Nhiều mô hình phát huy hiệu quả
Nói đến thực hiện Nghị quyết 30a tại huyện
Trạm Tấu, cần nói đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiệu quả đầu tiên là mô
hình chuyển đổi gần 980ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi có thể cho
thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Không thể phủ nhận đây là một thành công - một
điển hình minh họa cho sự chuyển biến rõ trong tư duy và phương thức sản xuất
của người dân.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Những năm trước
đây, đồng bào dân tộc có tập quán sản xuất lúa nương rẫy, có những thời điểm cả
huyện có gần 1.200ha lúa nương. Nhưng từ năm 2009, thực hiện Nghị quyết 30a,
huyện đã xây dựng các mô hình trồng ngô trên diện tích sản xuất lúa nương cho hiệu
quả kinh tế cao. Để khuyến khích các hộ dân chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa
nương sang trồng ngô, huyện đã hỗ trợ 20kg ngô giống và khoảng 2 triệu đồng
tiền phân bón cho 1ha chuyển đổi. Trong điều kiện thâm canh bình thường ngô vẫn
đạt năng suất trên 4 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 6 - 7 lần lúa
nương”.
Minh chứng cho lời nói của mình, ông Hưng
đã đưa chúng tôi đến gia đình anh Vàng A Rua, ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu.
Đứng trước một quả đồi ngô xanh tốt, anh Rua cho biết: “Trước đây, gia đình
mình sản xuất gần 1ha lúa nương. Từ năm 2010, được cán bộ xã và cán bộ Phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lên hỗ trợ ngô giống cùng nhiều loại
phân bón và hướng dẫn kỹ thuật, gia đình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang
trồng ngô. Ngay trong vụ đầu tiên, gia đình đã thu hoạch được 4,8 tấn ngô, thu
về 32 triệu đồng. Được mùa ngô, gia đình tiếp tục chuyển đổi số diện tích lúa
nương còn lại sang trồng ngô, số tiền còn lại một phần để dành cho con cái đi
học và mua được xe máy để đi”.
Còn anh Sùng A Thào, bản Tấu Trên phấn khởi
khoe: “Thấy cán bộ huyện, xã hỗ trợ ngô giống và phân bón cho đất trồng lúa
nương, gia đình phấn khởi lắm. Vụ xuân hè này gia đình mình đã trồng 1ha ngô
bằng giống NK66. Cứ tưởng trồng trên đất lúa nương cằn cỗi ngô không lên được
nhưng cây ngô lại lên rất tốt. Nếu không có bất thường của thời tiết thì chắc
chắn cho năng suất cao, ít cũng phải 4 tấn/ha”.
Được biết, từ khi thực hiện Nghị quyết 30a
của Chính phủ, huyện Trạm Tấu đã chuyển đổi được 929ha diện tích lúa nương kém
hiệu quả sang trồng ngô, trong đó nhân dân chuyển đổi 885ha, còn lại chuyển đổi
thông qua mô hình trình diễn, góp phần giảm diện tích lúa nương từ 1.200ha năm 2010
đến nay xuống còn 250ha. Sản lượng lương thực năm 2014 đạt 19.630 tấn, tăng gần
6.700 tấn so với năm 2010.
Còn tại Mù Cang Chải, thế mạnh của địa
phương được xác định là chăn nuôi trâu, bò theo mô hình bán công nghiệp, bởi có
nguồn thức ăn tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Đẩy mạnh phát triển chăn
nuôi đại gia súc đã góp phần mang lại thu nhập đáng kể, nâng cao mức sống cho
người dân địa phương. Ở bản Nả Dề Thàng, xã Khao Mang có bác Sùng A Giàng biết
làm giàu cho gia đình, đi đầu trong việc vận động đưa giống mới vào sản xuất.
Trong ngôi nhà gỗ ba gian lợp phi brôximăng
đã có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, bác Giàng nâng chén rượu ngô mời khách
"hầu mình" (uống cạn) và cười bảo: “Các thứ này từ tiền bán trâu, lợn
và cá nuôi đấy, còn lúa năm nay đủ ăn, không bị đói đâu, cán bộ à!”. Các thửa
ruộng bậc thang hai vụ của gia đình bác Giàng trên triền núi dốc, đầy nước, lúa
qua đợt giá lạnh đã bén rễ lên xanh. Ao nuôi cá được thả bèo hoa dâu giữ ấm
cũng đồng thời làm thức ăn cho lợn; đất lúa nương nay chuyển sang trồng ngô
Bai-ô-xit cho năng suất cao và giá trị hàng hóa nhiều hơn. Có ngô làm thức ăn
chính nên đàn lợn thịt hơn 10 con của gia đình con nào cũng béo đen. Con trâu
cái sinh sản được hỗ trợ từ Chương trình 30a được chăm sóc tốt năm vừa qua cũng
đã đẻ thêm một chú bê đực.
Ông Sùng A Sào - Chủ tịch UBND xã Lao Chải
(Mù Cang Chải) cho biết: "Do đặc thù của xã vùng cao thời tiết rất khắc
nghiệt nên việc phát triển các mô hình cây, con mang lại giá trị kinh tế cao
cho người dân không phải là chuyện dễ làm. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa
phương, lấy phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đi chính trong công cuộc
xóa đói giảm nghèo cho người dân, chính quyền xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi
để người dân tiếp cận dễ dàng hơn với kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn cách phòng
bệnh cho trâu, bò. Cụ thể là cán bộ khuyến nông xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân
kỹ thuật làm cây rơm để dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông và phòng
dịch cho trâu, bò; làm chuồng nuôi nhốt cho trâu, bò xa nhà, không để ảnh hưởng
đến môi trường sống của người dân; trồng cỏ voi VA06 để chủ động nguồn thức ăn
trong chăn nuôi, tránh thả rông gia súc".
Tuy nhiên, thực tế những năm qua, việc
người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế bởi trình
độ nhận thức, thời tiết diễn biến phức tạp, thiếu vốn nên chưa đầu tư đúng mức
đối với phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản; chưa hình thành các cơ sở chăn
nuôi tập trung, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát dịch bệnh.
Đồng chí Giàng A Tông - Chủ tịch UBND huyện
Mù Cang Chải cho biết: “Việc hỗ trợ con giống của Chương trình 30a đã góp phần
tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo nhưng với số lượng lớn cấp phát dàn
đều, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng mua con giống, 1 triệu đồng làm chuồng và
200 nghìn đồng tiền trồng cỏ như thế này khó có thể thoát nghèo nhanh chóng.
Trên thực tế, một con trâu "dò dò" cũng tầm khoảng 30 triệu đồng, do
vậy một số hộ đã mạnh dạn dùng nguồn vốn cá nhân kết hợp vốn vay Nhà nước với
lãi suất ưu đãi để phát triển chăn nuôi.
Trong thời gian tới, huyện sẽ có thêm nhiều
chính sách phát triển chăn nuôi, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu
về lợi ích của phát triển chăn nuôi đại gia súc, địa phương còn hỗ trợ kinh phí
cho các hộ chăn nuôi và còn có các giải pháp như: thực hiện tốt các chính sách về
chăn nuôi; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi; ứng dụng các tiến
bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng dịch bệnh; đưa những giống mới cho năng
suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; hướng dẫn người chăn nuôi cách chế
biến, bảo quản, dự trữ thức ăn. Bên cạnh đó, Mù Cang Chải xác định tăng cường
chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người chăn nuôi để phát triển chăn
nuôi đại gia súc đạt hiệu quả kinh tế cao".
Nhiều chị em dân tộc Mông xã La Pán
Tẩn, huyện Mù Cang Chải được đào tạo nghề may.
Bài học kinh nghiệm
Từ mô hình điểm thành công kể trên, có thể
rút ra bài học kinh nghiệm để một mô hình sản xuất có thể đi vào thực tiễn là:
mô hình cần xuất phát từ đặc điểm, tình hình tự nhiên - xã hội của địa phương.
Cụ thể, cần nắm rõ thổ nhưỡng, khí hậu để chọn giống cây, giống con phù hợp,
nếu có thể nên ưu tiên những giống cây, giống con bản địa bởi hai lý do. Một là
người ta thường dễ dàng tiếp nhận những thứ mà mình đã biết, đã quen thuộc nên
công tác dân vận sẽ thuận lợi hơn. Hai là giảm thiểu được chênh lệch giữa yêu
cầu và trình độ kỹ thuật của người dân, tăng khả năng thành công và hiệu suất
của mô hình.
Trong làm mô hình kinh tế là sự chọn lọc,
chọn lọc ở đây là chọn đối tượng để triển khai, tập trung hỗ trợ. Không phủ
nhận rằng nhận thức của đa số bà con tại các huyện vùng cao còn hạn chế, sức ỳ
lớn, ý thức tự thân vận động chưa cao nên chúng ta phải nhìn nhận Chương trình
30a như một chất xúc tác "kích cầu" đẩy nhanh những đối tượng đang trên
đà vươn lên thoát nghèo, chứ không phải là một "phép màu" có thể vực
những hộ với sức ỳ quá lớn. Bởi nếu chưa thay đổi được tư tưởng trông chờ, ỷ
lại của người dân, dù có hỗ trợ nhiều đến đâu cũng không thể thay đổi bản chất
là xã hội đang gánh vác, bù đắp hộ cái nghèo, cái đói của một bộ phận.
Cuối cùng là bài học "tiêu thụ sản
phẩm". Một mô hình phát triển tốt chưa chắc đã là một mô hình thành công,
cho đến khi tìm được đầu ra ổn định và đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người dân.
Có hai lý do dẫn đến việc sản phẩm không tìm được đầu ra trên thị trường. Một
là, do năng suất thấp nên không đáp ứng được điều kiện bao tiêu. Hai là, năng
suất rất cao nhưng không có doanh nghiệp, cá nhân nào đứng ra nhận bao tiêu sản
phẩm. Trên thực tế, đa số các mô hình hiện đang phát triển đều ở quy mô
nhỏ, các hoạt động giao dịch buôn bán chủ yếu ở hình thức tự phát tại các hộ
gia đình với các thương lái tư nhân.
Tuy nhiên, có hai bất cập nảy sinh từ tình
trạng này. Thứ nhất, người dân có nguy cơ chịu thiệt khi lái buôn ép giá, có
khi được mùa nhưng giá thấp nên tựu chung vẫn không đem lại hiệu quả kinh tế
cao. Thứ hai, do không hình thành được cơ chế, đơn vị bao tiêu ổn định nên
không xây dựng được thành mặt hàng có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường. Về
lâu dài, đây mới là cái đích mà Chương trình 30a nhắm đến: xây dựng các chuỗi
sản xuất đầu - cuối có tính ổn định, bền vững.
Chung quy lại, yếu tố trung tâm, mấu chốt
của cả ba bài học kể trên đều là con người. Đó là người dân với yêu cầu phải
thay đổi, chuyển biến về nhận thức, ý thức tự vươn lên, hoàn thiện bản thân để
trở thành nhân tố chủ động trong công cuộc thoát nghèo. Đó là nhà khoa học với
vai trò, nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất các phương án phát triển kinh
tế khả thi và tối ưu, phù hợp với từng địa phương. Đó là doanh nghiệp - khâu
cuối cùng hoàn chỉnh chuỗi sản xuất, tạo cầu nối giữa nhà nông với thị trường
tiêu thụ. Bao trùm lên tất cả những mắt xích ấy là Nhà nước mà vai trò định
hướng, chỉ đạo, hỗ trợ, khuyến khích và kích cầu được thể hiện cụ thể thống
nhất thông qua vai trò người cán bộ các cấp. Đó cũng chính là lý do vì sao kiện
toàn đội ngũ cán bộ, thu hút tăng cường trí thức trẻ có trình độ cao về các địa
phương "30a" là một trong những mục tiêu được chú trọng. Trả lời được
câu hỏi về vấn đề con người không chỉ cho phép đánh giá, giải thích những kết
quả đạt được trong giai đoạn vừa qua mà còn xác định được hướng đi cho chặng
đường sắp tới.
(Theo Báo Yên Bái)