Nhà ông Trần Đình Khánh thuộc địa bàn xã
Việt Hồng, huyện Trấn Yên là một trong bốn điểm di tích nằm trong Cụm Di tích
lịch sử cách mạng quốc gia Chiến khu Vần. Càng ngày, du khách trong và ngoài
tỉnh đến đây càng đông hơn. Họ muốn đến với một con người dù là quan chức của
chính quyền thời Pháp nhưng sâu nặng lòng yêu nước, thương dân và khi được giác
ngộ cách mạng đã vận động nhân dân trong vùng tham gia Đội Du kích Âu Cơ, quyên
góp ủng hộ lương thực, thực phẩm, tiền, vàng, vũ khí cho kháng chiến. Họ muốn đến
với trụ sở đầu tiên của Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Yên Bái và Chủ tịch
Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Yên Bái.
Họ muốn đến với vị Đại biểu Quốc hội khóa I
của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không chỉ đơn giản mọi người đến thăm quan
di tích mà còn là trong hôm nay thấy lại ngày xưa, trong hôm nay để biết ngày
mai - lịch sử cho mỗi người biết quý trọng, thêm tự hào và hết sức giữ gìn
những giá trị tinh thần thiêng liêng.
Đảng bộ xã Việt Hồng đã bước sang một nhiệm
kỳ mới với những mục tiêu, cơ hội và khó khăn, thách thức cùng lòng quyết tâm.
Nền tảng vững chắc cho các mục tiêu đề ra là kết quả suốt quá trình phấn đấu
không ngừng của địa phương. Năm 2014, xã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12%; thu
nhập bình quân đạt 11,5 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% xuống còn
29,2%. Phong trào xây dựng nông thôn mới có sự đồng thuận và chung sức của nhân
dân đã tạo nên diện mạo ngày càng đổi thay cho vùng quê cách mạng.
Điểm đến của nông thôn mới, Việt Hồng đang
ở giữa chặng đường và còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Điều đáng nói, người dân
chiến khu đã chứng kiến, cảm nhận rõ nét hơn ai hết mọi chuyển biến của quê
hương cũng như cuộc sống ngày thêm tốt đẹp. Thật vinh dự khi Chiến khu Vần là
nơi thành lập Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái vào ngày 30/6/1945 và
là tiền thân ra đời của Đảng bộ hai tỉnh! Trách nhiệm luôn đi cùng niềm vinh dự
- mỗi người dân Việt Hồng đều ý thức như vậy để cố gắng.
Bản Phạ của xã Việt Hồng có địa bàn rộng,
đường đi lại khó khăn, nhiều ngõ, nhiều đường rẽ. Những năm qua, bản đã thực
hiện hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, làm
đường giao thông nông thôn, đường liên thôn liên xóm và đường liên xã. Đến nay,
ô tô có thể tới được tận nhà của 95% số hộ dân trong bản.
“Nhớ lại ngày nào, chỉ cần mưa đôi ngày đã
phải gửi xe ở ngoài đường chính rồi ấy chứ. Nhớ thế để mà tiếp tục và tiếp tục
cố gắng hơn nữa, dân bản chúng tôi bảo nhau vậy đấy!” - đồng chí Nguyễn Xuân
Hồi, Bí thư Chi bộ bản Phạ vui mừng chia sẻ. Nhiều khu dân cư còn tự vận động
nhau rải đá, mở đường để thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất. Người dân khu Bồ
Kết tự mở rộng 1km đường đất, khu Khe Phạ 700m đường đất, khu Khe Chặm 500m
đường đất...
Chị Hà Thị Yên ở khu Khe Phạ hồ hởi: “Có
đường, vận chuyển vật liệu xây nhà dễ hơn này, chi phí đưa gỗ rừng trồng đi
tiêu thụ giảm này, đi lại thoải mái hơn này... Nếu được Nhà nước hỗ trợ thì
chúng tôi sẽ góp sức để rải nhựa đường đi”.
Đọc những trang lưu bút trong Sổ lưu niệm
tại Di tích nhà ông Trần Đình Khánh của các đoàn khách tham quan là dạt dào cảm
xúc và tự hào trào dâng. Tự hào về cha ông. Tự hào về quá khứ. Tự hào về truyền
thống. Tự hào về quê hương. Tự hào để quý hơn, để yêu hơn, để nâng niu và để sống
tốt hơn, xứng đáng hơn với cha ông, với quá khứ, với truyền thống, với quê
hương.