Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Văn Chấn: Quy hoạch phát triển vùng sản xuất theo hướng hàng hóa

29/05/2015 08:27:20 Xem cỡ chữ Google
Quy hoạch, phát triển vùng sản xuất theo hướng hàng hóa đã được cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong những năm qua. Văn Chấn có 3 vùng rõ rệt: vùng cao và thượng huyện, vùng cánh đồng Mường Lò, vùng ngoài.

Tổng diện tích chè của huyện năm 2015 đạt trên 4.450ha, sản lượng chè búp tươi đạt 45.000 tấn, chiếm 1/2 sản lượng chè búp tươi của tỉnh.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện những năm qua đã bám sát quy hoạch, thể hiện rõ quy hoạch, tạo ra khối lượng nông sản tương đối lớn, vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao...

Nổi bật là huyện đã quy hoạch, phát triển sản xuất lúa hàng hóa tại các xã vùng cánh đồng Mường Lò. Tập trung ở xã Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Sơn A, Hạnh Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Vùng cao và thượng huyện quy hoạch và phát triển vùng chè; lúa chất lượng cao, đặc sản tại cánh đồng Tú Lệ. Các xã vùng ngoài quy hoạch sản xuất chè, phát triển cây ăn quả có múi như cam quýt; trồng và chế biến gỗ rừng trồng. Quy hoạch vùng sản xuất đã tạo cơ sở thuận lợi để tập trung các nguồn lực đầu tư về khoa học kỹ thuật, vốn, gắn sản xuất với chế biến, thuận lợi trong chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu giống, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa.

Nhờ làm tốt quy hoạch và chú trọng đầu tư toàn diện, sản lượng lương thực năm 2015 đã đạt  62.660 tấn, tăng thêm trên 7.400 tấn so với năm 2010. Vùng sản xuất chè được đầu tư cải tạo, thay thế giống mới, thâm canh tăng năng suất. Tổng diện tích chè đạt trên 4.450ha, sản lượng chè búp tươi năm 2015 đạt 45.000 tấn, chiếm 1/2 sản lượng chè búp tươi của tỉnh. Nếu như trước đây, vùng cây ăn quả phát triển còn tự phát, thiếu quy hoạch thì trong những năm gần đây đã có sự quan tâm định hướng, quy hoạch, đầu tư phát triển khá toàn diện.

Năm 2010, Văn Chấn đã đưa vào trồng thử nghiệm giống cam V2 tại thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Thượng Bằng La. Năm 2011, phát triển mô hình trồng cam V2 chín muộn tại xã Thượng Bằng La, thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Minh An. Năm 2012, đưa giống cam Đường canh vào trồng tại Minh An. Tới nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện đạt 2.400ha. Trong đó, trên 650ha cam, quyết, chủ yếu là giống cam sành, Đường canh có giá trị kinh tế cao. Sản lượng quả tươi đạt trên 6.000 tấn/năm.

Nhờ quy hoạch phát triển vùng kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, có sự đầu tư khá toàn diện, Văn Chấn đã chuyển dịch thành công cơ cấu giống cây trồng, tạo vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Từ kết quả đạt được, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện 5 năm tới là tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, xác định rõ ba vùng sản xuất chính. Các xã vùng ngoài, ưu tiên hỗ trợ trồng cải tạo và thay thế diện tích chè kém hiệu quả, xây dựng vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VieetGAP; triển khai Đề án quy hoạch, phát triển vùng cam, quýt bằng đưa các giống cam, quýt chín muộn vào trồng, xây dựng các cơ sở nhân giống cây ăn quả.

Để nâng cao giá trị sản phẩm, Văn Chấn tập trung nghiên cứu, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả tươi, chủ yếu là cam quýt. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm “Cam Văn Chấn”. Vùng cánh đồng Mường Lò, trọng tâm là phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao diện tích 900ha. Định hướng của huyện là tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến lúa gạo chất lượng cao gắn với quảng bá sản phẩm “Gạo Mường Lò”; phát triển nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Vùng cao và thượng huyện, tập trung thực hiện Dự án phát triển vùng lúa đặc sản 100ha tại cánh đồng xã Tú Lệ; Dự án phát triển vùng chè Shan tuyết xã Suối Giàng gắn với bảo vệ, quảng bá thương hiệu “Chè Suối Giàng”. Huyện tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến chè, chế biến lúa gạo đặc sản, nhằm giải quyết ổn định đầu ra nông sản cho nhân dân, tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu, tăng thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh thu hút đầu tư và tiếp tục đầu tư toàn diện vào 3 vùng nguyên liệu, gắn công nghiệp chế biến với sản xuất, huyện Văn Chấn tập trung phát triển mạnh các thành phần kinh tế, củng cố và nâng cao chất lượng của các tổ hợp tác và hợp tác xã tại các vùng nguyên liệu; quan tâm phát triển kinh tế tư nhân; phát triển các mối liên kết chặt chẽ giữa nông hộ với doanh nghiệp, tổ chức khoa học, dịch vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

1972 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h