Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan cùng đại diện lãnh đạo của gần 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định trong năm 2014, kinh tế xã hội của tỉnh Yên Bái đã tiếp tục phát triển đạt được nhiều thành tựu to lớn, mở hướng phát triển bền vững cho tỉnh trong thời gian tới. Trong sự phát triển chung đó có những đóng góp hết sức to lớn của các doanh nghiệp và doanh nhân vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Tính đến hết năm 2014, tỉnh Yên Bái có tổng số 1.349 doanh nghiệp tham gia hoạt động trên địa bàn. Tổng số tiền thuế các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước là trên 723 tỷ đồng, chiếm 56% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 23 nghìn người lao động với mức thu nhập bình quân của người lao động khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù trong năm 2014, thông qua kết quả kinh doanh thì các doanh nghiệp đã trưởng thành và phát triển hơn rất nhiều nhưng vẫn còn những vấn đề cần khắc phục như đa số các doanh nghiệp đều có quy mô kinh doanh nhỏ, yếu về năng lực tài chính, thiếu lao động kỹ thuật, năng lực quản lý điều hành còn nhiều hạn chế đên chưa có sự cạnh tranh cao và luôn bị động trước những biến động của thị trường. Sự liên kết giữa 4 nhà trong sản xuất còn lỏng lẻo, sự gắn kết lợi ích giữa các bên, thiếu sự đầu tư về chiều sâu của doanh nghiệp nên vẫn gặp khó khăn về nguyên liệu, giá và tiêu thụ sản phẩm. Một số doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư thì có năng lực tài chính yếu, công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, đầu tư dàn trải dẫn đến chậm hoàn thành hoặc ngừng đầu tư. Hoạt động của các doanh nghiệp còn thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người lao động và doanh nghiệp với địa phương.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng bày tỏ mong muốn thông qua Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp năm 2015, lãnh đạo tỉnh sẽ được nghe, chia sẻ với các doanh nghiệp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị từ các doanh nghiệp. Qua đó, cùng với cộng đồng doanh nghiệp bàn thảo và đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực với mục tiêu phát huy tối đa những thuận lợi, tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia phát biểu ý kiến
Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, các ý kiến tham luận tại Hội nghị đều khẳng định những thành tựu, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua, nhất là sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành đối với doanh nghiệp. Đồng thời cũng kiến nghị, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như đề nghị tỉnh quan tâm, hoàn thiện hơn nữa sự đồng bộ của các cơ chế chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp; Tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ tốt cho hoạt động mua bán, vận chuyển và phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn; Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để giảm thiểu tần suất thanh tra, kiểm tra chuyên đề, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; Các ngành liên quan cần đồng hành giúp doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp; Các Ngân hàng cần nghiên cứu để giảm lãi suất cho vay ngang với lãi suất tiền gửi, cho vay dưới hình thức cả thế chấp và tín chấp; Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện tiêu chuẩn về máy móc, trang thiết bị hiện đại, vốn đầu tư, thị trường…; Đề nghị UBND tỉnh sớm chính thức ban hành giá tính thuế tài nguyên đối với đá hoa trắng trên địa bàn, xem xét giá cấp thuế tài nguyên đối với đá hoa trắng làm nguyên liệu nghìn bột canxi cacbonat cho phù hợp điều kiện thực tế...
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã tiếp thu ý kiến và giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời cũng có những kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh để sớm có hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, bên cạnh việc đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà đã khẳng định, Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp là diễn đàn thường xuyên hàng năm, thể hiện một cơ chế đối thoại hiệu quả giữa chính quyền và các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Điều này thể hiện sự nghiêm túc và khẩn trương trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh uỷ về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đồng thời thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là chung tay, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để kịp thời khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể bao gồm: giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan lên kế hoạch hành động để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; Triển khai quyết liệt, có hiệu quả các vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc; Là cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp với các tổ chức để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững; Công khai, minh bạch các chính sách phát triển kinh tế xã hội của Trung ương và địa phương. Xã hội hóa nguồn lực đầu tư; Thành lập 1 tổ công tác chuyên giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dựa trên căn cứ pháp lý thuộc thẩm quyền của tỉnh; Phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành để tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp
Cùng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục cố gắng, có ý thức vươn lên, mở rộng kiến thức về kinh tế thị trường, nâng cao kỹ năng quản trị, xem xét, điều chỉnh con đường kinh doanh phù hợp; Thực sự thích ứng với thị trường, chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo dựng và bảo vệ thương hiệu; Tăng cường liên doanh, liên kết để hợp tác cùng phát triển; Quan tâm chất lượng đội ngũ người lao động có kỹ năng, kiến thức, hướng tới sự chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng văn hóa kinh doanh.