“Không dễ nhưng cũng phải chia tay nó thôi” - ông Hảng Tồng Chư, Bí thư Chi bộ thôn Trống Tông, xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) nói. “Cần thì có cần đấy nhưng cũng vì súng mà bản làng nhiều khi không ổn định. Có người do vô tình bắn thú làm chết người. Có người do mâu thuẫn cá nhân hay bức xúc việc gia đình đem súng ra đe dọa nhau. Đã có người không kiềm chế, dùng súng để giải quyết mâu thuẫn, bức xúc, gây tử vong cho người khác” - ông Chư nói thêm.
Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã (Công an huyện Mù Cang Chải) Sùng A Làng cho biết: “Phong tục lạc hậu là một khó khăn, cản trở khi tiến hành tuyên truyền, vận động bà con giao nộp súng tự chế. Huyện có 13 xã đặc biệt khó khăn, 126 bản, với trên 91% dân số là đồng bào dân tộc Mông, trình độ nhận thức của bà con còn thấp. Để bà con giao nộp súng tự chế, trách nhiệm không chỉ riêng cơ quan công an mà đòi hỏi các cấp, các ngành, đoàn thể phải cùng vào cuộc”.
Làm việc với lãnh đạo Công an huyện, đồng chí Hà Ngọc Đương - Trưởng Công an huyện trao đổi: “Cơ quan công an đã tham mưu tích cực, giúp UBND huyện kịp thời xây dựng các văn bản chỉ đạo, kiểm tra, tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Có những khó khăn rất lớn nhưng vấn đề chính là phải có phương pháp vận động, hình thức vận động cho phù hợp. Không thể giải quyết ngay một lúc mà phải làm thường xuyên, liên tục. Trong vận động, kinh nghiệm của chúng tôi là lồng ghép, đưa nội dung cuộc vận động vào sinh hoạt tại các buổi họp, cuộc họp thôn, bản; tranh thủ tốt sự ủng hộ, vào cuộc của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng để cùng vận động nhân dân”.
Theo đồng chí Trưởng Công an huyện, đơn vị đồng thời chú trọng chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cơ quan công an cấp trên; xây dựng các kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo công an các xã tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác tổng kiểm tra, vận động nhân dân giao nộp vũ khí.
Thực tế ở xã Lao Chải, đồng chí Lờ A Chu - Trưởng ban Công an xã cho biết: “Công an xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện các hướng dẫn, chỉ đạo của Công an huyện tổ chức các đợt kiểm tra, tổng kiểm tra, họp dân tuyên truyền để bà con nhận thức đúng và đầy đủ về sự cần thiết giao nộp súng tự chế. Mới nhất là năm 2014, Công an xã đã tổ chức cuộc vận động nhân dân tự giác giao nộp súng tự chế lồng ghép với phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; trong đó, xây dựng, triển khai tốt mô hình “2 không, 1 giảm” có nội dung không tàng trữ, mua bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép ở bản Xéo Dì Hồ B, qua đó, vận động bà con giao nộp 3 khẩu súng tự chế”.
Đồng chí Giàng A Páo - cảnh sát phụ trách địa bàn cho biết: “Phải vận động được sự tham gia của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng. Cán bộ, công an tuyên truyền có tốt mấy mà không có sự ủng hộ, tham gia vận động của những người già thì cũng có khó khăn, khó làm tốt được”.
Với vai trò nòng cốt trong bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), Công an huyện đã tăng cường cán bộ, chiến sỹ về cơ sở, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác ANTT, trong đó, có cuộc vận động nhân dân giao nộp súng tự chế. Cán bộ, chiến sỹ công an đã có mặt ở những bản làng khó khăn nhất, nơi phong tục, lề thói, nhận thức của bà con còn rất lạc hậu để “bốn cùng” với dân, làm cho dân hiểu, dân tin để nhân dân tự giác giao nộp súng tự chế. Chỉ tính từ tháng 11/2010 đến tháng 3/2015, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân đã tự giác giao nộp 634 khẩu súng tự chế, 1 công cụ hỗ trợ, 32,6kg vật liệu nổ.
Từ bắt buộc đến tự giác là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của cán bộ, chiến sỹ công an và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. Ông Thào A Páo ở bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt đã giữ mấy khẩu súng kíp trong nhà theo phong tục. Với ông, khi mới được tuyên truyền, vận động giao nộp súng, ông cũng nghe nhưng tâm tư thì không muốn giao nộp những vật dụng đã thành tri kỷ và có ý nghĩa tâm linh. Qua rất nhiều lần được vận động, ông đã thấm hiểu sự cần thiết phải giao nộp súng và tự giác chấp hành.
Ông vui vẻ: “Súng để săn thú rừng nhưng săn thú rừng bây giờ là vi phạm pháp luật. Bây giờ điều kiện thông tin đã tốt rồi, có việc gì bà con đều liên lạc rất nhanh qua điện thoại di động, cũng không cần để bắn súng báo hiệu khi nhà có việc nữa. Không dùng vào việc gì mà cứ giữ súng trong nhà là không tốt. Không có súng thì thôi chứ có súng, giữ súng có khi gây họa nên mình tự giác giao nộp rồi”. Ông cũng kể mấy vụ việc do mâu thuẫn, bức xúc hoặc do mê tín mà dùng súng tự chế bắn chết người ở xã nọ, huyện kia và đúc kết: “Bà con nên nghe theo lời của cán bộ, của xã, của huyện, của công an. Làm theo chỉ tốt chứ không có gì hại đâu”.
Quả là đã có một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào. Đồng chí Hà Ngọc Đương cho biết, chỉ tính riêng từ năm 1996 - năm đầu thực hiện Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ đến năm 2011, huyện đã vận động nhân dân giao nộp 2.976 khẩu súng các loại, gồm 7 súng quân dụng, 5 súngthể thao, 13 súng ngoại chế, 1 súng bắn đạn cao su, 2.945 súng săn tự chế, 95 nòng súng tự chế và 2 công cụ hỗ trợ.
Nhờ những nỗ lực đầy trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nòng cốt là lực lượng công an các cấp với sự tự giác chấp hành của nhân dân mà bản làng vùng cao thêm bình yên, tạo những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đạt được là tích cực và cơ bản nhưng cũng còn nhiều khó khăn trước mắt, đó là những khó khăn do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu; do trình độ, nhận thức của đồng bào và khó khăn từ chính những hạn chế, thiếu thốn của đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác theo dõi, quản lý vũ khí, vật liệu nổ…
Với kinh nghiệm của mình, Công an huyện đang tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt ba nhiệm vụ, giải pháp cơ bản. Đó là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh và các văn bản liên quan; tăng cường nắm tình hình, rà soát, thống kê vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là súng săn, súng tự chế và vũ khí thô sơ để có biện pháp thu hồi; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Từ thực tế ở Mù Cang Chải, có thể khẳng định, tuy có khó khăn đến mấy nhưng nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hiểu dân, tin dân để dựa vào dân giải quyết việc cho dân vẫn thành công.
(Theo Báo Yên Bái)