Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Thức dậy một tiềm năng

10/06/2015 11:16:24 Xem cỡ chữ Google
Ngoài cánh đồng Mường Lò rộng thứ nhì vùng Tây Bắc, vùng chè hàng vạn héc-ta xếp vào tốp đầu cả nước, Yên Bái còn được biết đến như một địa phương giàu tiềm năng về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Những chính sách khuyến khích của tỉnh cùng sự nỗ lực của người nông dân đang biến tiềm năng thành lợi thế.

Muốn giàu nuôi cá!

Với lợi thế trên 32.000ha mặt nước, trong đó trên 19.000ha mặt nước hồ Thác Bà với 1.331 hòn đảo cùng thảm thực vật rất đa dạng, tạo nguồn thức ăn tự nhiên; cùng trên 3.000ha diện tích mặt nước ao, hồ nhỏ, 134 hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các hệ thống sông, ngòi… đã tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Tiềm năng mặt nước lớn nên nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh khá phong phú và đa dạng giống, loài.

Yên Bái có trên 122 loài, trong đó có nhiều loài cá quí, hiếm, có giá trị kinh tế cao như: bỗng, chiên, lăng chấm, vền, ngạnh… Cách đây từ 20 - 30 năm, chăn nuôi thủy sản phát triển mạnh mẽ. Nhà nhà nuôi cá lồng, cá ao.

Phong trào nuôi cá phát triển khắp các miền quê. Các loại: chim trắng, rô phi đơn tính, chép lai, trắm cỏ... đã được người dân đưa vào nuôi tổng hợp, khi có hiệu quả thì đầu tư mở rộng thêm diện tích. Theo đó, sản lượng khai thác mỗi năm đạt gần 20.000 tấn cá, tôm. Nhưng thời "hoàng kim" ấy cũng dần qua đi bởi sự phát triển tự phát, thiếu kiến thức khoa học của người dân, khiến hàng loạt lồng cá bị nhiễm bệnh. Nhiều người đã phá sản, nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà cũng cạn kiệt bởi cách đánh bắt hủy diệt.

Trước thực trạng trên, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với người chăn nuôi thủy sản. Trong 5 năm (2010 - 2014), tỉnh đã hỗ trợ 433 lồng cá với mức 3 triệu đồng/lồng, tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ 139 mô hình nuôi ba ba với mức 20 triệu đồng/mô hình, tổng kinh phí 2,78 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi 7ha ruộng một vụ sang nuôi trồng thủy sản với kinh phí 20 triệu đồng/ha và hỗ trợ thuốc phòng trị bệnh thủy sản hàng năm từ 250 đến 360 triệu đồng…

Cùng với việc hỗ trợ kinh phí, mỗi năm, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tổ chức từ 10 - 15 lớp tập huấn, hội thảo, xây dựng từ 8 - 10 mô hình nuôi thủy sản ở một số huyện, thị. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh và các trung tâm dạy nghề, phòng lao động thương binh và xã hội các huyện, thị tổ chức trên 40 lớp đào tạo nghề chăn nuôi thủy sản ngắn hạn cho lao động nông thôn, qua đó, người dân đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thâm canh, bán thâm canh nhiều hình thức nuôi như: nuôi cá ao, cá ruộng, cá lồng, cá eo ngách..., góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Nhờ đó, diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản tăng qua các năm, cụ thể năm 2014 là 22.250ha (tăng 250ha so với năm 2010), sản lượng thủy sản đạt trên 6.489 tấn (tăng 1.800 tấn so với năm 2010). 

Là địa phương có tiềm năng, lợi thế trong nuôi trồng và khai thác thủy sản trên hồ Thác Bà, những năm qua, huyện Yên Bình đã chú trọng tuyên truyền tới người dân chăn nuôi thủy sản theo mô hình bán công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, nhất là nuôi cá lồng phát triển mạnh mẽ. Nhiều người ở hẳn trên hồ để nuôi cá rồi vào đất liền, xây nhà cao cửa rộng, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Dọc các xã ven hồ từ Xuân Lai, Vĩnh Kiên, Phúc Ninh, đến thị trấn Thác Bà, Thịnh Hưng, thị trấn Yên Bình đâu đâu cũng thấy người dân nuôi cá lồng. Đến nay, toàn huyện có trên 400 lồng cá các loại gồm: trắm, nheo, ngạnh, tầm… Sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 3.500 tấn, giá trị đạt gần 20 tỷ đồng.

Để “mục sở thị”, chúng tôi cùng đoàn công tác Chi cục Thủy sản đi tham quan các mô hình nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà. Chiếc thuyền máy rẽ sóng lướt trên mặt hồ, giữa mênh mông hồ Thác, những lồng cá nối đuôi nhau. Chiếc thuyền từ từ tiến đến khu vực nuôi cá tầm của Công ty cổ phần Nghiên cứu, ứng dụng dịch vụ khoa học công nghệ T&T Yên Bái. Thuyền vừa dừng, chúng tôi bị choáng ngợp bởi việc sử dụng công nghệ tiên tiến nuôi cá bằng lồng lưới HDPE. Công ty bắt đầu nuôi cá tầm từ năm 2012. Loài cá này hoàn toàn thích nghi với điều kiện môi trường, khí hậu ở vùng hồ Thác Bà nên cá sinh trưởng nhanh, không bệnh tật, giá trị kinh tế cao.

Thêm hơn 30 phút ngồi thuyền máy, chúng tôi đến khu vực nuôi cá lồng của gia đình anh Hoàng Văn Sử ở tổ 18, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình. Hiện nay, anh Sử đang nuôi 3 lồng cá; trong đó 2 lồng cá trắm và 1 lồng cá nheo. Làm nghề nuôi cá trên hồ hơn chục năm nhưng trước đây, anh làm bè nuôi ngay gần bờ, do nguồn nước bị ô nhiễm nên hiệu quả không cao. Năm 2013, anh quyết định di chuyển lồng nuôi cá xa bờ. Anh Sử cho biết: “Nuôi ở đây, một mình một khu nên nước không bị ô nhiễm, cá lớn nhanh, không bị bệnh. Một năm, 2 lồng cá cũng mang về cho gia đình tôi 60 - 70 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí”.

Chị Phùng Thế Hồng, cán bộ phụ trách chăn nuôi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình khẳng định: “Chăn nuôi thủy sản trên địa bàn huyện những năm gần đây đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhất là đối với những xã vùng ven hồ. Nuôi cá lồng đã giúp nhiều gia đình ở Vĩnh Kiên, Vũ Linh, thị trấn Yên Bình…” vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Tận dụng diện tích ao, đầm, người dân thả cá để phát triển kinh tế.

Từ khó khăn...

Chăn nuôi thủy sản đã và đang dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chăn nuôi thủy sản vẫn đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Nhìn một cách tổng thể, chăn nuôi thủy sản phát triển tự phát, chưa có sự đầu tư thỏa đáng từ nguồn vốn, giống đến công tác thú y nên vẫn chưa trở thành hàng hóa và thị trường.

 

Theo Quyết định số 22/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất hàng hóa tỉnh Yên Bái năm 2015 - 2016, hỗ trợ một lần cho các hộ đóng mới lồng bè nuôi cá có thể tích nuôi tối thiểu 20m3/lồng, quy mô từ 3 lồng trở lên, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng; hỗ trợ một lần cho các cơ sở nuôi cá bằng quây lưới ở các eo ngách trên hồ Thác Bà có diện tích mặt nước tối thiểu từ 1ha trở lên, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha, kinh phí hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/cơ sở.

Cụ thể, công tác thú y thủy sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống thú y cho thủy sản vừa thiếu vừa yếu. Hầu hết các địa phương cấp huyện đều thiếu cán bộ chuyên môn thủy sản, chưa có mạng lưới khuyến ngư viên. Hàng năm, tỉnh vẫn bố trí một nguồn kinh phí cấp cho các huyện mua thuốc phòng, chống dịch bệnh cho chăn nuôi thủy sản, thế nhưng, không phải hộ chăn nuôi nào cũng được thụ hưởng nguồn thuốc này. Do thiếu kỹ thuật chăn nuôi nên ngành thủy sản lâu nay phát triển thiếu tính bền vững.

Huyện Trấn Yên cũng đã một thời “muốn giàu nuôi cá”, đặc biệt là nuôi cá lồng nhưng nay, cũng mai một bởi sự phát triển tự phát, thiếu kiến thức khoa học, hàng loạt cá lồng bị nhiễm bệnh, nhiều người đã phá sản. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất cá giống vẫn chủ yếu sản xuất các loại cá thông thường như: chép, trắm, mè... và thiếu trầm trọng các giống cá đặc sản. Vì vậy, các hộ chăn nuôi chủ yếu phải nhập giống từ các địa phương khác về nuôi, giá thành vừa cao vừa không sạch bệnh, dẫn đến rủi ro cao. Người dân vẫn chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư liên kết. Diện tích nuôi trồng thủy sản chủ yếu vẫn là nuôi các đối tượng cá truyền thống, năng suất, giá trị thấp, người dân chưa mạnh dạn đầu tư nhiều diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh đối với những đối tượng giống mới có năng suất giá trị kinh tế cao.

Không chỉ vậy, việc đánh bắt, khai thác, nhất là trên các hồ chứa của một số người dân không theo quy trình, thậm chí còn hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Hàng năm, tỉnh vẫn thả bổ sung một lượng lớn cá xuống hồ nhưng sản lượng khai thác lại giảm dần. Đã đến lúc, ngành nông nghiệp cần đánh giá, xem xét tính hiệu quả của việc thả cá theo hình thức này. Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứ thả mà không bảo vệ được thì nên xây dựng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi quy mô lớn.

...Đến tái cơ cấu

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản 2.300ha, sản lượng thủy sản đạt trên 9.000 tấn, giá trị sản phẩm thu được bình quân trên đơn vị diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 130 triệu đồng/ha, ngành thủy sản cần tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị trên 1 đơn vị diện tích, tiến tới phát triển bền vững. Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định: “Ngành thực hiện tái cơ cấu theo vùng, tái cơ cấu giống thủy sản và phương thức chăn nuôi”.

Cụ thể, ngành sẽ phân vùng phát triển thủy sản. Vùng 1 gồm các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ, phát triển nuôi cá ruộng, nuôi cá ao, hồ nhỏ với đối tượng nuôi là cá nước lạnh và cá truyền thống là: trắm cỏ, chép, mè, trôi, rô phi và nuôi thủy đặc sản. Vùng 2 gồm huyện: Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái tập trung nuôi thâm canh ở các ao, hồ nhỏ, nuôi thâm canh ở các ao, hồ nhỏ, phát triển nuôi cá lồng trên các đầm, hồ, sông Hồng. Vùng 3 gồm các huyện: Yên Bình và Lục Yên, quản lý bảo vệ và phát triển nuôi cá eo ngách ven hồ, nuôi cá lồng và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà.

Hồ Thác Bà rất phù hợp với việc nuôi các loại cá đặc sản.

Bên cạnh đó, ngành cần chuyển đổi phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích; đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất theo hướng du nhập những công nghệ mới về giống, thức ăn, xử lý nước; từng bước hoàn thiện công nghệ hiện có để phát triển nuôi trồng thủy sản; trước mắt, có thể nhập công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi và đàn giống cá bố mẹ, đàn cá giống mới. Đối với các ao hồ nhỏ (3 - 50ha), áp dụng nuôi thâm canh; đối với diện tích hồ chứa lớn có diện tích trên 50ha, tổ chức nuôi theo hình thức quảng canh và bán thâm canh; đẩy mạnh ứng dụng quy trình công nghệ nuôi thâm canh thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển thủy sản phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; nghiên cứu ứng dụng hệ thống nuôi thích ứng với điều kiện của các vùng khí hậu trong tỉnh...

Ngành thủy sản cần hoàn thiện các quy trình sản xuất giống, nghiên cứu lai tạo giống nuôi thủy sản có năng suất, chất lượng cao, cải tạo nguồn giống cũ, thay thế nhóm giống kém chất lượng; tập trung nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế, tạo sản phẩm hàng hóa...; tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống thủy sản, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh thủy sản; khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực thủy sản và nhân rộng mô hình có hiệu quả; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản như: cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất giống thủy sản, đường giao thông, đường điện, xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Một vấn đề quan trọng là tiềm năng, lợi thế lớn nhưng trong thời gian vừa qua, nguồn vốn đầu tư cho thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp hàng năm rất lớn nhưng tập trung chủ yếu vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm mà chưa chú trọng đến chăn nuôi thủy sản. Tuy đã có chính sách hỗ trợ nhưng vẫn ở mức thấp chưa đủ để người dân có thể đầu tư làm giàu.

Là người làm giàu từ nghề nuôi cá lồng trên hồ, anh Lê Văn Thư ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã từng đóng hàng chục chiếc lồng cá tâm sự: “Nhà nước hỗ trợ thì quý rồi nhưng để đóng một chiếc lồng tre, hóp bình thường cũng đã mất gần chục triệu đồng chưa kể đầu tư lồng lưới, lồng sắt có độ bền cao phải mất gần 20 triệu đồng, cộng thêm tiền cá giống nữa mà với mức hỗ trợ vậy thì để chăn nuôi lớn là rất khó”. 

 

1720 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h