Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Cần có cơ chế thông thoáng tiếp cận nguồn vốn

26/07/2015 08:43:36 Xem cỡ chữ Google
Với sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nông thôn ở huyện Yên Bình luôn đóng một vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của các địa phương. Tuy nhiên, để lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình đang là khó khăn lớn với nhiều ĐVTN. Cần có những cơ chế thông thoáng để họ có thể tiếp cận được với nguồn vốn.

Bước đầu thành công với mô hình nuôi lợn rừng nhưng Nguyễn Văn Thiệp - Bí thư Chi đoàn thôn Đồng Bội, xã Vũ Linh vẫn còn nhiều dự định cần có nguồn vốn lớn.

Khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Là ĐVTN thiểu số điển hình trong phong trào lập thân lập nghiệp, anh Hoàng Trọng Hợp, dân tộc Tày, sinh năm 1980 hiện là chủ nhân của mô hình kinh tế tổng hợp được đánh giá là tiêu biểu và hiệu quả nhất của tuổi trẻ Xuân Long, xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình. Sinh ra trong gia đình có tới 10 anh, chị em, anh đã năng động, dám nghĩ dám làm để vươn lên trong cuộc sống. Nghe, xem, đi học hỏi nhiều nơi rồi quyết chí làm, ban đầu chỉ là thu gom con giống ba ba trong tự nhiên mà người dân địa phương bắt được về nuôi trong gần chục mét vuông ao nhỏ trước cửa nhà, đến nay, anh đã phát triển được 3 ao nuôi ba ba với số lượng hàng trăm con, trong đó có gần 10 cặp ba ba gai sinh sản, trở thành cơ sở uy tín cung cấp ba ba giống cho nhân dân trong và ngoài xã.

Làm kinh tế từ năm 2006, đến nay, mô hình của Hoàng Trọng Hợp đã và đang phát huy hiệu quả. Trừ chi phí mỗi năm, nguồn thu từ chăn nuôi đem lại cho đôi vợ chồng này từ 40 - 60 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, với mong muốn mở rộng quy mô chăn nuôi, anh tính toán, ít nhất cũng cần phải vay thêm được 200 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi. Song việc tiếp cận nguồn vốn đối với ĐVTN rất khó khăn nên mô hình kinh tế của Hoàng Trọng Hợp cũng chỉ dừng lại ở đó.

Cũng giống như Hoàng Trọng Hợp, đoàn viên Đỗ Việt Hoàng ở thôn Khe Hùm, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình chọn cho mình mô hình nuôi lợn thịt để lập nghiệp trên chính mảnh đất quê nhà. Làm đủ nghề, lang thang tứ xứ, Hoàng từng hết đi bãi đá lại về buôn gỗ nhưng cũng chẳng nghề nào trụ vững. Có đồi đất bố mẹ cho rộng rãi, phù hợp phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, Hoàng nghĩ là làm. Song để có tiền đầu tư làm trang trại, Hoàng đã phải thế chấp cả sổ đỏ ngôi nhà, dồn hết vốn liếng gần 300 triệu đồng để san tạo mặt bằng, xây dựng chuồng trại.

Sau hơn 3 năm kiến tạo, đến nay, trang trại chăn nuôi của anh đã hoàn thiện và khép kín với hơn 80 đầu lợn thịt được chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp cho sản phẩm sạch. Với quy mô hiện nay, bước đầu, Hoàng đầu tư nuôi 10 lợn nái để chủ động nguồn con giống phục vụ chăn nuôi. Đặc biệt, từng bước tạo dựng một thương hiệu riêng, thương hiệu “lợn sạch”, anh đã tìm mua được một lợn đực theo giống lợn rừng để lai tạo với đàn lợn nái thuần chủng đồng thời, đầu tư hệ thống rào lưới B40 quây khu trang trại nuôi thả trên diện tích đồi rừng của gia đình. Hoàng cho hay, anh đang gây nái, chọn giống lợn đen nuôi theo tiêu chuẩn “lợn sạch”.

 Về lâu dài, anh mong tạo dựng được một thương hiệu lợn sạch riêng mang tên mình. Tuy nhiên, để có đồng vốn quay vòng thì mong ước lớn nhất của Hoàng là được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi bởi chăn nuôi nhiều khi cũng không thể nói mạnh. Nếu gặp dịch bệnh, rủi ro và giá cả thấp thì coi như vốn liếng mất hết. Nếu vay nguồn vốn kinh doanh thì lãi cao, trong khi chăn nuôi cũng cần phải có khoảng thời gian nhất định mới có thu nhập. Mong ước là vậy nhưng hơn 3 năm làm kinh tế gia đình, Hoàng vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nào từ tổ chức Đoàn thanh niên.

Anh Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư Chi đoàn thôn Đồng Bội, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình đến với con đường phát triển mô hình chăn nuôi lợn rừng cũng đầy chông gai. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi nên bước đầu khởi nghiệp đã khiến anh tay trắng lại hoàn tay trắng. Không dừng lại ở đó, quyết chí làm giàu, tham quan học hỏi kinh nghiệm, cách làm từ mô hình nuôi lợn rừng của người chú rồi mày mò tìm hiểu thông tin, kinh nghiệm từ những người đã nuôi chia sẻ trên mạng Internet, Thiệp tìm về trại giống Hưng Yên, nhập cặp giống bố mẹ là loại lợn rừng Thái Lan. Anh quây khu vườn đồi để chăn thả theo cách thức tự nhiên. Những lứa lợn đầu tiên của năm 2009 nuôi thành công đã tiếp thêm nghị lực cho anh.

Hiện nay, đàn lợn của gia đình Thiệp đã tăng lên gần 100 con. Tới đây, anh sẽ thay đổi một số con giống, tìm hiểu để cho lai tạo giữa giống lợn rừng Việt Nam với lợn rừng Thái Lan đồng thời, khảo sát nhu cầu để mở rộng thị trường tiêu thụ lợn thương phẩm đến địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn và giá lại cao hơn tiêu thụ nội tỉnh. Tuy nhiên, để làm được vấn đề này thì nhu cầu về vốn vay không nhỏ trong khi tiềm lực gia đình hạn hẹp. Tất cả vốn liếng, sổ đỏ, anh đã thế chấp hết để đầu tư vào mô hình này từ trước.

Với chàng trai trẻ Nguyễn Mạnh Cường, thôn 6, xã Văn Lãng cũng vậy. Đến với nghề chăn nuôi và cũng đã từng phải trả giá cho những thất bại buổi đầu tới vài chục triệu đồng nhưng Cường không buông xuôi. Ước mơ lập nghiệp và làm giàu trên đất quê hương vẫn luôn nung nấu, khát khao trong lòng chàng thanh niên trẻ này. Xin cha mẹ thế chấp sổ đỏ đất nhà để vay ngân hàng 100 triệu đồng làm vốn đầu tư con giống, củng cố lại hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, lợn; đọc, học kiến thức kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn qua sách báo; học hỏi kinh nghiệm qua những chủ trang trại chăn nuôi lớn trong vùng; tuân thủ nghiêm ngặt chu kỳ tiêm phòng dịch, vệ sinh phòng bệnh cho đàn gà, bước đầu, Cường đã thành công. Tuy nhiên, ước mơ chăn nuôi quy mô lớn với khoảng 1.000 con gà thịt và 100 con lợn thịt mỗi lứa cũng sẽ khó thành công khi trở ngại lớn nhất của anh là thiếu vốn.

Mô hình nuôi gà của đoàn viên thanh niên Nguyễn Mạnh Cường, thôn 6 xã Văn Lãng.

Cần cơ chế thông thoáng

Huyện Yên Bình có trên 10.000 ĐVTN với 26 chi đoàn cơ sở xã,  thị trấn, trong đó 7 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện chương trình cho vay vốn đối với ĐVTN về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua, Huyện đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện; tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương tạo cơ chế thông thoáng để ĐVTN có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Tuy nhiên, thực tế, những ĐVTN có nhu cầu vốn lại rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi bởi các thủ tục vay vốn rất khó khăn. Nếu là những hộ ĐVTN nghèo, cận nghèo chỉ được vay mức tối đa 20 triệu đồng, còn vay mô hình trang trại từ 200 - 300 triệu đồng thì phải có tài sản thế chấp chính chủ, có giấy phép kinh doanh, có mô hình kinh tế trang trại quy mô đủ lớn, người vay phải chứng minh được hiệu quả của các mô hình sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, đa số ĐVTN còn phụ thuộc vào gia đình; một số trường hợp tách hộ khẩu ra ở riêng, tiềm lực kinh tế chưa có nên không thể có tài sản để thế chấp… Rất nhiều lý do mà ngân hàng yêu cầu nên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có ĐVTN tiếp cận được nguồn vốn này. Mặc dù trên thực tế, Huyện đoàn đang quản lý trên 22 tỷ đồng tại 26 tổ vay vốn của 26 xã, thị trấn song tỷ lệ ĐVTN được vay vốn chưa đầy 30%, chủ yếu cũng chỉ là vay của hộ ĐVTN nghèo và cận nghèo, vốn học sinh, sinh viên và cũng chỉ có 11/26 xã, thị trấn với 400 lượt hộ ĐVTN được vay ở mức 20 triệu đồng cho một hộ ĐVTN.

Anh Lương Anh Tuấn - Phó bí thư Huyện đoàn Yên Bình cho biết: “Thực tế nghe số tiền quản lý thì lớn nhưng thực chất là tổ chức Đoàn thanh niên tham gia quản lý cùng với hội phụ nữ, hội nông dân và hội cựu chiến binh, còn riêng vốn cho thanh niên quản lý không có. Cũng phải nhìn nhận một thực tế là cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tin tưởng và mạnh dạn giao trọng trách cho ĐVTN. Thiếu vốn nên phần lớn các bạn trẻ hiện nay có xu hướng đi làm ăn xa, lập thân lập nghiệp xa quê; nhiều bạn trẻ khát khao lập thân lập nghiệp tại quê hương nhưng không thể thực hiện được hoặc là khó thành công bởi thiếu vốn”.

Chính bởi vậy mà tỷ lệ ĐVTN nghèo toàn huyện vẫn chiếm tới trên 40%. Vì lẽ đó rất cần có những nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, tổ chức Đoàn cấp trên giúp ĐVTN phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp, kéo dài thời hạn vay vốn; kết hợp hiệu quả giữa chuyển giao công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và vay vốn; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình sử dụng vốn vay tích cực; tăng cường lồng ghép giữa giải quyết việc làm thanh niên nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để các bạn trẻ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học tập, trao đổi kiến thức giúp nhau làm giàu, khẳng định sức trẻ, xây dựng quê hương.

 

1528 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h