Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Quyết tâm Yên Bái phát triển toàn diện, vững chắc, cùng cả nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội*

01/07/2015 08:17:29 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Sáng 30/6, tại Trung tâm Hội nghị, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 - 30/6/2015). Ban biên tập Cổng đăng toàn văn bài diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 - 30/6/2015) của đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái:

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm.

- Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý;

- Kính thưa các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ;

- Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng;

- Thưa toàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang trong tỉnh.

Hôm nay, trong khí thế tưng bừng, phấn khởi cùng nhân dân cả nước thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30/6/1945 - 30/6/2015).

Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các quý vị đại biểu cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đại biểu nhân dân các dân tộc trong tỉnh lời chúc mừng tốt đep nhất.

Thưa toàn thể các quý vị đại biểu và các đồng chí!

Trong không khí trang trọng của buổi lễ hôm nay, với lòng kính yêu và biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, sinh thời Người đã dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tình cảm yêu thương, sự quan tâm đặc biệt. Khắc ghi lời dạy của Người, Đảng bộ và nhân dân Yên Bái nguyện luôn ghi nhớ, làm theo để xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện.

Chúng ta mãi biết ơn các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các anh hùng, liệt sỹ, đồng bào khu căn cứ đã che chở, đùm bọc, giúp đỡ cách mạng từ những ngày trứng nước. Chúng ta trân trọng biết ơn các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, các gia đình có công với nước, và lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân đã phấn đấu gian khổ, hy sinh quên mình, cống hiến xương máu, sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương Yên Bái như ngày hôm nay.

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; xin chân thành cảm ơn các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã luôn quan tâm, động viên, ủng hộ, giúp đỡ trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Yên Bái.


Đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30/6/1945 - 30/6/2015)

Thưa toàn thể các đồng chí!

Hòa cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp sức cùng cả nước viết nên nhưng trang chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam,

Nhìn lại những năm 30 của thế kỷ 20, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng khắp nơi trong cả nước đã tác động mạnh mẽ đến Yên Bái. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tập hợp đoàn kết đi theo cách mạng, tạo khí thế cách mạng quần chúng lan tỏa và dâng cao. Từ thực tiễn phong trào cách mạng, đầu những năm 40 của thế kỷ 20, những cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động và đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Tháng 10/1944 đến đầu năm 1945, nhiều cơ sở cách mạng đã được xây dựng, phát triển ở các huyện trong tỉnh. Các tổ chức cứu quốc được thành lập, tập hợp hàng nghìn hội viên. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), khí thế cách mạng của quần chúng khắp nơi trong tỉnh dâng cao. Ngày 07/5/1945, chi bộ đảng thị xã Yên Bái được thành lập, đây là chi bộ đảng đầu tiên ở Yên Bái, có nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng ở thị xã. Từ đốm lửa nhỏ ban đầu ấy, chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào cách mạng đã bùng cháy, lan rộng khắp các địa phương trong tỉnh.

Do đòi hỏi của phong trào cách mạng, ngày 30/6/1945, tại đình Hiền Lương, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Đây là sự kiện lịch sử rất trọng đại và nổi bật trong đời sống chính trị của nhân dân tỉnh ta nửa đầu thế kỷ 20, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Yên Bái.

Ngay sau khi được thành lập, Ban cán sự Đảng đã đề ra 3 chủ trương để tập trung lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh; trên cơ sở phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống anh dũng, sáng tạo, tập hợp đoàn kết nhân dân các dân tộc, Ban cán sự Đảng đã lãnh đạo nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành khởi nghĩa giải phóng các châu Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái. Yên Bái vinh dự, tự hào là một trong những địa phương giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất.

Ngày 19/8/1945, trước sức mạnh áp đảo cả về chính trị và quân sự, quân Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Ngày 22/8/1945, tại vườn hoa Nhà kèn (Sân vận động thành phố Yên Bái ngày nay), Ban cán sự Đảng đã tổ chức cuộc mít tinh, ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái trước sự chứng kiến và niềm vui hân hoan, phấn khởi của gần một vạn quần chúng nhân dân.

Tháng 9 năm 1945, Trung ương thông báo quyết định giải thể Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ, thành lập Tỉnh ủy Yên Bái. Đồng chí Ngô Minh Loan tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và kiêm thêm nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng phong trào cách mạng tỉnh Lào Cai.

Sau thắng lợi cùa cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng Yên Bái mới được thành lập đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách với “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm.

Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hô Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc Yên Bái đã đoàn kết, dũng cảm, mưu trí bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, củng cố lực lượng vũ trang, tránh được sự xung đột với quân Tưởng, cô lập bọn phản động Việt Quốc, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi chúng quay trở lại xâm lược nước ta.

Từ năm 1947, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, chúng đã thôn tính 2/3 diện tích tỉnh ta. Tỉnh Yên Bái đã thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” kết hợp vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng hậu phương. Quân và dân Yên Bái đã đóng góp sức người, sức của và phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều chiến dịch như Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951). Đặc biệt, trong chiến dịch Tây Bắc (1952) đã đập tan hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái.

Ngay sau khi được giải phóng, toàn tỉnh lại dồn sức vào thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là mở con đường huyết mạnh nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc với 188 km đường và huy động sức người, của cải của toàn dân, góp phần to lớn cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hoà bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Yên Bái bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đã tạo ra những biến đổi quan trọng trong đời sống xã hội của tỉnh.

Trong khí thế toàn dân thi đua khôi phục kinh tế - xã hội, một niềm vui lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái, ngày 25/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn của Đảng và Chính phủ về thăm Yên Bái. Đây là vinh dự to lớn, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc Yên Bái. Những lời căn dặn của Bác đã động viên, thôi thúc toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong tỉnh thi đua phấn đấu vượt lên khó khăn, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác: Xây dựng đời sống văn hoá mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và không ngừng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thiết lập quan hệ sản xuất mới, tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội mà tiêu biểu là công trình xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành thuỷ điện Việt Nam. Để xây dựng công trình thuỷ điện Thác Bà, tỉnh phải di dời hàng vạn hộ dân ra khỏi vùng lòng hồ, việc di dân xây dựng nhà máy đã diễn ra nhanh, gọn, thành công và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đây đã trở thành một kinh nghiệm tốt cho cả nước và có ý nghĩa chính trị, kinh tế, quốc phòng to lớn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng.

Tiếp nối truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc Yên Bái đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ cùng cả nước hành quân chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân Yên Bái vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Hàng vạn thanh niên các dân tộc đã xung phong lên đường đánh giặc; hàng ngàn người con thân yêu của quê hương Yên Bái đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quôc, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc vào mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới, quân và dân Yên Bái - Hoàng Liên Sơn trực tiếp chiến đấu dũng cảm, lần lượt làm thất bại các âm mưu phá hoại, xâm lược, gây mất ổn định của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.

Bước vào công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, vừa phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, huy động mọi nguồn lực, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.

Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1991), mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Ghi nhận công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chống kẻ thù xâm lược và trong sự nghiệp đổi mới của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái; Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quí "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" và Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Yên Bái, 245 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng"; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", "Anh hùng Lao động" và hàng ngàn tập thể, cá nhân được nhận huân, huy chương và nhiều phần thưởng cao quí khác vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ động viên, khích lệ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Nhìn lại lịch sử cách đây 70 năm, dù phải trải qua nhiều biến cố thăng trầm, khó khăn, thách thức; đi lên từ hoang tàn đổ nát chiến tranh, từ nghèo nàn, lạc hậu, tối tăm, "lầm than, cực khổ", tưởng chừng như không có đường ra. Đến nay, sau 85 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo, 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã bước sang một trang sử mới, thời kỳ phát triển mới: Hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập và phát triên.

Trong 5 năm gần đây (2010 - 2015) Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, chủ động, sáng tạo vươn lên đạt nhiều thành tựu quan trọng khá toàn diện. Hầu hết các chỉ tiêu Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đề ra đều đạt và vượt mục tiêu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá (trung bình 11%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 25 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,1%. Sản xuât nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đã giành kết quả khá toàn diện, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, quy mô sản xuất hàng hoá được mở rộng, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, một số dự án đầu tư nhà máy thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản đã hoàn thành đi vào sản xuất có hiệu quả, góp phần tăng thêm năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp cho ngân sách, đã thu hút được 04 dự án đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu, góp phần giải quyết một lượng lớn lao động tại địa phương. Hoạt động thương mại - dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá cao, chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng trong sản xuất và tiêu dùng. Trong quá trình phát triển tỉnh đã khơi dậy và thu hút được nhiều nguồn lực cho đầu tư; hệ thống kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được phát triên, cùng với Trung ương đã hoàn thành tuyến đường cao tốc Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai, mở ra một lợi thế lớn cho sự phát triển của tỉnh trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và kết nối ASEAN; quan tâm chỉ đạo phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, tạo lập mối liên kết ngang giữa huyện với huyện, giữa xã với xã, đặc biệt với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm những năm qua tỉnh đã mở mới hàng ngàn km đường đất và bê tông hóa gần 500 km đường giao thông nông thôn; đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các thị trấn, bộ mặt từ thành thị đến nông thôn đã có nhiều đổi thay và không ngừng phát triển, tiến bộ.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá, xã hội cũng có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Chất lượng giáo dục đào tạo tiếp tục được nâng lên, đặc biệt là chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục dân tộc có bước tiến bộ lớn. Cơ sở vật chất trường lớp và các chính sách hỗ trợ cho giáo viên, học sinh được quan tâm đầu tư. Chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh được nâng lên; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ trẻ em đạt kết quả tích cực. Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; quan tâm cham lo đơi sông văn hóa, tinh thân cho nhân dân. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, thông tin, truyền thông từ tỉnh đến cơ sở có bước phát triển, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên. Chăm lo giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội, người có công; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững và ổn định, quốc phòng được củng cố, tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

70 năm trước đây, từ chi bộ đảng đầu tiên với 3 đảng viên. Đến nay, hệ thống tổ chức đảng của tỉnh Yên Bái được xây dựng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đảng bộ tỉnh có 13 Đảng bộ trực thuộc, 583 chi, đảng bộ cơ sở với 3.246 chi bộ trực thuộc và trên 49.000 đảng viên; 100% thôn, bản, tổ dân phố đã có chi bộ.

Trong quá xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng. Đảng bộ đã luôn tự đỏi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dụng Đảng hiện nay”. Luôn quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực và trình độ công tác. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; công tác vận động quần chúng của Đảng. Xây dựng hệ thống chính quyên các câp từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh. Phát huy vai trò đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và phát triển tỉnh Yên Bái. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt.

Thưa các quý vị đại biểu và các đồng chí!

Những thành tựu to lớn mà tỉnh Yên Bái đạt được như ngày nay những truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã xây đắp được suốt 70 năm qua là kết tinh trí tuệ, tâm huyết, sức lực bản lĩnh của các thế hệ cán bộ, đảng viên và các thế hệ nối tiếp thế hệ những người dân trên quê hương Yên Bái chúng ta. Đặc biệt là sự cống hiến to lớn của hàng ngàn cán bộ, đảng viên ưu tú và hàng vạn người con của quê hương Yên Bái dù khó khăn, gian khổ vẫn một lòng, một dạ sắt son với Đảng, kiên định tuyệt đối, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, của quê hương, đất nước, không quản ngại hy sinh, gian khổ, đem hết sức lực, trí tuệ, cả mồ hôi nước mắt và xương máu hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của quê hương Yên Bái anh hùng. Góp phần viết nên những trang sử hào hùng của Đảng, của dân tộc, của Đảng bộ tỉnh Yên Bái chúng ta.

Ôn lại chặng đường cách mạng đã qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái có quyền tự hào về những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cùng với truyền thống qua hàng ngàn năm lịch sử của cả dân tộc, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã xây dựng và hun đúc nên những truyền thống tốt đẹp đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc; tình đoàn kết dân tộc; đức tính cần cù sáng tạo, yêu lao động; đây là những giá trị tinh thần bền vững mà Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã dày công xây đắp, kế thừa và phát huy cao độ trong chặng đường 70 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành. Trải qua quá trình lịch sử và cách mạng, Đảng bộ, nhân dân tinh Yên Bái đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu.

Một là, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời luôn nhạy bén, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách là nhân tố quan trọng đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng.

Hai là, phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết toàn dân, khai thác có hiệu quả sức mạnh vật chất và những giá trị tinh thần, truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái; đồng thời quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm vững tình hình thực tiễn địa phương, đề ra chủ trương, nghị quyết đúng đắn, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ cách mạng.

Ba là, phát huy ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá; phát huy lợi thế gắn với thị trường là yếu tố quan trọng để đưa nhân dân Yên Bái thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên đổi mới và phát triển.

Bốn là, không ngừng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch,vững mạnh; nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyên; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Năm là, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đảm bảo quốc phòng, an ninh; làm tốt công tác đối ngoại và tích cực chủ động hội nhập quốc tế.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn có những biến đổi sâu sắc, khó lường, tác động trực tiếp đến nước ta vừa tạo ra những thuận lợi, cơ hội mới, vừa làm nảy sinh những khó khăn, thử thách mới; Đối với tỉnh ta, trong những năm qua thực hiện đường lối đổi mới đã đạt những thành tựu quan trọng và toàn diện nhưng Yên Bái vẫn là một tỉnh nghèo với nhiều khó khăn, thách thức mà Đảng bộ phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để vượt qua trong thời gian tới, đó là: thu nhập bình quân đầu người còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn. Nền kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm; hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Chất lượng một số lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, dân số, văn hóa - xã hội còn hạn chế. An ninh, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn yếu. Đến nay Yên Bái vẫn nằm trong nhóm những tỉnh có trình độ kinh tế - xã hội phát triển thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh ta là rất lớn, chúng ta phải tập trung phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 và Đại hội đại biêu toàn quôc lân thứ 12 của Đảng; tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo, với những nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chú trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đạt mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP. Tạo bước đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triên kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Tiếp tục quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư một cách có hiệu quả, đồng bộ và có chiến lược lâu dài nhằm tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế đảm bảo chất lượng và hiệu quả bền vững, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Thứ hai, phát triển văn hoá - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa 11) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực; không ngừng nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực một cách thiết thực, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, làm tốt công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ và chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Quan tâm chăm lo phát triển mạnh mẽ và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” để nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, làm phong phú hơn đời sống tinh thần cho nhân dân. Chăm lo giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chăm lo các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh, toàn diện. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; xây dựng xã, phường, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển.

Thứ tư, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên. Xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; tăng cường năng lực tổ chức thực hiện, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết, ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xác định đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tích cực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; coi trọng đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập họp quần chúng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Triển khai có hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Kính thưa các đồng chí!

Kính thưa các quý vị đại biểu !

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào với truyền thống của quê hương Yên Bái; cùng ghi nhớ công lao to lớn, những đóng góp máu xương của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ, đồng bào, đồng chí, các thế hệ người dân Yên Bái trong suốt chặng đường cách mạng đã đi qua; chúng ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái kêu gọi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc của quê hương Yên Bái trong và ngoài tỉnh tiếp tục tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua yêu nước, phát huy ý chí tự lực, tự cường và truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, đất nước, phát huy mọi nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, học tập và công tác, quyết tâm giành thắng lợi to lớn hơn nữa, đưa Yên Bái phát triển toàn diện, vững chắc, cùng cả nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam muôn năm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Xin trân trọng cảm ơn.

Phạm Duy Cường  - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái


* Tiêu đề bài phát biểu do Ban biên tập đặt.

1657 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h