Chính phủ có Nghị định số 359 ngày
9/9/1946 quy định về nhiệm vụ và tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số và ngày đó
được lấy là Ngày thành lập cơ quan làm công tác dân tộc. Ngày 14/10/2008, Thủ
tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg về Ngày truyền thống của cơ
quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và chính thức từ năm 2009
trở đi, ngày 3/5 hàng năm được qui định là Ngày truyền thống của cơ quan quản
lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.
67 năm từ khi thành lập, trải qua các giai
đoạn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân tộc có những nhiệm vụ
trọng tâm khác nhau để phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất
nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, thực hiện chính sách dân tộc của
Đảng, Nhà nước, công tác dân tộc được nâng lên tầm cao mới là: “Bình đẳng, đoàn
kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Cùng với sự ra đời của cơ quan
quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trong cả nước, ở tỉnh Yên Bái, cơ quan
công tác dân tộc đồng thời được thành lập. Cụ thể, từ năm 1946 đã thành lập Ban
Dân vận ở tỉnh và các huyện, thị có tiểu ban dân tộc vận và tiểu ban vận động
miền núi.
Từ 1951 đến 1961, thành lập Ban Dân tộc vận
của tỉnh. Từ năm 1961 đến 1976, thành lập Tiểu ban Dân tộc vận từ tỉnh đến các
huyện, thị. Từ năm 1976 đến 1981, công tác dân tộc nằm trong Ban Dân vận - Mặt
trận của tỉnh. Từ năm 1981 đến 1991, công tác dân tộc nằm trong Ban Dân vận của
tỉnh. Từ 1991 đến tháng 7/2000, thành lập Ban Dân vận - Dân tộc thuộc Tỉnh ủy
và đồng thời với hệ thống tổ chức trên, khối nhà nước có Ban Định canh - Định
cư, Chi cục Định canh - Định cư và Vùng kinh tế mới trực thuộc Cục Định canh -
Định cư và Vùng kinh tế mới - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn được
quản lý theo ngành dọc từ trung ương đến cấp huyện.
Từ tháng 7/2000 đến tháng 2/2005, Ban Dân
tộc - Miền núi được thành lập là cơ quan chuyên môn ngang sở, trực thuộc UBND
tỉnh trên cơ sở đổi tên chi cục định canh - định cư và vùng kinh tế mới. Từ
tháng 3/2005 đến nay, thực hiện Nghị định 53/2004/NĐ-CP ngày 18/2/2004 của
Chính phủ, Thông tư 246/2004/TTLT-UBDT-BNV, Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLT-UBDT-BNV
ngày 17/9/2010 của Liên bộ Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân
tộc thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số
74/QĐ-UB ngày 3/3/2005, Quyết định số 521/QĐ-UBND ngày 19/4/2011 về việc kiện
toàn tổ chức bộ máy và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban
Dân tộc tỉnh Yên Bái. Ban Dân tộc tỉnh đã được thành lập trên cơ sở đổi tên Ban
Dân tộc và Miền núi trước đây. 7 huyện, thị có phòng dân tộc (riêng thị xã
Nghĩa Lộ thành lập bộ phận theo dõi công tác dân tộc thuộc văn phòng HĐND, UBND
thị xã).
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được
giao, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động, tích cực trong công tác tham mưu giúp Tỉnh
ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân
tộc trên địa bàn. Trong đó, xác định công tác dân tộc và thực hiện các chính
sách dân tộc là nội dung quan trọng gắn liền trong mọi lĩnh vực, nhiệm vụ phát triển
kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương và là điều kiện, cơ
hội để đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo vùng khó khăn ổn định cuộc
sống, phấn đấu vươn lên.
Giai đoạn 2009 - 2014, thực hiện Chương
trình 135, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư trên 755 tỷ đồng, đầu tư xây dựng được
1.063 công trình lớn nhỏ, duy tu và bảo dưỡng 272 công trình; thực hiện hỗ trợ
phát triển sản xuất cho gần 5.700 lượt hộ nghèo; tập huấn cho gần 37.500 lượt
cán bộ xã, thôn bản và người dân, dạy nghề cho 2.500 thanh niên; hỗ trợ gần 37.700
lượt học sinh là con hộ nghèo học tập; thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg
của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ cho 886.327 lượt người thuộc hộ nghèo
vùng khó khăn với tổng kinh phí trên 81,6 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày
12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ về nhà ở, từ năm 2009 -
2012, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho 7.145 đối tượng là hộ nghèo,
trong đó hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 87,18% với tổng kinh phí trên
149 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã cho 3.490 hộ dân tộc thiểu số nghèo ở vùng đặc biệt
khó khăn vay vốn với tổng nguồn vốn trên 20 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp các
hộ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, trang bị nông cụ sản xuất, khai hoang
ruộng nước. Tỉnh cũng đã thực hiện hỗ trợ di dời, tái định cư xen ghép cho 682
hộ dân tộc thiểu số và thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư cho trên 2.000 hộ vùng
dân tộc, miền núi, trong đó có trên dưới 1.800 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu
số.
Những kết quả đạt được trong thực hiện các
chương trình, chính sách, dự án đối với đồng bào dân tộc và miền núi đã tạo
động lực thúc đẩy vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Trong 5
năm qua, đời sống của đồng bào ở khu vực này được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ
nghèo giảm nhanh (mỗi năm giảm trung bình từ 3% - 4%). Riêng huyện Trạm Tấu và Mù
Cang Chải giảm bình quân trên 6%/năm, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào
ngày càng được nâng lên.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Ban Dân tộc được
tỉnh giao kế hoạch thực hiện và phối hợp thực hiện các chương trình, dự án,
chính sách dân tộc với tổng kinh phí 174.839 triệu đồng. Trong đó, vốn Chương
trình 135 năm 2015 là 146 tỷ 454 triệu đồng; vốn theo Quyết định 755/QĐ-TTg 7
tỷ đồng; chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn
theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ là 18 tỷ
531 triệu đồng. Đến hết tháng 4/2015, toàn tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng 85
công trình (có 53 công trình chuyển tiếp). Các huyện đang giao kế hoạch chi
tiết các công trình cơ sở hạ tầng ở thôn bản; tiếp tục phân bổ vốn duy tu bảo
dưỡng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Riêng nguồn vốn bổ sung kế hoạch Chương
trình 135 năm 2014 đã được đầu tư xây dựng 21 công trình kết cấu hạ tầng và hỗ
trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị phục
vụ sản xuất nông nghiệp, đạt 90% kế hoạch. Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở,
đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định 755/QĐ-TTg trên địa bàn đã triển
khai tổng nguồn vốn 7 tỷ đồng để hoàn thành 5 công trình chuyển tiếp, 2 công
trình khởi công mới.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ người có
uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong quý I năm 2015, đã tiến hành
chuyển phát được 68.860 tờ báo Yên Bái đến 1.176 người có uy tín. Chính sách hỗ
trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn đã thống nhất kế
hoạch thực hiện hỗ trợ tại 5 huyện: Lục Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên,
Yên Bình cho 94.974 khẩu với kinh phí gần 9 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ dầu hỏa
thắp sáng bằng tiền cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính
sách, hộ nghèo chưa sử dụng điện lưới đã hoàn thành rà soát và sẽ thực hiện
chính sách cho 11.734 hộ ở Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên
với tổng kinh phí gần 970 triệu đồng. Các chính sách cấp một số loại báo,
tạp chí vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, chính sách
cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn
giai đoạn 2012 - 2015 tiếp tục được phối hợp thực hiện theo chủ trương của Thủ
tướng Chính phủ.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục
quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà
nước về công tác dân tộc. Trong đó, tập trung cụ thể hóa thành các chương
trình, dự án, đề án cụ thể của tỉnh để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu
quả các chính sách dân tộc như: triển khai các chính sách dân tộc mới do Chính
phủ ban hành, các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; quyết định, chỉ thị của UBND
tỉnh về lĩnh vực công tác dân tộc. Phối hợp với các ngành, địa phương tăng
cường nắm bắt tình hình cơ sở; nắm chắc tình hình đời sống, an ninh trật tự
vùng đồng bào dân tộc; kịp thời tham mưu với tỉnh các biện pháp, giải pháp ổn
định vững chắc an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân
tộc; tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất; tự kiểm
tra và kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình thực
hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt nhiệm vụ là thành viên các ban chỉ đạo, ban vận
động, các đoàn công tác theo quyết định của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đồng
thời, thực hiện cải cách hành chính, quản lý tài chính, tài sản nhà nước, quản
lý cán bộ công chức theo qui định trong thời gian tiếp theo.
(Theo Báo Yên Bái)