Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Hiệu quả từ Nghị quyết chuyên đề

08/06/2015 11:18:59 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng ở Trấn Yên đã tạo sự đột phá rõ nét, diện tích rừng đã tăng thêm hơn 2.000ha, cơ cấu rừng được đa dạng, tập quán canh tác của người dân đã thay đổi nên sản lượng gỗ khai thác tăng theo từng năm. Từ đó, tạo nguồn nguyên liệu gỗ có kiểm soát, có chất lượng phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến, giải quyết việc làm ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, góp phần thúc đẩy nền KT-XH của địa phương phát triển.

Cơ sở sản xuất gỗ thanh tại xã Báo Đáp, Trấn Yên

Xác định nghề rừng là nghề chính

Là xã vùng cao, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, xã Hồng Ca huyện Trấn Yên có tổng diện tích đất tự nhiên là hơn 9.300ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm tới 88%ha. Từ lợi thế này, Hồng Ca đã vận động nhân dân tích cực trồng rừng để xóa đói giảm nghèo, nhất là 4 thôn vùng đồng bào dân tộc Mông. Bình quân mỗi năm nhân dân trong xã đã khai thác và trồng thay thế được hơn 200ha rừng, nâng độ che phủ của rừng đạt 67%. Nhờ kinh tế rừng mà 80% số hộ của xã có thu nhập ổn định, số hộ nghèo của xã bình quân giảm trên 4%/năm. Đặc biệt, sau 4 năm thực hiện Nghị Quyết 03 của Huyện ủy Trấn Yên về trồng và chế biến gỗ rừng trồng, đã giúp Hồng Ca hình thành được các vùng cây trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, như vùng tre Bát Độ với diện tích hơn 100ha, vùng quế 1.000ha, cây nguyên liệu giấy 1.000ha; hình thành các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, sơ chế măng Bát Độ ngay tại vùng nguyên liệu. Ông Hà Ngọc Toanh - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: Sau khi có Nghị quyết chuyên đề của huyện Trấn Yên Đảng bộ đã triển khai tới toàn thể nhân dân chủ trương của huyện về việc phát triển rừng và chế biến gỗ rừng trồng. Trên cơ sở đó, nhân dân đã có nhận thức là phát triển nghề rừng là nghề chính để tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi vận động một số gia đình mở các cơ sở chế biến để tiêu thụ các sản phẩm của bà con nông dân trong vùng. Có thể nói Nghị quyết của Huyện ủy Trấn Yên là chủ trương đúng đắn đó là tập trung vào việc phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.

Còn đối với xã vùng thấp như Minh Quán, chỉ với gần 1.000 ha rừng sản xuất. Nhưng trong những năm gần đây, công tác trồng rừng đã đi vào tiềm thức của người dân, bởi người dân Minh Quán vẫn xác định kinh tế rừng là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nên bình quân hàng năm nhân dân khai thác và trồng thay thế được trên dưới 100ha rừng tập trung, sản lượng gỗ khai thác tại chỗ tương đương với gần 3 tỷ đồng. Năm 2015, chủ trương của Minh Quán trồng trên 105ha rừng các các loại, trong đó chú trọng việc trồng rừng kinh doanh gỗ lớn để nâng cao giá trị rừng trồng.

Theo ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND xã Minh Quán: Để đảm bảo năng suất sản phẩm trên một đơn vị diện tích địa phương đã tập trung vào một số biện pháp đó là lựa chọn cây giống, loại giống chất lượng; trồng đúng mật độ, đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật và tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho nhân dân.

Hiệu quả từ thực hiện Nghị quyết

Với đặc điểm là huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nên trong những năm qua huyện Trấn Yên vẫn xác định kinh tế rừng là thành phần quan trọng trong nội ngành nông nghiệp. Chính vì vậy năm 2011, Đảng bộ huyện Trấn Yên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về trồng và chế biến gỗ rừng trồng. Với mục tiêu trong giai đoạn 2011 - 2015 sẽ phát triển thêm gần 2.000ha rừng, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển rừng trồng sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật từ khâu trồng rừng, chăm sóc và thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất, nhằm cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến.

Tre Bát độ cây xóa đói giảm nghèo của người dân ở huyện Trấn Yên.

Qua gần 4 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề về trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng tại Trấn Yên đạt được kết quả khá toàn diện. Nếu như năm 2011 diện tích rừng trồng kém hiệu quả của huyện còn nhiều thì nay được phủ xanh bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi năm Trấn Yên trồng mới và trồng thay thế đạt trên 2.600 ha, với cơ cấu giống cây trồng chủ yếu là keo tai tượng, keo lai, quế, tre Bát Độ... Đặc biệt, huyện đã hình thành được vùng nguyên liệu tre Bát Độ hơn 2.000ha, Quế hơn 8.000ha, cây nguyên liệu giấy gần 2.500 ha… Điểm nổi bật trong công tác trồng rừng những năm qua đó là đa số người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu trồng đúng mật độ, chăm sóc, bón phân cho cây trồng, do đó hiệu quả rừng trồng tăng rõ rệt. Đến năm 2014, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 85.000m3; sản lượng măng Bát Độ đạt 18.500 tấn, sản lượng khai thác vỏ quế khô đạt 2.700 tấn. Từ nguồn nguyên liệu trên, Trấn Yên đã quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng phù hợp với từng vùng; hiện toàn huyện có 172 cơ sở chế biến ván bóc, ván ghép thanh, ván gỗ dán, đũa gỗ, cốt pha, gỗ bao bì... giá trị sản xuất năm 2014 đạt gần 120 tỷ đồng. Sản phẩm măng Bát Độ được huyện hợp đồng bao tiêu sản phẩm; sản phẩm quế được các doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến theo hình thức liên doanh, liên kết với các hộ trồng quế…. Điều này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống của người trồng rừng, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn và thúc đẩy công nghiệp chế biến của Trấn Yên phát triển bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Huyện Trấn Yên đã khuyến khích người dân chuyển nhanh từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cây giống vật tư phục vụ sản xuất theo nguồn ngân sách của tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ gia đình, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Đến nay đã hình thành được một số vùng trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao. Cùng với việc phát triển rừng nguyên liệu, huyện đã quan tâm đến quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng phù hợp với từng vùng và gắn kết cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu.

Hiệu quả của việc trồng rừng gắn với chế biến gỗ rừng trồng hiện nay của Trấn Yên đã có bước đột phá so với thời điểm trước năm 2011. Tuy nhiên chưa thực sự tương xứng với giá trị của tiềm năng, bởi các chủ rừng thường khai khác rừng với chu kỳ từ 5 - 8 năm, nên sản lượng gỗ bình quân chỉ đạt 50-70m3, giá trị đạt 60-80 triệu đồng/ha và cũng chính từ nguyên nhân này đã dẫn tới hệ quả là thiếu nguyên liệu sản xuất cho các cơ sở chế biến. Thêm nữa, hầu hết các đơn vị chế biến gỗ là những cơ sở sản xuất nhỏ, sử dụng công nghệ chế biến đơn giản, chủ yếu là các máy xẻ, máy bóc trong sản xuất, chế biến gỗ. Một số ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy ép ván, ghép thanh… nhưng do nguồn vốn ít nên việc đầu tư cũng mới chỉ là những dây chuyền sản xuất chất lượng thấp. Công nghệ chế biến chưa hoàn thiện nên sản phẩm làm ra cơ bản ở dạng làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khác, dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao. Điều này rất cần sự vào cuộc của các cấp các ngành trong việc tuyên truyền, định hướng cho các chủ rừng về tính hiệu quả của việc phát triển rừng gỗ lớn. Đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở chế biến mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Tiếp tục phát triển theo hướng bền vững

Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết thêm: Huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo đổi mới cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, sản xuất theo hướng bền vững; Quy hoạch vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ trên 23.000ha, trong đó quy hoạch 2000ha rừng trồng keo hạt để chuyển hóa rừng cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. xây dựng một số mô hình khảo nghiệm các loại giống mới có năng suất chất lượng để thay thế cây giống lâm nghiệp có năng suất chất lượng thấp. Đồng thời tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống đáp ứng yêu cầu sản xuất và nhu cầu của thị trường.

Kết quả của việc trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ XX, là tiền đề quan trọng để Trấn Yên mạnh dạn đưa một số loại cây lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao để cung cấp nguyên liệu gỗ lớn, nâng cao giá trị thu nhập từ rừng kết hợp bảo vệ môi trường. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản có thương hiệu có tính cạnh tranh trên thị trường, nhằm tạo thêm việc làm ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, bảo đảm cho người dân yên tâm với nghề rừng, khai thác tốt lợi thế đất đai và lao động, góp phần thúc đẩy nền KT-XH của địa phương phát triển./.

2536 lượt xem
Tiến Lập - Thanh Hùng

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h