Chiều 30/7, đồng chí Cao Đức Phát - Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng chống thiên tai chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác
ứng phó với mưa lũ. Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì
Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung
ương về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc
Bộ, từ ngày 26 đến 30/7, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa vừa, mưa to,
có nơi mưa rất to. Mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở đất và gây thiệt hại nghiêm trọng
về người và tài sản tại tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo, mưa lũ tại Quảng Ninh đã làm
17 người chết, 8 người bị thương; 19 nhà sập, đổ, 3.700 nhà bị ngập; 1.065 ha
lúa, hoa màu, 433,3 ha và 880 lồng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 33.600
m3 đất đá sạt lở và nhiều điểm trên các tuyến đường giao thông bị ngập
lụt. Tổng kinh phí thiệt hại ước tính trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ảnh
hưởng của gió mạnh, sóng lớn trên biển đã gây 3 vụ chìm tàu làm 7 lao động mất
tích. Hiện địa phương, lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng vẫn đang tiếp tục phối
hợp tổ chức tìm kiếm người mất tích.
Biểu đồ diễn biến thời tiết khu vực
miền Bắc từ ngày 1 đến 4/8.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy
văn Trung ương, từ ngày 1- 4/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa
vừa, mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to (phổ biến 100-300mm cả đợt, cục
bộ có nơi lớn hơn 400mm). Khu vực mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đông Bắc trong
các ngày 30-31/7, sau đó có khả năng mở rộng thêm ra các tỉnh vùng núi Việt Bắc
và Tây Bắc từ 1/8. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh
vùng núi phía Bắc (đặc biệt là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc
Giang, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven
sông suối, ngập lụt ở đô thị Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam
Định.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Cao
Đức Phát đề nghị các địa phương triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng
chống thiên tai. Các địa phương chịu ảnh hưởng trong đợt mưa bão vừa qua và đặc
biệt là tỉnh Quảng Ninh cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu
quả, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống.
Để đối phó với các diễn biến tiếp theo của
mưa lũ, các địa phương cần theo dõi sát sao thông tin cảnh báo về mưa lũ
đến từng hộ dân; chỉ đạo các huyện, xã kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ
ống lũ quét; bằng mọi biện pháp và kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi vùng
nguy hiểm; tăng cường công tác kiểm tra hồ, đập chứa nước có mức độ nguy hiểm
cao, cần bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành mực nước, đặc
biệt đối với các hồ đã đầy nước, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử
lý khi có tình huống xảy ra; kiểm tra hiện trạng hệ thống đê điều và công trình
phòng lũ, sẵn sàng phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê theo cấp báo
động; tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương
tiện sẵn sàng xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu; các tỉnh có tàu, thuyền
hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ thường xuyên thông tin đến các phương tiện hoạt động
trên biển để chủ động phòng tránh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ,
cứu nạn khi có yêu cầu. Các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ và thường
xuyên giữ liên lạc với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sẵn
sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra…
(Theo Báo Yên Bái)