Bám sát mục tiêu, quan điểm Nghị quyết số
49-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của ngành trong việc nâng
cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá
trong hoạt động tư pháp, TAND huyện đã quán triệt, vận dụng chính sách hình sự
nhất quán là kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh đối với mọi hoạt động tội
phạm, bảo đảm quyền dân chủ của công dân, không làm oan sai người vô tội, không
để lọt tội phạm.
Hàng năm, Tòa còn chủ động phối hợp với các
ngành trong khối nội chính lựa chọn từ 10 đến 15 vụ án hình sự đưa ra xét xử
lưu động nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
cho nhân dân. Do làm tốt công tác giải quyết án nên chất lượng xét xử các vụ án
được nâng lên rõ rệt, nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hà - Chánh án TAND
huyện cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, Tòa đã thụ lý 1.297 vụ việc các loại,
giải quyết 1.296 vụ việc, đạt tỷ lệ giải quyết chung 99,9%; trong đó 328 vụ
hình sự với 472 bị can, bị cáo (tăng 196 vụ/267 bị cáo so với nhiệm kỳ trước).
Về đường hướng xét xử, Tòa không để vụ án nào xử oan người vô tội hay bỏ lọt
tội phạm, không có án quá hạn luật định".
Với 16 cán bộ gồm: 5 thẩm phán, 7 thư ký
còn lại là các bộ phận nghiệp vụ khác, hiện nay, mỗi thẩm phán của TAND huyện
xét xử gần 70 vụ việc/năm và theo quy định của TAND Tối cao, mỗi thẩm phán xét
xử 45 vụ/năm. Như vậy, huyện cần thêm 3 thẩm phán và 3 thư ký nữa mới đáp ứng yêu
cầu xét xử. Tuy huyện có địa bàn rộng, nhiều xã cách trung tâm huyện 80km, kinh
phí xét xử lưu động cũng bằng các huyện, thị khác, trang thiết bị phục vụ công
tác xét xử đã hết hạn sử dụng, nhà công vụ xuống cấp... nhưng các cán bộ của
Tòa vẫn cố gắng khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ.
Án tranh chấp dân sự và án hôn nhân gia
đình những năm gần đây trên địa bàn huyện cũng gia tăng đột biến; trong đó 5
năm qua, đã thụ lý và giải quyết án tranh chấp dân sự 75 vụ, án hôn nhân gia
đình 892 việc. Nguyên nhân là người dân đã dần tiếp cận với những quy định của
pháp luật và lựa chọn con đường đưa ra tranh chấp để tòa án giải quyết thay cho
việc các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ giải quyết như trước đây. Đây là
loại án kiện khá phức tạp, quá trình giải quyết kéo dài và gặp rất nhiều khó
khăn.
Để giải quyết dứt điểm các loại án này, Tòa
thông qua án thụ lý và chú trọng công tác hòa giải, phân tích đúng sai và đưa
ra những phương án giải quyết có lý, có tình nên tỷ lệ hòa giải đoàn tụ cao.
Các vụ việc khác được Tòa giải quyết các bên đương sự thỏa thuận với nhau về
các vấn đề con cái, tình cảm, tài sản và đặc biệt chú trọng bảo vệ quyền lợi của
phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật. Án hôn nhân gia đình vẫn còn tình
trạng tảo hôn, chung sống không có đăng ký kết hôn ở một số xã vùng cao, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số. Do thiếu kiến thức về pháp luật nên công tác bình
đẳng giới, tình trạng bạo hành, ngược đãi phụ nữ vẫn còn xảy ra.
Đối với án tranh chấp dân sự, mặc dù sự
hiểu biết pháp luật dân sự đã được nâng cao nhưng trong quá trình ký cam kết
hợp đồng vay, nợ không chặt chẽ bởi vậy, khi đưa ra khiếu kiện, các bên không
đưa ra được đầy đủ chứng cứ, nhiều vụ việc xảy ra mâu thuẫn, ảnh hưởng đến an
ninh trật tự địa phương.
Nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, thời
gian tới, TAND huyện tiếp tục cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo nâng
cao chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng xét xử các loại án theo quy định
của pháp luật đồng thời phối hợp với các ngành chức năng giải quyết dứt điểm
đơn thư khiếu nại, tố cáo, hạn chế các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân để
mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
(Theo Báo Yên Bái)