Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân
Ngay sau khi nhận được kế hoạch số
419/KH-UBATGTQG ngày 31/12/2014 của ủy ban an toàn giao thông quốc gia, ngày
4/2/2015, Ban ATGT tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch số 15/KH-BATGT ngày
4/2/2015 triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm với
trẻ em năm 2015.
Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các
sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc việc triển khai
thực hiện các quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em năm 2015.
Cụ thể, Ban ATGT tỉnh phối hợp với
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các đợt tuyên truyền đến các trường học và cha mẹ
học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo có
công văn gửi đến các trường học và các phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chỉ đạo
các trường học thực hiện nghiêm túc việc vận động, tuyên truyền cũng như có biện
pháp nhắc nhở đối với cha mẹ học sinh chở con trên xe mô tô không đội mũ bảo
hiểm. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trường học trong tỉnh
tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại trường học tuyên truyền quy định việc đội
mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông được 567 lần cho trên 200.000 học sinh,
sinh viên tham dự. Tổ chức 20 lần hoạt động ngoại khóa tuyên truyền đảm bảo
TTATGT cho 10.000 học sinh, sinh viên viên tham gia; Tổ chức tuyên truyền quy
định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em được 24 buổi cho trên
6.400 học sinh, giáo viên tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn
toàn tỉnh. Yêu cầu ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật
về đội mũ bảo hiểm cho trên 2.300 học sinh, giáo viên và trao tặng mũ bảo hiểm
cho học sinh các trường học trên địa bàn Thành phố.
Các lực lượng thuộc Công an tỉnh cũng tổ
chức nhiều đợt tuyên truyền đến từng cổng trường. Công an tỉnh Yên Bái đã cử
cán bộ, chiến sĩ đến cổng từng trường học, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh khi
đưa con đến trường, phối hợp với các trường học trên địa bàn tuyên truyền sâu rộng
trong nhân dân. Cùng với đó, tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông
tin đại chúng. Qua đó, hầu như người dân nào cũng đều biết đến chủ trương đội
mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe đạp điện và có
ý thức chấp hành tốt.
Cần tăng cường nâng
cao nhận thức cho người dân và xử phạt nghiêm
Trong thời gian thực hiện tuần cao
điểm (từ ngày 6/4 – 9/4/2015) lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tiến hành 71 ca, 281
lượt, nhắc nhở 450 trường hợp trẻ em vi phạm không đội mũ bảo hiểm.
Trong ngày 10/4/2015, lực lượng làm
nhiệm vụ đảm bảo TTATGT đồng loạt triển khai lực lượng, huy động quân số ra
quân ngày cao điểm tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về đội mũ bảo hiểm đối với
trẻ em, trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý tại các cổng trường Tiểu học, THCS
trên địa bàn tỉnh. Trong ngày ra quân đã tiến hành 11 ca, 47 lượt, 164 giờ tuần
tra kiểm soát, phát hiện 40 trẻ em trên 6 tuổi khi đi trên mô tô, xe gắn máy,
xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước 6 triệu đồng.
Tuy nhiên hiện nay, trong quá trình
triển khai thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em,
lực lượng chức năng đang gặp phải một số khó khăn như việc xác định độ tuổi của
trẻ; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một số người còn hạn
chế, còn có tình trạng khai báo gian dối về độ tuổi của trẻ khi bị kiểm tra,
hay cho con em mình xuống đi bộ khi gặp lực lượng chức năng làm nhiệm vụ...
Mỗi phụ huynh cần nhận thức được
rằng rèn luyện thói quen đội mũ bảo hiểm, tự bảo vệ bản thân cho các em ngay từ
khi còn nhỏ, cũng là một cách đưa Luật vào thực tiễn cuộc sống. Nếu như trẻ đến
lớp được thầy cô nhắc nhở, trẻ về nhà được cha mẹ luôn khuyến khích và khen
ngợi hành vi tốt của mình, dần dần các em sẽ tự giác đội mũ bảo hiểm mà không
cần sự tác động của ai. Trẻ em như những búp măng non, dễ uốn nắn nên để rèn
luyện những ý thức tốt cho trẻ, hãy bắt đầu từ việc hình thành thói quen nhỏ
nhất như chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Đó không chỉ là một
phương pháp giáo dục trẻ có hiệu quả, mà còn có tác dụng thiết thực đến việc
bảo vệ sự an toàn cho con em mình.
Việc giảm thiểu tai nạn giao thông
cho trẻ em nói riêng và cho nhân dân nói chung là vấn đề vô cùng cần thiết và
cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.
Những kế hoạch hành động như đội mũ bảo hiểm cho trẻ em nói trên và các kế
hoạch đảm bảo an toàn giao thông nói chung cần được tiếp tục đẩy mạnh, duy trì
và thực hiện nghiêm túc, triệt để. Có như vậy mới đem lại hạnh phúc trọn vẹn
đến mỗi gia đình.