Là một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của
Tổ quốc, Yên Bái sở hữu nhiều mỏ khoáng sản, trong đó một số loại khoáng sản có
trữ lượng cao và chất lượng tốt như cao lanh, fenspad, đá vôi trắng, quặng
sắt... Trước đây, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp chỉ
phải đóng khoảng vài chục triệu đồng tiền phí, lệ phí cho một điểm mỏ nên đã thu
hút nhiều đơn vị trong và ngoài nước đến khai thác, chế biến. Nghị định số 203
của Chính phủ được xây dựng với chủ trương không khuyến khích khai thác khoáng
sản không hiệu quả, chỉ cho phép khai thác khoáng sản khi bảo đảm tuân thủ quy
hoạch thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước
- doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản.
Ở Yên Bái, cho đến thời điểm hiện tại, có
137 điểm mỏ của 117 doanh nghiệp được UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên - Môi
trường phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản, trong đó có 63 điểm mỏ đang
khai thác, 27 điểm tạm dừng khai thác và 47 điểm mỏ chưa khai thác. Theo kế
hoạch, năm 2014, tỉnh Yên Bái phải thu trên 89,5 tỷ đồng tiền cấp quyền khai
thác mỏ và đến 31/12/2014, các doanh nghiệp nộp ngân sách trên 14,6 tỷ đồng,
bằng 16,3%. Năm 2015, các doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng
sản là trên 98,5 tỷ đồng, trong đó hạn nộp quí I là 49 tỷ đồng, hạn nộp trong
quí II là 49,561 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
phải nộp năm 2015 gồm số nợ năm 2014 chuyển sang và phải thu trong năm đến nay
là 172,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm 30/4/2015, các doanh nghiệp mới nộp
vào ngân sách 12,26 tỷ đồng, bằng 7% số phải nộp.
Để các doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện
tốt nhiệm vụ của mình với ngân sách Nhà nước, ngay sau khi Nghị định số
203/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham
mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định và Tổ thư ký giúp việc thẩm định
tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tính đến hết ngày 31/12/2014, về cơ bản đã
hoàn thành công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định đối
với 102 điểm mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Hiện nay, chỉ còn 6
điểm mỏ chưa tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 4 điểm mỏ khoáng sản
vàng và 2 điểm đá vôi trắng.
Bà Trịnh Thị Thu Huyền - Phó phòng Kế hoạch
- Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái cho biết: “Lý do chúng tôi
chưa tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là do hiện nay, trong bảng giá
tính thuế tài nguyên đang có hiệu lực thi hành tại tỉnh Yên Bái chưa quy định
giá tính thuế tài nguyên cho loại khoáng sản vàng nên chưa có cơ sở để tính toán
tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Còn các mỏ khai thác đá vôi
trắng trên địa bàn huyện Lục Yên thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và
Môi trường đang được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét, tính
tiền cấp quyền khai thác theo qui định”.
Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã
tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền để doanh nghiệp thực hiện nghĩa
vụ của mình với Nhà nước như đôn đốc bằng văn bản, điện thoại trao đổi trực
tiếp đồng thời thực hiện nghiêm tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên,
tiến độ thực hiện của các doanh nghiệp không mấy khả quan. Đã có nhiều doanh có
ý kiến bằng văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh
đề nghị xin gia hạn, chậm nộp, hoãn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với
nhiều lý do như chưa khai thác, chưa tiêu thụ được quặng, tạm dừng khai thác,
tình hình tài chính khó khăn, đang trong thời gian xin thăm dò đánh giá lại trữ
lượng, hàm lượng, đề nghị xem xét lại đơn giá tính tiền cấp quyền khai thác
khoáng sản.
Doanh nghiệp khai thác cát sỏi tại
xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
Ông Nguyễn Đình Quí - Phó trưởng phòng Tổng
hợp - Nghiệp vụ - Dự toán, Cục Thuế tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong giai đoạn
hiện nay, nhiều đơn vị khai thác khoáng sản tại địa phương gặp khó khăn về đầu
ra của sản phẩm, một số đơn vị đang sản xuất cầm chừng và dừng hoạt động. Ngoài
ra, còn có những doanh nghiệp ở tỉnh ngoài đầu tư kinh doanh và được cấp phép
khai thác khoáng sản trên địa bàn của tỉnh nhưng một số chi nhánh đã ngừng hoạt
động, công ty không có trong thực tế nên việc đôn đốc nộp và xử lý chậm nộp
theo quy định của Luật Quản lý thuế rất phức tạp và khó khăn”.
Trong số các doanh nghiệp đã nộp tiền cấp
quyền khai thác khoáng sản, hầu hết là doanh nghiệp có uy tín, quy mô khai thác
bài bản, chế biến sâu, có giá trị cao, hoạt động hiệu quả như Công ty cổ phần
Khai khoáng quặng sắt Minh Đức tại Núi 300, xã Hưng Thịnh và Hưng Khánh (huyện
Trấn Yên) đã nộp 100% tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo thông báo của Cục
Thuế tỉnh. Năm 2014, Công ty nộp 1,95 tỷ đồng, năm 2015 đã nộp 1,95 tỷ
đồng. Hay tiêu biểu như Hợp tác xã khai thác, sản xuất, dịch vụ vật liệu xây
dựng Hợp Nhất, đơn vị khai thác mỏ cát, sỏi tại xã Báo Đáp, Qui Mông, Việt
Thành, Đào Thịnh và Y Can (huyện Trấn Yên) với số tiền trên 838 triệu đồng và
nộp tiền cấp quyền khai thác mỏ sét làm gạch tại thị trấn Cổ Phúc là 107 triệu
đồng.
Theo quy định, nếu doanh nghiệp không nộp
tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đúng hạn sẽ bị phạt tiền chậm nộp với mức
phạt 0,05% số tiền phải nộp/ngày chậm nộp; đối với hành vi không nộp tiền cấp
quyền khai thác khoáng sản theo thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,
ngoài việc bị xử lý theo quy định còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước
quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 4 - 6 tháng; thu hồi giấy phép
khai thác khoáng sản theo quy định. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang tính
toán để trả lại một phần mỏ hoặc tiến hành thăm dò, đánh giá lại trữ lượng các
mỏ để giảm số tiền cấp quyền phải nộp.
Nhiều người dân ủng hộ Nghị định số 203 của
Chính phủ. Họ cho rằng, qua việc thực hiện này sẽ là một đợt thanh lọc các
doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản làm lộ dần các doanh
nghiệp thực sự đầu tư, khai thác, chế biến mỏ và những doanh nghiệp chỉ xin mỏ
để chuyển nhượng kiếm lời hoặc giữ chỗ.