Thời kỳ này, bộ máy cai trị của phát xít
Nhật và tay sai đều đóng trên địa bàn thị xã chưa đầy 1km2. Ba đảng viên của
chi bộ đã không ngại hy sinh, bí mật xây dựng cơ sở cách mạng tại đề pô xe lửa
Yên Bái, trong thanh niên, trí thức, tiểu thương và cả người trong bộ máy chính
quyền tay sai của Nhật.
Ngày 16/8/1945, Bác Hồ phát lệnh tổng khởi
nghĩa toàn quốc thì đêm 16 rạng ngày 17/8, giải phóng quân từ chiến khu vượt
sông Hồng tấn công quân Nhật trong thị xã. Ở nội thị, Chi bộ đã chỉ đạo chuẩn
bị cơ sở cứu chữa thương binh, cấp dưỡng; vận động quần chúng biểu tình thị uy
gây sức ép với quân Nhật. Với khí thế cách mạng dâng cao, phát xít Nhật buộc phải
đàm phán và ký kết đầu hàng Việt Minh. Ngày 22/8/1945 hàng ngàn người dân thị
xã tập trung mít tinh tại vườn hoa Nhà Kèn chào mừng Cách mạng tháng Tám thành
công và Uỷ ban khởi nghĩa Yên Bái ra mắt nhân dân.
Ngay sau khi giành được chính quyền, Chi bộ
tập trung lãnh đạo nhân dân thị xã khắc phục nạn đói, phát động tăng gia sản
xuất “diệt giặc đói”; vận động “nhường cơm sẻ áo” hỗ trợ những nhà khó khăn;
thực hiện sắc lệnh của Chính phủ về lập Quỹ độc lập và tổ chức “Tuần lễ vàng”
để kháng chiến, kiến quốc. Nhưng ngay sau khi giành độc lập được 1 tuần, quân
Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc giải giáp quân Nhật và kéo theo bọn Việt quốc,
Việt cách chiếm đóng thị xã. Chi bộ tiếp tục vận động nhân dân không hợp tác
với Quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh. Đồng thời, lực lượng tự vệ phối hợp với bộ
đội địa phương bao vây chia cắt địch, buộc Quốc dân đảng rời khỏi Yên Bái. Qua
mấy năm sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ba đảng viên đầu tiên lần lượt
hy sinh anh dũng nhưng phong trào cách mạng ở thị xã vẫn phát triển mạnh mẽ.
Khi Pháp trở lại xâm lược nước ta, thực
hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Đảng bộ thị xã đã vận động nhân dân
phá dỡ nhà và tản cư. Đồng thời, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ đã
lãnh đạo nhân dân giành được nhiều chiến công vang dội. Đầu năm 1949, ta mở
Chiến dịch sông Thao đánh vào hệ thống phòng thủ của địch bên hữu ngạn sông
Hồng, mặc dù đói giáp hạt nhưng nhân dân thị xã vẫn ủng hộ hàng trăm tấn lương thực,
thực phẩm, hàng ngàn ngày công phục vụ chiến dịch.
Năm 1950, ta mở chiến dịch Lê Hồng Phong
đánh vào Tây Bắc, nhân dân thị xã chuẩn bị gần 400 bè, mảng để dọc bến Âu Lâu
và một số bến khác, lập nhiều trận địa giả, làm hàng loạt lán ở trên đường quân
ta tiến vào Nghĩa Lộ. Hưởng ứng đợt vận động cho Chính phủ vay thóc, ngô để
tăng cường dự trữ lương thực cho cuộc kháng chiến, mặc dù rất khó khăn nhưng nhân
dân thị xã đã cho vay hơn 60 tấn thóc, gần chục tấn ngô. Vừa kháng chiến, vừa
kiến quốc, Đảng bộ thị xã tập trung lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, khai
hoang, phục hoá được hàng trăm ha ruộng; vận động người dân xóa nạn mù chữ. Năm
1953, số người biết đọc, biết viết tăng gấp 4 lần so với năm 1949 và gấp 10 lần
so với năm 1946.
Đầu tháng 12/1953, Trung ương mở Chiến dịch
Điện Biên Phủ. Để chuẩn bị cho chiến dịch, Trung ương giao cho tỉnh Yên Bái mở
đường từ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe đến đường số 41 (Sơn La). Đây là con
đường huyết mạch vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực từ Việt Bắc ra mặt trận.
Hàng ngàn người dân thị xã cùng các địa phương đã vượt qua mọi khó khăn, gian
khổ, bom đạn để hoàn thành con đường, kịp thời phục vụ Chiến dịch.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng
ngàn lượt nhân dân thị xã tham gia phục vụ chiến dịch và hàng trăm thanh niên
nhập ngũ ra trận. Thị xã đã cung cấp cho chiến dịch gần 50 tấn lương thực, thực
phẩm và hàng chục tấn rau xanh. Bến phà Âu Lâu, Ngòi Lâu, Đá Trắng được tăng cường
nhân viên phục vụ suốt ngày đêm, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên
Phủ.
Hoà bình lập lại trên miền Bắc, Đảng bộ thị
xã lãnh đạo nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định
đời sống nhân dân. Tháng 4/1956 thị xã được tái lập theo Nghị định số
727-NĐ/TTg của Chính phủ. Một sự kiện trọng đại đối với Đảng bộ, nhân dân thị
xã là ngày 25/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ
đến thăm và làm việc với tỉnh Yên Bái. Tại sân vận động thị xã, Người thân mật
nói chuyện, căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Yên Bái phải đoàn kết chặt
chẽ, tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng đời sống văn hóa.
Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân thị xã
đã đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, chuẩn bị bước vào thực hiện kế hoạch 5
năm lần thứ nhất và cùng đồng bào miền Bắc tích cực chi viện cho chiến trường
miền Nam. Cuối năm 1959, thị xã Yên Bái tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất.
Đại hội đề ra nhiệm vụ chính trước mắt là tập trung phát triển sản xuất, nhất là
sản xuất nông nghiệp; vận động, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp; cải tạo thủ
công nghiệp và thương nghiệp; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân;
chú trọng công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể quần chúng, củng cố quốc phòng.
Năm 1964, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Với
tinh thần chiến đấu kiên cường, tự vệ thị xã và bộ đội phòng không đã bắn
rơi 2 máy bay F105. Từ 1965 đến 1972, dân quân thị xã đã tham gia đánh 35 trận,
bắn rơi 10 máy bay Mỹ. Nhà nhà tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện nghĩa vụ
với nhà nước, do đó năm 1967, thị xã Yên Bái được Chính phủ tuyên dương là một trong
những điển hình của thị xã miền Bắc “Chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”.
Giai đoạn 1976 đến 1985, Đảng bộ thị xã
thực hiện hai mục tiêu chiến lược do Trung ương đề ra, đó là: Xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Đầu năm 1976, thực hiện quyết định của Trung ương, ba tỉnh Yên Bái,
Lào Cai, Nghĩa Lộ hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Thị xã Lào Cai được chọn
là tỉnh lỵ, thị xã Yên Bái là thị xã trực thuộc tỉnh. Đảng bộ thị xã lúc này có
24 đảng bộ cơ sở, 32 chi bộ trực thuộc đảng ủy với trên 600 đảng viên. Đảng bộ
tập trung lãnh đạo đẩy mạnh cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản
lý để tăng năng suất lao động; phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao cảnh giác
cách mạng; kết hợp kinh tế với quốc phòng; tạo điều kiện nâng cao mọi mặt đời
sống nhân dân.
Năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc diễn
biến phức tạp và cuối năm 1978, tỉnh chuyển các cơ quan của tỉnh về thị xã Yên
Bái. Thị xã Yên Bái được giao nhiệm vụ đón 20.000 người từ tuyến I về cùng hàng
vạn người miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới và chuyển tiếp đi các huyện. Thị
xã được mở rộng, dân số từ 20.000 người tăng lên 60.000 người. Chiến tranh bảo
vệ biên giới tuy diễn ra phức tạp, cam go trong một thời gian dài nhưng nhiều
cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật vẫn được xây dựng như: đường 379, sân vận động
Thanh niên, đường Khe Sến…
Năm 1986, đất nước bước vào công cuộc đổi
mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đảng bộ thị xã vận động các doanh
nghiệp, các hợp tác xã, các gia đình kiên trì sản xuất, từng bước tháo gỡ khó
khăn và kinh tế của thị xã dần hồi phục, phát triển. Thu ngân sách địa phương
năm 1988 tăng gấp 6 lần, năm 1986. Số đảng viên tăng lên 4.135 người, sinh hoạt
ở 95 đảng bộ cơ sở.
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá,
khoa học kỹ thuật của tỉnh và được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định là
vùng động lực phát triển của cả tỉnh, đòi hỏi thị xã phải đổi mới toàn diện,
trước hết là đổi mới về tư duy kinh tế, xoá bỏ tư tưởng bao cấp, trông chờ ỷ
lại vào tỉnh. Kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích phát triển, khích lệ các
cơ sở sản xuất năng động, dám nghĩ, dám làm. Kết quả tốc độ tăng trưởng kinh tế
năm 1995 đạt 12%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 239 tỷ đồng, trong đó doanh
nghiệp nhà nước đạt 184 tỷ, chiếm 67% giá trị sản lượng công nghiệp toàn tỉnh;
thu nhập bình quân đầu người đạt 250 USD; xoá được hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 8%.
Giai đoạn 1996 - 2000, kinh tế thị xã đạt
tốc độ tăng trưởng bình quân 15,4%/năm, tăng 0,4% so với kế hoạch. Cơ sở hạ
tầng có bước phát triển nhanh, hoàn thành cầu Yên Bái, đường Nguyễn Thái Học,
khu trung tâm văn hoá - thể thao km5, Công viên Yên Hoà. Thu nhập bình quân đầu
người năm 2000 tăng 3,3 lần so với năm 1991, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm
xuống còn 3,5%, quốc phòng - an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị ngày
càng vững mạnh. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng toàn diện. Năm 2000, Đảng
bộ có 5.500 đảng viên, 83 tổ chức cơ sở Đảng. Với những thành tích xuất sắc
trong chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, năm 1998 thị xã được Đảng, Nhà nước
phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Giai đoạn 2001 - 2005, thị xã tập trung đẩy
mạnh phát triển các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển công nghiệp; tập
trung xây dựng Cụm công nghiệp tập trung Đầm Hồng và thu hút nhiều doanh nghiệp
xây dựng nhà xưởng tổ chức sản xuất. Với những cố gắng không ngừng của Đảng bộ,
nhân dân thị xã trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đầu năm 2002, Chính
phủ ra Nghị định số 05/2002/NĐ-CP thành lập thành phố Yên Bái trực thuộc tỉnh.
Nhằm phát triển không gian đô thị, thành phố được mở rộng sang hữu ngạn sông
Hồng và một số xã của huyện Trấn Yên được sáp nhập vào thành phố.
Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII
(2005-2010), tiếp tục xác định đẩy mạnh phát triển công nghiệp để thúc đẩy nền
kinh tế phát triển nhanh, vững chắc. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành
phần kinh tế phát triển; xây dựng thành phố “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Tổng
kết nhiệm kỳ Đại hội, tốc độ tăng trưởng GDP đạt gần 15%; thu nhập bình quân đầu
người năm 2010 đạt 25,4 triệu đồng, tăng 2,4 lần so với với đầu nhiệm kỳ. Giá
trị sản xuất công nghiệp do thành phố quản lý đạt 325 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần
so với đầu nhiệm kỳ; tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 1.320 tỷ đồng; mỗi năm
giải quyết việc làm mới cho 2500 lao động; hộ nghèo giảm xuống còn 3%; 90% số
hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá; toàn Đảng bộ kết nạp mới 1.100 đảng
viên.
Giai đoạn 2010 - 2015, Đảng bộ thành phố
tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quyết
tâm xây dựng thành phố phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Thành phố đã
tranh thủ được nhiều nguồn lực cho cải tạo, chỉnh trang đô thị và tiếp tục đẩy
mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp tiêu
biểu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 16,86%, tăng 1,9% so với
nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị. GDP bình
quân đầu người ước đạt 55 triệu đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội, tăng
2,13 lần so với năm 2010. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
(giá so sánh năm 2010) năm 2015 đạt 2.700 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hoá và
doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 7,14% so với Nghị
quyết Đại hội; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 6 triệu USD, bằng 120% nghị
quyết. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 9.800 tỷ đồng, tăng 2,4 lần
so với giai đoạn 2005 - 2010.
Thành phố hiện có 634 doanh nghiệp (tăng
171 doanh nghiệp so với năm 2010), 32 hợp tác xã, 3.100 hộ cá thể hoạt động đa
dạng, năng động trong nhiều lĩnh vực sản xuất, xây dựng; thương mại - dịch vụ
đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế thành phố. Các dự án trọng điểm được
đầu tư xây dựng như: đường Nguyễn Tất Thành, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn
qua thành phố; Dự án nâng cấp quốc lộ 32C, cải tạo nâng cấp đường sắt Yên Viên
- Lào Cai; Bệnh viện Đa khoa 500 giường; Bệnh viện Lao và bệnh phổi…
Trong nhiệm kỳ, thành phố đã xây dựng được
15 trường đạt chuẩn quốc gia; xây dựng 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
Đến năm 2015, thành phố có 40 trường đạt chuẩn quốc gia; 4 trường đạt chuẩn
quốc gia mức độ II. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 2.784 lao
động; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,83%. Tất cả các khu dân cư, các thôn có nhà
sinh hoạt cộng đồng và hoạt động của chính quyền tiếp tục được đổi mới, nâng cao
chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành. Vai trò của MTTQ và các đoàn thể được
phát huy.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI
"Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Đảng bộ đã nghiêm
túc kiểm điểm đấu tranh tự phê bình và phê bình, chỉ ra những tồn tại yếu kém,
xây dựng kế hoạch cụ thể để sửa chữa, khắc phục, quyết tâm xây dựng Đảng bộ
trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học
tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng bộ triển khai thực hiện sâu
rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bám sát chủ đề của từng năm gắn với
nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố và của các cơ quan, đơn vị để đưa việc
học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường
xuyên của Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và nhân dân.
Thời gian tới, Đảng bộ xác định mục tiêu:
Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; nâng
cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy dân chủ,
huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân; tận dụng thời
cơ, lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; đẩy mạnh phát triển
kinh tế, xã hội nhanh, bền vững; ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô
thị; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tăng cường
tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã
hội; tập trung cải cách hành chính, quản lý trật tự đô thị, xây dựng thành phố
thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh;
phấn đấu trở thành đô thị loại 2 trước năm 2020.
Từ một chi bộ được thành lập ngày 7/5/1945
với 3 đảng viên, đến nay Đảng bộ Thành phố đã trở thành một đảng bộ lớn mạnh
với 42 tổ chức cơ sở Đảng, 294 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở với 7.600 đảng
viên. Trải qua chặng đường 70 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, ngoài sự
cố gắng vươn lên của Đảng bộ, nhân dân thành phố còn được sự quan tâm lãnh đạo,
chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các ngành, sự phối hợp của các
địa phương. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố quyết tâm phát huy truyền
thống đoàn kết; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; huy động
mọi nguồn lực để phát triển kinh tế,xã hội; xây dựng thành phố phát triển
nhanh, toàn diện, bền vững, trở thành đô thị loại II.
Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thành ủy
Yên Bái