Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Khi chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số

21/05/2015 14:18:04 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Những năm qua, nhờ sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khác nhau của Nhà nước nên công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái có nhiều khởi sắc.

Người dân Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh, Văn Chấn thu hái chè

Yên Bái là tỉnh miền núi, có 9 huyện, thị xã, thành phố với 180 xã, phường, thị trấn, trong đó có 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải nằm trong những huyện nghèo nhất của cả nước. Toàn tỉnh có gần 78 vạn dân thì có trên 53% là người dân tộc thiểu số.

Nhiều chính sách ưu đãi

Cùng với việc tập trung triển khai kịp thời, đảm bảo mọi chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái còn xây dựng, ban hành trên 30 đề án, chính sách, bố trí ngân sách địa phương bình quân hàng năm trên 180 tỷ đồng nhằm bổ sung chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đặc biệt khó khăn; trong đó, có những nội dung hết sức thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đi trước chính sách của Nhà nước được đánh giá cao, như: Mô hình trường bán trú dân nuôi, hỗ trợ học sinh nội trú gạo ăn, hỗ trợ học phí khi học chuyên nghiệp, hỗ trợ phục tráng, bảo tồn văn hoá truyền thống...

Chỉ tính trong 5 năm qua (2009 - 2014), tổng nguồn vốn các chính sách đầu tư cho vùng cao đã đạt gần 5 nghìn tỷ đồng. Riêng trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tỉnh đã đầu tư trên 140 tỷ đồng hỗ trợ cây con giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất…., tổ chức thực hiện hơn 1.000 mô hình, dự án thuộc Chương trình khuyến nông, khuyến ngư trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các chính sách về an sinh xã hội được triển khai thực hiện khá tốt, sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm, chất lượng từng bước được nâng lên, đời sống của đồng vào vùng dân tộc, miền núi tiếp tục được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 20,56% (2014). Riêng hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm nhanh, từ trên 80% (2011) xuống còn gần 60% (2014).

Người dân vùng cao tăng gia phát triển kinh tế

Kinh tế xã hội vùng dân tộc và miền núi Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến về nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư, đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong công cuộc đổi mới đặc biệt là trong phát triển kinh tế.

Ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo

Năm 2014, toàn tỉnh có trên 13 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số, chiếm 38%/tổng số hộ sản xuất kinh doanh giỏi toàn tỉnh. Con số này đã chứng tỏ sự cố gắng, nỗ lực của những người nông dân vùng đồng bào dân tộc đã tự lực cánh sinh, thay đổi tư duy nếp nghĩ trong sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu, cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình.

Mô hình kinh tế của chị Giàng Thị Dua, thôn Km14 + 17 xã Trạm Tấu huyện Trạm Tấu là một minh chứng cho ý chí thoát nghèo của người nông dân này.

Nhà nghèo, bố mẹ mất sớm, hai vợ chồng chị lúc ra ở riêng cũng không có tài sản gì có giá trị ngoài ngôi nhà tranh. Chồng đi học xa, một mình chị phải vừa nuôi con, vừa lao động làm trụ cột chính trong gia đình. Với ý chí quyết tâm chiến thắng đói nghèo, chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật của các tổ chức đoàn thể, được cán bộ khuyến nông xuống tận nhà hướng dẫn, được tư vấn hỗ trợ vốn, giống cây năng suất cao, chị Dua đã định hình và gây dựng được mô hình phát triển kinh tế cho riêng mình.

Mỗi năm gia đình chị cấy hai vụ lúa với cơ cấu giống chủ yếu là Nhị ưu 838. với 3.000 m2 rộng, mỗi năm gia đình chị thu được trên 4 tấn thóc. Ngoài cấy lúa chị còn tích cực trồng ngô, từ cây ngô mỗi năm đem về cho gia đình trên 3 tấn ngô hạt. Bán đi một nửa số ngô thu hoạch, còn lại chị dùng để chăn nuôi.

Gia đình chị lúc nào cũng duy trì từ 5 - 10 con lợn, trong đó có 2 con lợn nái sinh sản và gần 100 con gia cầm các  loại. Tận dụng những bãi đất trồng gần nhà chị trồng thêm cỏ voi, cỏ VA06 để 3 con trâu và 2 con bò có đủ thức ăn trong mùa đông. Từ trồng trọt, chăn nuôi, mỗi năm gia đình chị thu về khoảng hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Khoản thu nhập này đã giúp gia đình chị ổn định cuộc sống và có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.

 
Mô hình nuôi dê của các hộ dân Mù Cang Chải

Cũng giống như gia đình chị Dua, trước đây gia đình anh Cầm Ngọc Minh, bản Lè, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ là diện hộ nghèo của bản. Không như nhiều thanh niên vội ra thành thị để tìm kiếm việc làm, anh Minh vẫn quyết tâm bám bản để thoát đói nghèo và vươn lên làm giàu.

Anh Minh tâm sự: “Nhiều đêm tôi cũng trằn trọc suy nghĩ tại sao nhiều người cũng chỉ sản xuất nông nghiệp tại gia đình mà cũng giàu có, mà gia đình mình có đất đai, có sức khoẻ mà tại sao cứ nghèo mãi?” Từ suy nghĩ đó, anh đã mạnh dạn tìm hiểu nhu cầu thị trường, được tập huấn tại các lớp học nghề địa phương, gia đình anh đã mạnh dạn thế chấp ngân hàng vay 150 triệu đồng đầu tư mua máy móc, thiết bị và làm 120 m2 nhà xưởng để sản xuất, gia công chăn bông, đệm dân tộc, dệt thổ cẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong khu vực thị xã.

Trải qua không ít khó khăn nhọc nhằn, đến nay, gia đình anh đã có thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí. Trong đó, mỗi năm xuất xưởng 7 nghìn cái chăn bông, 10 nghìn chiếc đệm bông lau, 20 nghìn chiếc khăn thổ cẩm. Ngoài ra gia đình anh còn phát triển chăn nuôi với trên 3 tấn thịt xuất chuồng mỗi năm. Hiện tại, xưởng sản xuất của anh tạo điều kiện giúp đỡ cho 9 lao động đến cùng làm với mức lương 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Câu chuyện của chị Dua, anh Minh cũng là câu chuyện của hàng ngàn nông dân người dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh như bà Lê Thị Thơm (dân tộc Cao Lan, xã Phúc An, huyện Yên Bình); ông Lương Minh Các (dân tộc Xa Phó, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên); bà Hà Thị Khêu (dân tộc Tày, xã Kiên Thành, Trấn Yên); ông Thào A Khày (dân tộc Mông, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải)... đặc biệt ông Liễu Ngọc Nam, dân tộc Dao, Giám đốc doanh nghiệp chè Thanh Tâm, xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn), sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp 3, trở về địa phương xây dựng kinh tế, đến nay ông đã trở thành chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất, chế biến chè đen có quy mô khang trang hiện đại, với công suất 1.000 tấn sản phẩm/năm, công ty thường xuyên sử dụng trên 20 lao động, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm....Họ là những người đã chủ động trong phát triển sản xuất, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bộ mặt vùng cao Yên Bái ngày càng khởi sắc.

1962 lượt xem
Hiền Trang

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h