Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Góp phần nâng cao dân trí

10/08/2015 17:14:04 Xem cỡ chữ Google
Phát triển quy mô màng lưới trường học, nhiệm kỳ 2005 - 2010, toàn huyện có 33 trường, đến nhiệm kỳ 2010 - 2015 có 36 trường trực thuộc, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Nhiệm kỳ 2005 - 2010, toàn ngành có 528 lớp với 11.467 học sinh.

Mô hình trường PTDTBT giúp học sinh có điều kiện học tập, ăn ở tốt hơn. Trong ảnh: Bữa trưa của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Khao Mang.

Đến nhiệm kỳ 2010 - 2015 toàn ngành thực hiện 592 lớp công lập, 15.339 học sinh; huy động nhóm trẻ gia đình 2 nhóm lớp, 30 học sinh; tăng 64 lớp, 3.827 học sinh so với đầu nhiệm kỳ, đạt 100% so với mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XVII đề ra.

Những ngày này, như ở bất kì địa phương nào, thầy và trò huyện vùng cao Mù Cang Chải cũng đang trong niềm vui tựu trường. Và niềm vui của thầy cô ở đây giản đơn từ việc được thấy đầy đủ học sinh của mình trở lại trường lớp cũng như đón chào đông đảo những học sinh mới. Cô giáo Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Khao Mang chia sẻ: “Nhìn các em học sinh đến và trở lại trường đông đủ mỗi năm học mới là niềm hạnh phúc của chúng tôi. Chính mô hình trường PTDTBT là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi có được niềm vui đó”.

Như cô Hòa cho biết, nhà trường chuyển sang mô hình trường PTDTBT từ năm 2011. Trước đó, số lượng học sinh nhà trường có gần 500 em. Đến năm học 2014 - 2015, nhà trường có trên 1.000 học sinh, trong đó gần 600 học sinh bán trú và năm học mới này trường có trên 600 học sinh bán trú.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó bí thư Chi bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mù Cang Chải cho biết: Mô hình trường PTDTBT là giải pháp quan trọng hàng đầu tạo động lực để huy động tối đa các em trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Vì thế, Chi bộ Phòng GD&ĐT huyện đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi quy mô mạng lưới trường PTDTBT theo Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh Yên Bái về xây dựng trường PTDTBT giai đoạn 2010 - 2015.

Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 17 trường phổ thông sang mô hình trường PTDTBT. Ở môi trường bán trú, học sinh có chỗ ở, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn uống tốt hơn so với ở nhà. Nhờ đó mà sức khỏe các em được nâng lên, đảm bảo cho sự phát triển về thể lực và trí lực để học tập.

Qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, học sinh bán trú được hòa nhập với bạn bè, tham gia hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh và nâng cao cả kỹ năng sống. Thực tế cho thấy, mô hình trường PTDTBT là hết sức phù hợp ở một địa phương với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế kém phát triển, đời sống còn khó khăn, địa bàn rộng, giao thông cách trở… như Mù Cang Chải.

Ông Hoàng Văn Đồng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện khẳng định: "Nhờ có mô hình trường PTDTBT mà tỷ lệ huy động học sinh tăng, tỷ lệ chuyên cần cao, tỷ lệ học sinh bỏ học, lưu ban giảm đáng kể; ổn định số lượng học sinh; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh và củng cố, duy trì công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS của huyện". Nếu như năm học 2010 - 2011 toàn huyện có 8.874 học sinh, trong đó có 1.870 học sinh bán trú thì đến năm học 2014 - 2015 có tổng số 11.209 học sinh, trong đó có 4.846 học sinh bán trú.

Chuyển đổi trường phổ thông sang mô hình trường PTDTBT là một trong 3 chỉ tiêu phát sinh nhưng đã được hoàn thành tốt trong nhiệm kỳ qua của Chi bộ Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải cùng với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ chính trị khác. Từ các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010 - 2015, Chi bộ đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ. Những kết quả nổi bật thể hiện trên các lĩnh vực từ phát triển quy mô trường, lớp, số lượng học sinh đến chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ nhà giáo, hiệu quả quản lý giáo dục.

Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, Chi bộ đã tích cực tham mưu duy trì giữ vững kết quả chống mù chữ, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đúng độ tuổi. Đến năm 2015, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn huyện. Khắc phục tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, phương châm "Dạy thực chất, thi thực chất" được ngành giáo dục thực hiện xuyên suốt trong nhiệm kỳ bằng giải pháp cam kết chất lượng giữa hiệu trưởng nhà trường với Trưởng phòng GD&ĐT huyện, giữa các giáo viên với hiệu trưởng nhà trường.

Giải pháp này đã tác động mạnh mẽ tới chuyển biến về chất lượng giáo dục ở các đơn vị. Tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 28,1%, tăng 3,1% so với mục tiêu Nghị quyết; yếu kém giảm còn 1,3%. Tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp hàng năm đạt từ 98 đến 100%, tăng 3% so với mục tiêu Nghị quyết. Hiệu quả quản lý giáo dục, chất lượng đội ngũ nhà giáo đã được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

5 năm qua, sự nghiệp giáo dục của huyện đã không ngừng phát triển, không những làm thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao về giáo dục đào tạo mà còn đóng góp trực tiếp vào công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trên địa bàn huyện. 

1489 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h