Nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo Phạm Vũ Luận xung quanh những giải pháp trong việc tổ chức thực hiện chương
trình VNEN (mô hình trường học mới) ở bậc THCS trong thời gian tới; những đánh
giá của Bộ trưởng về kỳ thi riêng tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội? Liệu có
thể áp dụng đại trà cách thi này trong những năm sau?
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Chương trình VNEN thí điểm ở các tỉnh, thành phố đã
hoàn thành ở bậc tiểu học. Hiện nay, cư tri rất quan tâm về việc tiếp tục triển
khai ở bậc THCS. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có những giải pháp gì trong việc
thực hiện chương trình VNEN ở bậc THCS trong thời gian tới?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Chúng ta sẽ tiếp
tục triển khai chương trình này, vì chương trình này vừa để triển khai vừa để
điều chỉnh thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra đánh giá của các lớp mà
các cháu đang học chương trình hiện hành trong khi mà chúng ta chưa có chương
trình sách giáo khoa mới để góp phần nâng cao từng bước chất lượng giáo dục và
đào tạo. Thứ hai, đây cũng là một bước chúng ta tập sự, thực tập, làm quen về
mặt phương pháp giảng dạy, tổ chức quản lý lớp học và nhà trường theo hướng
mới, đó là phương thức phát triển năng lực và phẩm chất. Đây cũng là một hoạt
động đào tạo bồi dưỡng ở mức thấp đối với đội ngũ giáo viên hiện nay, giúp cho
các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thích ứng dần với mô hình mới mà chúng ta
sẽ triển khai vào năm 2018 như Quốc hội đã quyết định mà chúng tôi đang tổ chức
thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Về công tác tuyển sinh đại học năm 2015, Trường Đại
học Quốc gia Hà Nội đã có đề án tuyển sinh riêng với cách thi hoàn toàn mới,
thu hút trên 45.000 thí sinh đăng ký dự thi. Xin Bộ trưởng đánh giá về kỳ thi
này và liệu có thể áp dụng đại trà cách thi này trong những năm sau?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Sau khi Luật Giáo
dục Đại học có hiệu lực, có một điều khoản là việc tuyển sinh đại học là quyền
tự chủ của các trường. Cho đến nay, đã có trên 150 trường đại học và cao đẳng đăng
ký phương thức tuyển sinh riêng của mình và Đại học Quốc gia Hà Nội là một
trong 150 trường đăng ký tuyển sinh riêng. Cũng như các trường khác có phương
án tuyển sinh riêng, với Đại học Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo chúng tôi đã
cử Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng là cơ quan chuyên trách về hoạt động
thi cử và tuyển sinh này, tham gia các cuộc hội thảo, góp ý hoàn thiện ngay từ
ngày đầu Đại học Quốc gia xây dựng các phương án và sau khi Đại học hoàn thiện
các phương án thì chúng tôi phê duyệt phương án này cho Đại học Quốc gia triển
khai.
Tôi khuyến khích, trân trọng sự chủ động
của các cơ sở nhằm tìm ra được hướng đổi mới. Cho đến thời điểm này mới kết
thúc được việc chấm thi và việc chấm này cũng chưa thể khẳng định được kết quả,
bởi vì trên nền tảng của kết quả thi tốt nghiệp THPT, các cháu được công nhận
kết quả tốt nghiệp thì kết quả của kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Quốc gia mới
có ý nghĩa. Bên cạnh đó, các yếu tố kỹ thuật liên quan đến đề thi, liên quan
đến các yếu tố bảo mật đề thi, bảo đảm an toàn, thực hiện các phương án… chúng
tôi đang chờ khi kết thúc toàn bộ công đoạn chấm thi và toàn bộ công tác tuyển
sinh vào Đại học Quốc gia thì Đại học Quốc gia sẽ có báo cáo tổng thể,
khi ấy Bộ Giáo dục sẽ cùng Đại học Quốc gia xem xét, đánh giá tổng
thể phương án này để bổ sung hoàn thiện.
Còn việc nhân rộng, vấn đề tuyển sinh đại
học là quyền tự chủ của các trường đại học, nếu các phương án mà các nhà trường
đang chủ động triển khai có hiệu quả thì nó có giá trị lan toả trong tương lai.
Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ
trưởng Phạm Vũ Luận, trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái, đại biểu Nguyễn Thị
Bích Nhiệm chia sẻ: Tôi đồng tình cao với câu trả lời của Bộ trưởng và mong rằng
Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai mô hình trường học mới (VNEN) tại các
trường THCS để các em học sinh lớp 5 lên lớp 6 sẽ tiếp tục được học tập theo mô
hình này. Về kỳ thi THPT Quốc gia, tôi mong muốn Bộ sẽ tiếp tục triển khai các
giải pháp để đảm bảo tính minh bạch, khách quan của kỳ thi, đảm bảo đánh giá
đúng năng lực của thí sinh.