi qua; chúng ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng quê hương Lục Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Một góc thị trấn Yên Thế hôm nay

1- Những thành tựu vẻ vang của Đảng bộ huyện Lục Yên dưới sự lãnh đạo của Đảng

Năm 1858, thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta. Sau khi thiết lập ách cai trị ở miền Nam và đồng bằng Bắc bộ, năm 1886, chúng mở rộng đánh chiếm lên các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngày 31/7/1887 thực dân Pháp đánh chiếm huyện Lục Yên, với một địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thực dân Pháp liên tục, ráo riết hoàn thiện bộ máy cai trị làm cho đời sống của đồng bào ngày càng nghẹt thở và bần khổ hơn, chế độ thuế khoá của thực dân đã đưa người dân lành Lục Yên vào chỗ điêu đứng, kích động chia rẽ đồng bào các dân tộc, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, lạc hậu, người dân Lục Yên bị thực dân nô dịch, sống kiếp đời nô lệ, lầm than. Quyết không chịu kiếp sống nô lệ, nhân dân các dân tộc Lục Yên cùng nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, liên tục đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, cướp ruộng đất, làm cho thực dân Pháp rất lúng túng, lo sợ và bất ổn định. Mùa xuân 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đã mở ra một trang sử mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên. Cuối tháng 4/1945 đội công tác Việt Nam giải phóng quân đến xã Cổ Văn (Mường Lai) để xây dựng cơ sở, thu hút các tầng lớp nhân dân vào hội cứu quốc; phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của Việt Minh từ căn cứ Mường Lai lan rộng nhanh chóng. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh nhân dân Lục Yên đã dũng cảm đứng lên giành chính quyền thắng lợi rực rỡ và là một trong những địa phương giành được chính quyền sớm và ít hao tổn xương máu. Ngày 4/12/1946 tại nhà bà Năm Công phố Lục Yên tổ chức hội nghị Đảng và lần đầu làm lễ kết nạp đảng viên mới của huyện. Ngày 22/4/1947 Tỉnh uỷ Yên Bái ra Nghị quyết thành lập “Ban Huyện uỷ” Lục Yên gồm 03 đồng chí do đồng chí Nguyễn Hữu Minh làm Bí thư. Tháng 12/1948, tổ chức Đại hội lần thứ nhất, kiện toàn từ Ban Thường vụ đến các cơ quan trong huyện. Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ huyện Lục Yên đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống anh dũng, sáng tạo, tập hợp đoàn kết nhân dân các dân tộc với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng vùng tự do thành hậu phương kháng chiến, nhất là quyết tâm diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Với giã tâm cướp nước ta một lần nữa, từ cuối tháng 11/1946 thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, gây hấn ở Hà Nội, trắng trợn vi phạm các thỏa thuận đã ký với Chính phủ Việt Nam. Trước những bước leo thang về quân sự của Thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cùng với quyết tâm của cả dân tộc Đảng bộ huyện Lục Yên tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất, chiến đấu, cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).

Cuối năm 1947, Pháp kéo theo thổ phỉ chiếm Văn Bàn, Bảo Yên (Yên Bái) Bảo Thắng, Bắc Hà (Lào Cai), Yên Bình xã, Xuân Giang (Hà Giang), áp sát, uy hiếp các xã thượng huyện từ Bảo Hà vắt sang Nghĩa Đô. Tháng 2/1948, Pháp huy động trên 1.500 lính Âu Phi và ngụy quân từ phía Tây, hơn 1.000 tên khác từ phía Bắc tấn công thượng huyện Lục Yên. Ngày 27/2/1948 chiếm Nghĩa Đô. Ngày 6/3/1948 chiếm Phố Ràng, đánh sâu xuống trên 30km dọc Sông Chảy đến bến Cóc xã Long Khánh, 10 xã thượng huyện lọt vào tay giặc, Lục Yên vừa là vùng hậu cứ quan trọng, vừa là vùng chiến sự tại 10 xã tạm chiếm phía Bắc. Vì vậy nhiệm vụ hàng đầu là vừa tăng gia sản xuất, vừa đánh giặc, ra sức củng cố xây dựng vùng tự do thành hậu phương kháng chiến và tăng cường chi viện cho tiền tuyến. Tại vùng tự do, huyện tập trung kiện toàn 38 xã thành hậu phương kháng chiến, tăng cường cán bộ của huyện xuống các cơ sở chỉ đạo các tổ chức Đảng, chính quyền nắm vững tình hình và diễn biến ở địa phương, tuyên truyền giáo dục tư tưởng kiên định, bám trụ vững chắc đánh trả các cuộc tấn công của địch vào địa bàn, ra sức duy trì, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định đời sống vật chất tối thiểu của nhân dân, tính đến năm 1949 cơ bản xóa nạn đói kinh niên, đáp ứng yêu cầu lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến, hoạt động văn hóa, xã hội, thông tin, tuyên truyền sôi động. Cũng trong thời điểm này, nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu được chuẩn bị, triển khai trong toàn dân, đặc biệt trong chiến dịch Phố Ràng - Nghĩa Đô, cùng một lúc huyện đã huy động trên 600 lao động vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí ra chiến trường; các đơn vị giao thông liên lạc, cứu thương, tải thương hoạt động thường xuyên suốt thời gian chiến dịch đánh đuổi quân thù ra khỏi Lục Yên.

Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, thực dân Pháp tiếp tục lún sâu vào thế bị động. Mục tiêu quân sự của giặc là lập hành lang Đông - Tây bằng hệ thống đồn bốt, chốt quân từ Móng Cái, Hải Ninh qua Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai đến Lai Châu để phòng tỏa biên giới Việt - Trung. Chúng huy động lính Âu - Phi, ngụy quân đồng bằng kết hợp với thổ phỉ và lực lượng phản động vùng biên giới chiếm đóng những vị trí xung yếu làm bàn đạp tấn công thôn tính vùng tự do của ta. Phía Bắc huyện Lục Yên là một khâu trong trục hành lang quân sự khép kín từ Bảo Hà qua Phố Ràng đến Nghĩa Đô sang Yên Bình (Hà Giang), trên trục hành lang chúng lập dày đặc đồn lũy, mạnh nhất là hai tiểu khu Phố Ràng và Nghĩa Đô, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Lục Yên đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh thắng địch ở hai tiểu khu Phố Ràng và Nghĩa Đô. Chiến thắng Phố Ràng - Nghĩa Đô có ý nghĩa rất lớn về quân sự. Lần đầu tiên trên địa bàn huyện có sự phối hợp 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Các điểm mạnh của địch như Phố Ràng, Nghĩa Đô, Yên Bình xã bị ta chọc thủng và làm tan vỡ một mắt xích quan trọng trong phòng tuyến Đông - Tây do thực dân Pháp thiết lập. Về mặt chính trị ta thu hồi toàn bộ địa bàn Lục Yên trước đó một phần bị giặc chiếm đóng; mở thông đường liên lạc trực tiếp với các huyện phía Đông - Nam tỉnh Lào Cai, tạo điều kiện cho Trung ương và Ban lãnh đạo tỉnh (lúc đó đặt căn cứ ở Lục Yên) trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Lào Cài vào ngày  01/11/1950. Ngay sau khi giải phóng Lào Cai, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo giải quyết hậu quả chiến trường, thực hiện công tác tiễu phỉ trừ gian (giải tán 10 tổ chức ngụy quân, ngụy quyền và một số tổ chức phản động khác thuộc 10 xã tạm chiếm), xây dựng, bảo vệ hậu phương, cải tạo các tập tục lạc hậu, phát triển sản xuất, huy động sức người, sức của cho kháng chiến chống thực dân Pháp, cụ thể: trong chiến dịch Lê Hồng Phong giải phóng Lào Cai, ủng hộ 20 tấn gạo, 16 con trâu, 40 con lợn, huy động 3 đợt dân công với 1.600 người. Chiến dịch Đông - Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, trong 3 tháng đã huy động 325.000 ngày công góp phần giữ vững thông suốt đoạn đường phía đông đèo Lũng Lô (đường 13A), huy động hơn 1.000 người nhập ngũ tòng quân tham gia kháng chiến, 120 ngựa thồ vận chuyển 263 tấn gạo cho mặt trận Điện Biên.

Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, cùng với cả nước Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên đã hoàn thành nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc, giành được những thành tựu quan trọng góp phần giải phóng quê hương khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp. Trong giai đoạn này, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên đã tiễn đưa 2.715 thanh niên nhập ngũ trong đó có nhiều cán bộ chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được tặng “Chiễn sỹ Điện Biên”, trên 30 cán bộ của huyện vào hậu địch tham gia củng cố, xây dựng phong trào và tiếp quản vùng mới giải phóng; huy động 3 triệu ngày công phục vụ chiến trường từ mặt trận trong huyện đến các chiến trường, đóng góp 1.550 tấn lương thực (thuế nông nghiệp), 300 tấn thực phẩm, 2.500 con lợn, 1.215 trâu bò…Cùng với việc đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến, trong giai đoạn này Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên đã đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc, kể cả vùng mới giải phóng dần ổn định. Qua thực tiễn, đã khẳng định ý chí tự lực tự cường, lao động cần cù, sáng tạo, vượt lên gian khổ đấu tranh và giành thắng lợi quan trọng, Đảng bộ đã trưởng thành một bước, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.

Hoà bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Lục Yên bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đã tạo ra những chuyển biến cơ bản trên quê hương. Thực hiện chủ trương chuyển dân vùng hồ để xây dựng công trình thuỷ điện Thác Bà, huyện đã  lãnh đạo, chỉ đạo di chuyển hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng hồ. Việc chuyển dân xây dựng nhà máy đã diễn ra nhanh, gọn, thành công và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đây là một việc làm có ý nghĩa chính trị, kinh tế, quốc phòng to lớn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.

Tiếp nối truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc Lục Yên đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đảng bộ huyện Lục Yên đã huy động cao độ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đóng góp 29.700 tấn lương thực, 1.575 tấn thực phẩm; 5.315 thanh niên nhập ngũ, hàng chục thanh niên xung phong đi phục vụ chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, Đảng bộ đã chỉ đạo nhân dân vừa chi viện cho chiến đấu, vừa tăng cường sản xuất ổn định đời sống, Lục Yên đã gửi ra chiến trường 2 tiểu đoàn chủ lực 820 cán bộ, chiến sỹ, 700 dân công hỏa tuyến, 2.008 tấn lương thực, 53 tấn thực phẩm, 51 trâu thịt, 11.237 triệu đồng. Huy động hàng ngàn ngày công, đào đắp hàng chục nghìn mét công sự phòng thủ trên các tuyến đường biên giới, góp phần vào chiến công chung của quân và dân Hoàng Liên Sơn.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên đã luôn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong việc cụ thể đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn địa phương, khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội: Tình hình phát triển kinh tế được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014, đạt 16,4%;giá trị sản xuất bình quân đầu người 34,8 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt 55 tỷ; đời sống của nhân dân các dân tộc trong huyện không ngừng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 20 triệu/người, giải quyết tốt việc làm cho người lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2014 đạt 44%; số hộ thoát nghèo ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh đến năm 2014 còn 27,82%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 98%; tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh tăng cao (nông thôn 70%, thị trấn 90%); chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng lên. Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, đặc biệt là việc tuyên truyền huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn được triển khai thực hiện tốt với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch có nhiều khởi sắc.

Văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực, năm 2014 số gia đình đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí mới đạt 73%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa 90%; tỷ lệ làng, bản, tổ dân phố văn hóa đạt 68%; số xã văn hóa ra mắt là 10 xã; về xây dựng nông thôn mới 23/23 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên, trong đó có 04 xã đạt 10 tiêu chí; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt cao, duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS ở 24 xã, thị trấn; 24 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì và xây dựng mới các đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia, toàn huyện có 27 trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ phòng học kiên cố được nâng lên 95,7%; công tác chăm sóc sức khỏe được thực hiện có hiệu quả, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên; tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm; vận động các hộ gia đình nông thôn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 51%; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo Bộ Tiêu chí quốc gia, giai đoạn 2001 - 2010, 06 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo Bộ Tiêu chí quốc gia, giai đoạn 2011 - 2020, đạt chỉ tiêu nghị quyết; thực hiện tốt công tác cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách và vận động nhân dân tham gia khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, do đó tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2014 đạt 94,5%. Thực hiện tốt các chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, các chính sách an sinh xã hội và giải quyết có hiệu quả vấn đề việc làm cho lao động nông thôn; bảo vệ tài nguyên môi trường được chú trọng hơn; phát huy dân chủ có tiến bộ.Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; thực hiện nghiêm túc các chỉ thị mệnh lệnh của cấp trên, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu theo quy định, đảm bảo huấn luyện theo kế hoạch, thực hiện tốt công tác tuyển quân hàng năm; công tác thanh tra, tư pháp, thi hành án, kiểm sát được đẩy mạnh, giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: 68 năm qua, từ “Ban Huyện ủy” có 3 đảng viên, đến nay, trải qua 20 kỳ Đại hội, (tính đến thời điểm tháng 04/2015) Đảng bộ huyện có 55 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc, 427 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 5.534 đảng viên. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện đã không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng. Đảng bộ đã luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cụ thể: Về công tác chính trị tư tưởng, cấp ủy huyện luôn chủ động nắm tình hình để kịp thời lãnh đạo, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, tập trung giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, do đó tình hình tư tưởng, dư luận trong nhân dân luôn ổn định; tổ chức triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt và sơ kết, tổng kết đầy đủ, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và cấp mình. Đẩy mạnh triển khai thực hiện sâu rộng việc thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” qua đó đã tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng và đảng viên, nhiều vấn đề băn khoăn, bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở được quan tâm giải quyết kịp thời; khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng được tăng cường, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên tự soi xét lại mình, tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động, tự rèn luyện tu dưỡng đạo đức để xứng đáng là người công bộc tận tuỵ, trung thành của nhân dân. Công tác xây dựng Đảng đã có nhiều chuyển biến tiến bộ; chất lượng tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên; đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở được tăng thêm cả về số lượng và chất lượng; công tác tổ chức cán bộ được quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ; tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh làm cơ sở cho công tác quy hoạch cán bộ, từng bước khắc phục được tình trạng quy hoạch khép kín, đảm bảo phương châm “động” và “mở”. Việc bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ giữa khối đảng, đoàn thể với khối chính quyền, giữa cấp huyện và cấp xã đảm bảo tính kế thừa, ổn định và phát triển; chú trọng công tác phát triển Đảng, nhất là ở những thôn bản khó khăn, ít đảng viên nhằm đảm bảo tính bền vững của các chi bộ thôn, bản; hoàn thành việc xóa chi bộ ghép ở thôn, bản. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo chương trình đề ra, xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định, đảm bảo khách quan, công tâm; kết luận kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần hạn chế các vi phạm của cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Thực hiện tốt công tác dân vận, tích cực vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị đề ra; nắm chắc tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện. Tiếp tục chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”. Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tích cực đổi mới nội dung, phát huy vai trò trong việc chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương; tỷ lệ thu hút đoàn viên, hội viên vượt chỉ tiêu nghị quyết hằng năm đề ra.

                                                            ***

Nhìn lại chặng đường cách mạng đã đi qua, chúng ta có thể tự hào rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, 68 năm qua, Đảng bộ huyện Lục Yên đã giác ngộ, giáo dục, tập hợp, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, sức mạnh của cả Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong huyện đã đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên đã xây dựng và hun đúc nên những truyền thống tốt đẹp đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc tình đoàn kết dân tộc, đức tính lao động cần cù, sáng tạo đây là những giá trị tinh thần bền vững mà Đảng bộ Lục Yên đã dày công xây đắp và xứng đáng với thành tích hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Bước vào thời kỳ mới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn có những biến đổi sâu sắc, khó lường, tác động trực tiếp đến nước ta, vừa tạo ra những thuận lợi, cơ hội mới, vừa làm nảy sinh những khó khăn, thử thách mới. Đối với huyện Lục Yên, trong những năm qua thực hiện đường lối đổi mới đã đạt những thành tựu quan trọng và toàn diện, nhưng Lục Yên vẫn là một huyện nghèo, chất lượng tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa thật bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng một số lĩnh vực văn hoá - xã hội còn thấp, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục quan tâm và tích cực giải quyết. Nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên là rất lớn, chúng ta phải nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ sự ủng hộ, phát huy những thế mạnh và truyền thống anh hùng, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

2- Những nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên trong thời gian tới

 Tập trung phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015 và  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ XX. Chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp cơ sở, Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ XXI tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh, của huyện năm 2015 với những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:  Một là: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Chú trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn. Ưu tiên phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và từng bước trở thành khâu đột phá để thúc đầy nền kinh tế. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chú trọng đầu tư phát triển du lịch, tập trung vào các điểm du lịch sinh thái, lịch sử văn hóa, bản sắc dân tộc trên địa bàn. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đảm bảo yêu cầu phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn.

Hai là: Phát triển văn hoá - xã hội theo hướng chất lượng và bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến đồng bộ, vững chắc về quy mô và chất lượng ở tất cả các cấp học, ngành học. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, làm tốt công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ và chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân. Quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về nâng cao chất lượng xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa huyện Lục Yên, giai đoạn 2010 - 2015 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/06/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chăm lo giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện tốt các chính sách xã hội,  không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong toàn huyện.

Ba là: Tiếp tục tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng khu vực phòng thủ của huyện ngày càng vững chắc, xây dựng xã, thị trấn vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang huyện. Phát huy sức mạnh của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng xã, thị trấn, cơ quan vững mạnh toàn diện, an toàn làm chủ. Đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông và các vi phạm pháp luật khác trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân.

Bốn là: Không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân kiên định lập trường chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng. Triển khai có hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp quan trọng hàng đầu góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020; Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 04/6/2012 của Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng của Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đề án số 06-ĐA/TU, ngày  04/6/2012 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng, nổi cộm, bức xúc; chống tham nhũng, quan liêu, lãnh phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phát huy vai trò Mặt trận Tổ Quốc, các đoàn thể nhân dân và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Kỷ niệm 68 năm Ngày Ngày thành lập Đảng bộ huyện chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào với truyền thống của quê hương Lục Yên; cùng ghi nhớ công lao to lớn, những đóng góp máu xương của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ, đồng bào, đồng chí, các thế hệ người dân Lục Yên trong suốt chặng đường cách mạng đã đi qua; chúng ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng quê hương Lục Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh.

2560 lượt xem
(Theo Trang TTĐT Lục Yên)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h