Tại các địa phương của Yên Bình, Lục Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn… nơi Đoàn ĐBQH tỉnh có cuộc tiếp xúc đều đã nhận được những tình cảm trân trọng, tin tưởng và vui mừng phấn khởi của đại biểu cử tri trước những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội thời gian gần đây với nhiều quyết sách quan trọng. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh qua các kỳ họp của nhiệm kỳ này đã có nhiều đổi mới, hoạt động ngày càng tích cực và hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Quyển, 74 tuổi, cử tri thôn Làng Đát, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình bày tỏ: Qua theo dõi chúng tôi thấy nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri với Đoàn ĐBQH tỉnh đã được Quốc hội và các bộ, ngành trung ương có văn bản trả lời thấu đáo, đáp ứng được sự mong đợi và kỳ vọng của cử tri. Và trong lần tiếp xúc cử tri trước kỳ họp 9 này, cử tri chúng tôi tiếp tục gửi gắm tới Đoàn ĐBQH các ý kiến, thông qua đó hiến kế với Đảng, Nhà nước những vấn đề xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, đồng thời kiến nghị những vấn đề sát thực, liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân ở cơ sở.
Tại các cuộc tiếp xúc, trên tinh thần hết sức cởi mở các đại biểu Quốc hội đã lắng nghe và ghi nhận tất cả các ý kiến của cử tri, vì vậy, việc mỗi lần Đoàn ĐBQH về tiếp xúc là “sự kiện” lớn ở mỗi địa phương. Tại huyện Lục Yên, ngay từ rất sớm đại biểu cử tri các xã Lâm Thượng, Tân Phượng, Khánh Thiện, Mai Sơn đã có mặt đông đủ tại hội trường xã Lâm Thượng chuẩn bị cho buổi gặp gỡ với Đoàn ĐBQH tỉnh. Đối với Lâm Thượng, vấn đề về xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí nông thôn mới được người dân hết sức quan tâm. Vì vậy nhiều cử tri trăn trở kiến nghị để đạt được các tiêu chí nông thôn mới, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt, sản xuất như: công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, điện sinh hoạt…
Trong đó cử tri Hoàng Văn Điển - Hội Nông dân xã Lâm Thượng trăn trở kiến nghị ngành chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ chất lượng phân bón thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, kịp thời ngăn chặn hàng nhái, hàng giả trôi nổi ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nhân dân. Cần đẩy mạnh tuyên truyền và quản lý chặt chẽ những sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật độc hại với môi trường và cây trồng, vật nuôi từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe và nòi giống con người nhất là tiềm ẩn các tình trạng bệnh tật, ung thư… Mỗi người một ý kiến, một tâm tư, kể cả những vấn đề có thể là nhỏ nhặt, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội nhưng lại phát sinh từ thực tế cuộc sống nhưng các cử tri đều tin tưởng bày tỏ với các ĐBQH, điều đó cho thấy sự tin tưởng của họ đối với những người đại diện cho quyền lợi của mình.
Đại diện cử tri huyện Trạm Tấu phát biểu kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Ở huyện Trạm Tấu - một trong hai huyện nghèo nhất cả nước của tỉnh, các cuộc tiếp xúc cử tri dường như thật đặc biệt khi đại biểu cử tri các xã Pá Lau, Túc Đán được gặp gỡ trò chuyện với đại biểu Quốc hội tỉnh Giàng A Chu - người con của đồng bào dân tộc Mông. Lần nào cũng vậy, mỗi khi lên với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông, đại biểu Giàng A Chu luôn hào hứng, đầy cảm xúc của một cuộc trở về. Ông trò chuyện cởi mở với cán bộ địa phương với cử tri bằng tiếng mẹ đẻ thân thuộc. Điều đó cũng là lợi thế của ông để đồng bào bớt đi cái rụt rè, e ngại ban đầu mà mạnh dạn có ý kiến với Đoàn ĐBQH tỉnh. Cử tri ở đây đề nghị được Nhà nước quan tâm xây dựng công trình thủy lợi để thuận lợi trong sản xuất, thâm canh cây lúa nước. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại mốc địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 của Chính phủ khiến người dân mất đất sản xuất; đề nghị chính sách đào tạo bác sĩ là người địa phương về phục vụ tại trạm y tế xã đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân…
Cử tri các xã Sơn Lương, Sùng Đô, Nậm Lành và Nậm Mười (huyện Văn Chấn) cũng đã hết sức cởi mở, thẳng thắn có nhiều kiến nghị gửi tới Đoàn ĐBQH tỉnh, trong đó tất cả các địa phương đều đặc biệt quan tâm và kiến nghị các cấp, các ngành sớm giải quyết tình trạng tranh chấp, xâm canh xâm cư đất ở các khu vực giáp ranh giữa các địa phương trên địa bàn. Cũng như cử tri xã Pá Lau, cử tri Lý Thị Sai xã Sùng Đô, cử tri Lý Văn Ngân xã Nậm Lành đều đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan và chính quyền các cấp cần xem xét lại địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 của Chính phủ để không ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân đã định cư nhiều đời trên địa bàn sớm có nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với thực tế. Cử tri ở cụm xã này cũng tha thiết kiến nghị được xây dựng cây cầu qua suối khu vực Bản Mười xã Sơn Lương đi Sùng Đô, Nậm Mười để thuận lợi cho nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn nhất là trong mùa mưa lũ; có giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh nhiều con trong đồng bào dân tộc trên địa bàn ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và giống nòi...
Tại các cuộc tiếp xúc, có kiến nghị cụ thể, có kiến nghị chung chung, cũng nhiều kiến nghị trùng lắp và ngoài thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, song nó lại thể hiện một điều rằng sự tin tưởng, gửi gắm và kỳ vọng của cử tri với các ĐBQH tỉnh những người đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Để rồi từ cầu nối Đoàn ĐBQH với Chính phủ, Quốc hội, các cấp chính quyền và cả các bộ, ngành Trung ương các vấn đề sẽ được chia sẻ, xem xét, giải trình hay điều chỉnh để có được sự giải quyết phù hợp, thấu đáo tạo sự đồng thuận cao nhất trong ý Đảng lòng dân.
Theo Ngọc Tú/Báo Yên Bái