1. Trước hết là cách đặt vấn đề khi tổng
kết một nhiệm kỳ với những việc đã làm được nên gọi là "thành tựu"
hay "kết quả". Theo tôi hiểu thì "thành tựu" là khái niệm
chỉ những thành công đạt được ở tầm rộng lớn hơn "kết quả"; thành tựu
thì chỉ nói đến thành công, còn kết quả thì có thể là kết quả không như mong
muốn. Ở đây trong mục A của Dự thảo Báo cáo chúng ta ghi là "thành
tựu". Thế nhưng, trong phần đánh giá tổng quát (trang 6 phụ trươnng Báo
Yên Bái) lại viết "chúng ta đã giành được những kết quả quan trọng và khá
toàn diện". Nên chăng, phần đánh giá tổng quát cũng viết là "chúng ta
đã giành được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện" thì hợp lý hơn,
dù viết thế có vẻ hao hao giống báo cáo các kỳ đại hội trước, nhưng việc cần
đánh giá thế thì vẫn cứ phải viết như thế.
2. Trong trang 3 (phụ trương Báo Yên Bái),
phần đánh giá về công tác y tế có câu: "được đánh giá là tỉnh có cơ chế
mạnh trong thu hút, đào tạo nguồn nhân lực y tế". Vậy, ở đây là ai đánh
giá? Cấp trên hay nhân dân? Viết như vậy e là có dễ dãi quá không? Trong thực
tế, vẫn có một số bác sĩ có tay nghề khá ở một số bệnh viện trong tỉnh vẫn ra
đi thì đánh giá như vậy đã sát chưa? cũng tại trang này mục 6 viết về công tác
dân tộc, tôn giáo có câu: "thái độ và trách nhiệm giải quyết công việc của
cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, tôn giáo được nâng lên". Ở đây,
nếu nói trách nhiệm được nâng lên thì hợp lý, còn thái độ chỉ có tốt, xấu, tích
cực hay tiêu cực chứ nói "thái độ được nâng lên" thì thật là khó hình
dung!
3. Tại trang 4 (phụ trương Báo Yên Bái)
phần kiểm điểm về hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chỉ nhắc đến
một số phong trào, phần việc mà chưa nói đến việc tham gia xây dựng chính quyền
thông qua tổ chức lấy ý kiến cử tri, tham gia tổ chức bầu cử, thường xuyên tổng
hợp ý kiến nhân dân để tham gia xây dựng chính quyền là thiếu đi một chức năng
cơ bản của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là cơ sở chính trị của chính quyền
nhân dân.
4. Trang 5 (phụ trương Báo Yên Bái) phần
kiểm điểm kết quả thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW và Nghị quyết TW4 khóa XI có đoạn
viết: "Qui định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là
cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp… Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong
nhận thức, tinh thần trách nhiệm, phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán
bộ đảng viên và nhân dân". Câu này đưa cả "nhân dân" vào đây
nghe không chuẩn.Đúng ra, đối tượng có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW
và Nghị quyết TW 4 (khóa XI) là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mới là
chủ yếu, nhân dân tất nhiên cũng học tập làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng
không thể bao gồm vào với cán bộ, đảng viên mà lại không nhắc đến công chức
viên chức là chưa hợp lý.
5.Trang 6 (phụ trương Báo Yên Bái)- những
hạn chế, khuyết điểm:
Trung ương, nhất là Chính phủ nói rất nhiều
về tái cơ cấu các ngành, nhưng trong báo cáo của Đảng bộ tỉnh ta hầu như không
đề cập đến vấn đề này, phải chăng là tỉnh ta không có vấn đề "tái cơ
cấu"? Có phải chúng ta nói chưa nhiều và làm cũng chưa nhiều, chưa có sự
can thiệp tích cực của nhà nước để sản xuất chủ yếu tự phát theo cách làm của
nông dân và doanh nghiệp nên hiệu quả sản xuất chưa cao, công nghiệp chậm phát
triển nên chưa tạo được nguồn thu đáng kể, ngân sách còn do trung ương trợ cấp
gần 80%- đó có phải là một yếu kém không?
Du lịch hồ Thác Bà (khu Tân Hương), các
nhiệm kỳ trước đề cập nhiều và nay có tiếp tục làm không? Nếu không thì là do
trước đây qui hoạch, tính toán chưa đúng, không hiệu quả thì cũng nên chỉ ra để
rút kinh nghiệm.
Đánh giá tổng kết, Dự thảo Báo cáo nhận
định: "Đến nay, Yên Bái vẫn nằm trong nhóm những tỉnh có trình độ kinh tế
- xã hội phát triển thấp". Theo tôi, kiểm điểm như vậy là nghiêm túc nhưng
chỉ có thể nói Yên Bái có trình độ phát triển kinh tế và đời sống, thu nhập
thấp chứ chưa hẳn trình độ phát triển xã hội đã thấp.
Về nguyên nhân yếu kém, ngoài những nguyên
nhân nêu trong Dự thảo Báo cáo, có nên nhìn nhận, có phải còn do nhân tố con
người chưa đáp ứng được với yêu cầu để đưa tỉnh có bước đột phá đi lên?