Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 3/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu hội đồng nhân dân (HDND); thảo luận tại tổ về Dự án Luật Trưng cầu ý dân và Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Điểm mới của Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam là đã bổ sung một số điều khoản như quy định về kho chứa nổi, giàn di động là những kết cấu nổi chuyên dùng đã hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, bổ sung cảng cạn là bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng đường thủy nội địa quốc tế, cửa khẩu đường bộ quốc tế, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu chưa được quy định trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005.
Phát biểu thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm – đoàn Yên Bái đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật về tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND và quy định đối với ĐBQH ngoài những tiêu chuẩn chung cần có tiêu chuẩn riêng. Theo đại biểu, quy định tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Đối với đại biểu HĐND các cấp ngoài những tiêu chuẩn chung cũng cần quy định trình độ chuyên môn của đại biểu HĐND tỉnh khác với tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của đại biểu HĐND cấp huyện, xã.
Về dự kiến và phân bổ số lượng ĐBQH được bầu tại Khoản 3 Điều 7 quy định: Thủ đô Hà Nội được phân bổ số đại biểu thích đáng, đại biểu Nhiệm đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cụ thể số lượng đại biểu hoặc tỷ lệ phần trăm trên tổng số đại biểu. Về xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH (Điều 8), đại biểu đề nghị bổ sung quy định: tỷ lệ ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh, huyện phải đảm bảo ít nhất 35% tổng số người ứng cử đại biểu là phụ nữ và tỷ lệ đại biểu tái cử thay vì quy định đảm bảo số lượng thích đáng người ứng cử là phụ nữ đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp quận, huyện. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quyền khiếu nại, tố cáo của người tự ứng cử trong quá trình thực hiện quyền ứng cử của mình đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận.
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Trưng cầu ý dân và Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung của 2 dự luật. Đối với Dự án Luật Trưng cầu ý dân, các đại biểu cho rằng đây là một hình thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân; những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề lớn của đất nước, liên quan đến quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân và nên giao cho Quốc hội có quyền quyết định những vấn đề đưa ra lấy ý kiến của nhân dân. Có đại biểu cho rằng, Dự thảo quy định tỷ lệ công nhận kết quả trưng cầu ý dân có quá nửa số cử tri đi bầu như vậy là quá ít, nên quy định là công nhận kết quả trưng cầu ý dân phải chiếm tỷ lệ 2/3 số cử tri đi bầu.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Giàng A Chu – Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đoàn Yên Bái nhất trí với các nội dung của Dự án Luật. Về nguyên tắc trưng cầu ý dân, đại biểu Chu đề nghị cần tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa. Về phạm vi trưng cầu ý dân, đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần thiết kế lại có thể trưng cầu dân ý trong phạm vi cả nước hoặc có thể trưng cầu ý dân đối với những vấn đề nằm trong phạm vi một khu vực. Về điều 23 của Luật này, Dự thảo mới đề cập đến tổ bầu cử, như vậy chỉ mang tính chất nhỏ, đại biểu đề nghị đổi tên gọi là Ban chỉ đạo để phù hợp hơn.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, đại biểu Đặng Thị Kim Liên – đoàn Yên Bái cho rằng Luật cần quan tâm đến chủ thể, những vấn đề đưa ra lấy ý kiến của nhân dân; phương pháp và phương thức lấy ý kiến. Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, đại biểu đề nghị nên giao cho Quốc hội có quyền quyết định các vấn đề cần tổ chức trưng cầu ý dân cho phù hợp với yêu cầu trong từng thời điểm cụ thể.
Về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải ban hành luật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển. Về chính sách phát triển hàng hải, các đại biểu đồng tình với Dự thảo Luật song đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến phát triển kinh tế biển theo chủ trương của Bộ Chính trị; quan tâm đầu tư quy hoạch các cảng biển, phát huy lợi thế của một quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.000 km. Về cơ chế, chính sách, cần khuyến khich các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế biển như cảng biển, các khu kinh tế, phát triển các đội tàu cá.