Qua 8 năm thực hiện, Luật đã góp phần phát
huy vai trò xung kích, sáng tạo - tiềm năng to lớn của thanh niên trong phát
triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Luật
chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, hơn thế,
còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Chính vì vậy, mới đây, thực hiện công văn của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh
niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã
giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên trên địa bàn tỉnh.
Trước hết, phải nói rằng, Luật Thanh niên
ra đời cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn quy phạm pháp
luật liên quan đến công tác thanh niên đã có những tác động tích cực, góp phần
tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên phát huy sức trẻ trong lao động và học
tập, tạo môi trường lành mạnh để thanh niên rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.
Thực hiện Luật, tỉnh đã đã quan tâm thực hiện lồng ghép trong các chương trình
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chương trình phát triển thanh
niên.
Cụ thể, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành
Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 07/6/2012 về Chương trình phát triển thanh niên
tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 - 2020; nhiều chính sách liên quan đến thanh niên
đã được HĐND tỉnh ban hành như: chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế trên
địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2009 - 2015; xây dựng hệ thống nhà thiếu nhi cấp
huyện tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2010 - 2020; chính sách thu hút, đào tạo cán bộ
khoa học, cán bộ quản lý; hỗ trợ đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên người dân
tộc thiểu số tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014 - 2016…
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020, hàng năm, UBND các cấp trên địa bàn
tỉnh thực hiện lồng ghép một số mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển thanh niên
trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương như: đào tạo nghề
và giải quyết việc làm cho thanh niên; tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo,
bồi dưỡng, thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với thanh niên có tài năng;
xây dựng quy hoạch về đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục, y tế, cơ sở hoạt
động văn hóa, thể dục thể thao cho thanh niên.
Công tác tổ chức thực hiện Luật đã được
quan tâm với các nội dung cụ thể. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức và tạo
điều kiện cho thanh niên tham gia giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã
hội và các nhiệm vụ cấp bách tại địa phương như thanh niên trong độ tuổi đều
được học tập Luật Nghĩa vụ quân sự và đăng ký nghĩa vụ quân sự; tham gia vào lực
lượng dân quân, tự vệ và là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ trị an, trật tự an
toàn xã hội tại các địa phương; vai trò xung kích của thanh niên luôn được đề
cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách của địa phương như phòng, chống
bão lũ, chống cháy rừng, là lực lượng quan trọng trong thực hiện Chương trình
mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới... Công tác đào tạo nghề, giải
quyết việc làm cho thanh niên được gắn liền với quy hoạch phát triển nguồn nhân
lực và cơ cấu hợp lý theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Thực hiện Đề án "Hỗ trợ thanh niên học
nghề và tạo việc làm", từ năm 2012 đến năm 2014, toàn tỉnh đào tạo nghề
cho 34.803 người, trong đó đào tạo nghề cho thanh niên khoảng 20.728 người
(chiếm 60%); giải quyết việc làm cho 49.764 lao động, trong đó khoảng trên 50%
là thanh niên. Việc tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực
hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với thanh niên có tài năng được quan tâm.
Trong quy hoạch cán bộ giai đoạn 2011- 2015
của các sở, ban, ngành, lực lượng thanh niên chiếm tỷ lệ 30%. Dự án 600 trí
thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 62
huyện nghèo và Đề án thí điểm tuyển chọn 10 trí thức trẻ tình nguyện về các xã
tham gia phát triển nông thôn, miền núi thuộc hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải
theo Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội
để thanh niên có trình độ được cống hiến xây dựng quê hương.
Các chính sách hỗ trợ thanh niên
nhất là vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số cần được tăng cường
hơn nữa để họ vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Qua 6 năm thực hiện chính sách phát triển
nguồn nhân lực y tế, tỉnh đã thu hút 82 bác sĩ chính quy và dược sĩ đại học;
liên kết đào tạo theo địa chỉ 231 bác sĩ và dược sĩ đại học. Việc xây dựng quy
hoạch về đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục, y tế, tư vấn sức khoẻ, cơ sở
hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho các đối tượng
thanh niên đã được đáp ứng, tuy có mặt còn hạn chế nhất là các điều kiện về
hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao.
Các chương trình phối hợp giữa các ngành
trong giải quyết chính sách liên quan đến thanh niên đạt được kết quả nhất
định. Tỉnh đoàn thanh niên phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh thực
hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hiện số dư nợ
đạt trên 196 tỷ đồng; các hoạt động phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật,
xây dựng mô hình trình diễn cho thanh niên của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hay phong trào “Động viên tuổi trẻ tình nguyện, sáng tạo, tiến quân
vào khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường” của Sở Khoa học và Công nghệ được
đẩy mạnh... Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện hầu hết các nội dung như
Luật quy định đều mới chỉ dừng ở việc lồng ghép với các chương trình phát triển
kinh tế của địa phương; chưa dành nhiều nguồn lực và chương trình cụ thể đầu tư
riêng cho thanh niên nên hiệu quả chưa thực sự rõ nét.
Có những địa phương nhất là ở cấp xã còn
lúng túng, nhầm lẫn giữa công tác thanh niên với các hoạt động của tổ chức đoàn
và giao cho tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện, chịu trách
nhiệm; chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo trình độ chuyên môn cho cán bộ đoàn
nên việc bố trí công việc cho đội ngũ bí thư đoàn xã hết tuổi đoàn gặp khó
khăn. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên chưa đáp ứng so
với yêu cầu đặt ra; chất lượng đào tạo nghề chưa bắt kịp với yêu cầu phát triển
chung của xã hội; chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với sinh viên dân tộc thiểu
số sau khi ra trường và chính sách học nghề đối với bộ đội xuất ngũ chưa được
quan tâm đúng mức; các điều kiện vui chơi, giải trí để phát triển tinh thần,
thể lực cho thanh niên còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu...
Chính vì vậy, sau cuộc giám sát của Ban Văn
hóa - Xã hội HĐND tỉnh, nhiều vấn đề đã được đặt ra. Việc hướng dẫn thi hành
Luật Thanh niên còn chung chung, thiếu cụ thể về trách nhiệm quản lý Nhà nước;
các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa có những chế tài mạnh điều chỉnh các hoạt
động quản lý Nhà nước về công tác thanh niên, vì vậy, chưa có sự đồng bộ và quan
tâm đúng mức. Công tác tham mưu thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thanh
niên cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh
niên và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật chưa được thường xuyên, thấu
đáo... Kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ công tác thanh niên và hoạt
động đoàn thanh niên các cấp nhất là cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu.
Từ đó, Ban cũng đã đề xuất, kiến nghị với
Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp
luật về thanh niên cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 đồng thời, bảo đảm tính
thống nhất với các bộ luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đề nghị Chính phủ
và các bộ ngành liên quan và tỉnh tiếp tục tăng nguồn lực đầu tư cho việc thực
hiện các chính sách hỗ trợ thanh niên, nhất là đối với thanh niên vùng đặc biệt
khó khăn… Đó sẽ là những điều chỉnh cần thiết để Luật Thanh niên thực sự khả
thi và đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và thuận lợi.
(Theo Ngọc Tú/Báo Yên Bái)