Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Kiện toàn tổ chức, hoạt động của tòa án theo Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014

29/05/2015 08:26:47 Xem cỡ chữ Google
Ngày 24/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức tòa án nhân dân (TAND) mới gồm 11 chương, 98 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2015, trừ một số điều khoản có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2015. Luật Tổ chức TAND đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của hệ thống tòa án; có ý nghĩa rất lớn trong việc đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của cơ quan tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp hiện nay.

Lãnh đạo và cán bộ ngành tòa án tham dự Hội thi Thư ký giỏi và Thẩm phán mẫu mực tỉnh Yên Bái.

Để rõ thêm về nội dung này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Văn Tiến - Thẩm phán, Chánh án TAND tỉnh.

P.V: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của Luật Tổ chức TAND năm 2014, những nội dung cơ bản và những điểm mới so với Luật Tổ chức TAND năm 2002?

Đồng chí Phan Văn Tiến: Luật Tổ chức TAND năm 2014 là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy Nhà nước được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới; thể chế hóa các quan điểm lớn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để kiện toàn, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của TAND, bảo đảm tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người.

Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung căn bản so với Luật Tổ chức TAND năm 2002, từ phạm vi điều chỉnh, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; các nguyên tắc tổ chức, hoạt động, tổ chức bộ máy của TAND; thẩm quyền của từng cấp tòa án; chế độ tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán; chế độ bầu (cử) hội thẩm; nhiệm vụ của thẩm tra viên, thư ký tòa án; các quy định bảo đảm hoạt động của tòa án.

P.V: Đồng chí có thể nói rõ hơn những quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của TAND trong Luật Tổ chức TAND năm 2014?

Đồng chí Phan Văn Tiến: Với tinh thần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về TAND, bảo đảm tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa…; bảo đảm nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; thể chế hóa những định hướng của Đảng về cải cách tư pháp, tại Điều 2 của Luật Tổ chức TAND đã quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, trong đó có những nội dung mới, quan trọng, cụ thể là:

- Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân. Bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

- Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, tòa án có quyền: xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do cơ quan điều tra, điều tra viên, viện kiểm sát, kiểm sát viên thu thập; do luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp; khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự; yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm; ra quyết định để thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

- Trong quá trình xét xử vụ án, tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để tòa án giải quyết vụ án.

P.V:  Vậy những quy định mới về hệ thống tổ chức TAND, thẩm quyền của TAND các cấp được quy định cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Văn Tiến: Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND được tổ chức thành 4 cấp và tòa án quân sự bao gồm: TAND Tối cao; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (hiện tại có 3 cấp) và theo đó, thẩm quyền của các cấp tòa án cũng có nhiều thay đổi.

Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND tối cao không thực hiện nhiệm vụ xét xử phúc thẩm mà chỉ thực hiện nhiệm vụ giám  đốc việc xét xử của các tòa án khác; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể thẩm phán TAND Tối cao; tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các toà án về tổ chức; xây dựng pháp luật theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bổ sung nhiệm vụ đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ thẩm phán, hội thẩm và các chức danh khác của tòa án, đồng thời, để cụ thể hóa quy định tại Khoản 1 Điều 104 của Hiến pháp về việc “TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tại Khoản 4 Điều 22 của Luật quy định: “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị”.

Theo quy định của Luật, TAND cấp cao có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị bằng Hội đồng 3 thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, không thực hiện nhiệm vụ xét xử, giám đốc thẩm, tái thẩm; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có nhiệm vụ, quyền hạn xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của tòa án và giải quyết các loại việc khác theo quy định của pháp luật; Tòa án quân sự được tổ chức trong quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của pháp luật.

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử lưu động một vụ án hình sự tại thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Quỳnh Nga)

PV: Xin đồng chí cho biết những quy định mới về điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, nhiệm kỳ thẩm phán và nguyên tắc "Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật"?

Đồng chí Phan Văn Tiến: Luật quy định, chủ thể thực thi quyền Hiến định phải độc lập trong xét xử là các thẩm phán, hội thẩm và cũng lần đầu tiên quy định chế định "nghiêm cấm" sự can thiệp vào hoạt động xét xử của thẩm phán, hội thẩm. Điều 67, 68, 69 của Luật Tổ chức TAND về các điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển chọn, bổ nhiệm vào từng ngạch thẩm phán đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm đảm bảo yêu cầu này.

Luật Tổ chức TAND quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định thành lập một Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia do Chánh án TAND Tối cao làm Chủ tịch Hội đồng để bảo đảm chất lượng tuyển chọn được đồng đều giữa các ứng viên được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm thẩm phán, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán. Yêu cầu luân chuyển, điều động, biệt phái thẩm phán giữa các địa phương, khu vực trong cả nước cũng phải đảm bảo tính độc lập cho thẩm phán. Chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, kỷ luật... đối với thẩm phán được quy định rõ ràng, tuân theo một quy trình chặt chẽ, không có quyền lực cá nhân nào tự quyết định được. Đối với hội thẩm, thủ tục bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm, chế độ khen thưởng, trách nhiệm của hội thẩm cũng đã được quy định chặt chẽ hơn, trong đó có quy định hội thẩm được tổ chức thành đoàn hội thẩm và hoạt động theo quy chế của đoàn hội thẩm.

Về điều kiện, thủ tục bổ nhiệm thẩm phán cũng có những thay đổi phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013: thẩm phán TAND Tối cao do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; thẩm phán các Tòa án khác do Chủ tịch nước bổ nhiệm; người muốn được bổ nhiệm thẩm phán, ngoài những điều kiện trước đây còn phải thêm điều kiện đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn thẩm phán, có thời gian làm công tác pháp luật từ 5 năm trở lên. Luật Tổ chức TAND quy định thành lập hội đồng thi tuyển chọn thẩm phán sơ, trung, cao cấp để tổ chức các kỳ thi tuyển chọn và nâng ngạch thẩm phán thay vì hội đồng tuyển chọn thẩm phán sơ cấp, trung cấp của cấp tỉnh như hiện nay. Các quy định về hội thẩm cũng có những bổ sung quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của hội thẩm TAND; bảo đảm việc tham gia hội thẩm vào công tác xét xử là phương thức để nhân dân thực hiện quyền tư pháp và quyền giám sát của mình đối với hoạt động xét xử.

Ngoài ra, Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng quy định nhiều điểm mới về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp tòa án phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 49, các kết luận 79 và 92 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

2134 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h