Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Chính trị

Di tích Đồi dân quân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

02/08/2019 16:27:45 Xem cỡ chữ Google
Ngày 23/9/2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1554/QĐ-UBND công nhận Đồi dân quân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Du khách tham quan phòng truyền thống xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, nơi ghi dấu trận đánh Đồi dân quân

1. Tên gọi Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa Đồi dân quân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích

Quyết định số 1554/QĐ-UBND ngày 23/9/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận Đồi dân quân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm và đường đến Di tích

Đồi dân quân được xây dựng trên đồi Quả Bứa có độ cao 150m, thuộc địa phận thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đồi dân quân cách trung tâm xã Cát Thịnh 5km về hướng Tây, cách huyện Văn Chấn 25km về hướng Đông Nam, cách thành phố Yên Bái 55km về hướng Tây. Để tới Di tích du khách từ thành phố Yên Bái theo Quốc lộ 37 đến trung tâm xã Cát Thịnh rẽ phải theo Quốc lộ 32 khoảng 5km là tới Di tích.

5. Sơ lược lịch sử Di tích

Đồi dân quân là di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa quan trọng, ghi lại chiến tích lịch sử đấu tranh anh dũng của quân và dân xã Cát Thịnh Anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Di tích Đồi dân quân gồm có hệ thống trận địa chính và trận địa phụ ở giữa, bao bọc xung quanh là một hệ thống công sự, giao thông hào, hầm trú ẩn.

Đầu năm 1965, ở miền Nam chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị thất bại thảm hại. Ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tan rã từng mảng và đang trên đà suy sụp. Để cứu vãn tình thế, tổng thống Giônxơn và tập đoàn cầm quyền Mỹ quyết định đưa một bộ phận quân Mỹ vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và Hải quân ra miền Bắc, hòng “Đưa miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở về thời kỳ đồ đá”, nhằm làm lung lay ý chí, quyết tâm chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng của ta và ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Ngày 15/06/1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá Nghĩa Lộ, khu vực dọc tuyến Quốc lộ 32 đến thị xã Nghĩa Lộ là một trong những mục tiêu hủy diệt của đế quốc Mỹ, chỉ trong 2 giờ liên tục, đế quốc Mỹ điên cuồng trút bom đạn xuống trung tâm thị xã, các trường học, cầu đường (trong đó có khu vực thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh) gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bộ và Ủy ban hành chính 2 tỉnh Yên Bái và Nghĩa Lộ đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân, các lực lượng vũ trang chuyển mọi hoạt động của địa phương từ thời bình sang trạng thái thời chiến. Khẩn trương chuẩn bị các phương án đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đảng bộ tỉnh đã đề ra chủ trương “Phát động toàn dân tham gia phối hợp với  các đơn vị phòng không bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương đánh máy bay địch, thực hiện tốt phương châm phòng tránh đi đôi với tích cực đánh trả. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, kiên quyết  bảo vệ các mục tiêu quan trọng, bảo vệ hệ thống giao thông huyết mạch, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và cơ sở vật chất”.

Thực hiện chỉ thị của Huyện ủy, Đảng bộ và nhân dân xã Cát Thịnh đã tổ chức, và triển khai xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đủ mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Chính quyền xã Cát Thịnh lập kế hoạch đưa dân sơ tán, vận động nhân dân đào hầm hào, chuẩn bị lương thực thuốc men để bảo toàn lực lượng, vừa tham gia chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất. Từ chỗ làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần cảnh giác trong cán bộ Đảng viên và toàn dân, do vậy chỉ trong vòng một tháng đã có 151 người làm đơn tình nguyện tham gia vào 3 trung đội dân quân tự vệ của xã (Khe Dịa, Vực Tuần và Ba Khe), tổ chức thành lập các đài quan sát, báo động, tổ chức huấn luyện bắn máy bay địch bằng súng bộ binh ở hầu hết các thôn, bản trong toàn xã. Hình thành mạng lưới phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, rộng khắp, với khí thế sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ.

Hòa chung với khí thế thi đua của cả nước, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” với các phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, “Tay cày tay súng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền nam ruột thịt”… đã động viên đông đảo nhân dân xã Cát Thịnh sôi sục khí thế chuẩn bị chiến đấu.

Chiều ngày 31/5/1966, tổ dân quân Ba Khe, xã Cát Thịnh do ông Sa Văn Trường làm chủ nhiệm trong khi đang tiến hành họp kiểm kê tài sản tại nhà ông Trần Văn Lực, nghe tiếng máy bay địch đến đánh phá, tổ dân quân gồm các ông: Sa Văn Trường, Hoàng Hữu Nhu, Sa Văn Chấn, Sa Văn Phát và Hữu Ngọc Truyền, ngay lập tức triển khai phương án tác chiến.

Lợi dụng địa hình những dãy núi cao ở phía Tây, máy bay địch có khoảng 12 chiếc F105 và F4, cất cánh từ sân bay Thái Lan chia thành nhiều tốp, bay theo hướng từ huyện Mường Cơi, tỉnh Sơn La, đến không phận thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh hạ thấp độ cao, bổ nhào bắn phá. Với sự phán đoán và chọn đúng thời cơ khi máy bay địch hạ thấp độ cao bổ nhào bắn phá, các tay súng dân quân thôn Ba Khe đồng loạt nổ súng, cả khu vực thung lũng Ba Khe chìm ngập trong tiếng rú điên loạn của động cơ máy bay, tiếng bom nổ và tiếng nổ của đạn phòng không của quân ta, máy bay địch hoàn toàn bị lưới lửa phòng không bủa vây, bao bọc.

Tại trận địa, lực lượng dân quân tự vệ của ta chiến đấu dũng cảm, có đồng chí bị sức ép của bom địch bị vùi lấp trong đất đá, song vẫn kiên trì bám trận địa, sau một loạt đạn chính xác, chiếc máy bay F105 đi đầu trong đội hình của địch bị trúng đạn bốc cháy, tên phi công hoảng loạn nhẩy dù xuống thung lũng Suối Bu, máy bay rơi xuống khu vực xã Thạch Lương.

Trận đánh máy bay địch ngày 31/5/1966 của quân và dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã góp phần cổ vũ động viên tinh thần đánh Mỹ, niềm tin bắn rơi máy bay Mỹ lên cao. Đây là tiền đề rất quan trọng giúp cho Đảng bộ và nhân dân xã Cát Thịnh bồi dưỡng, nâng cao ý chí chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, kịp thời điều chỉnh lại thế trận, từ đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích phổ biến về công tác tổ chức chỉ huy và cách đánh máy bay địch.

Có thể nói, trận đánh máy bay địch, ngày 31/5/1966 của quân và dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn là một bài học quý báu giúp cho Đảng bộ, chính quyền địa phương phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và thế trận lòng dân. Từ đó đã động viên đông đảo nhân dân xã Cát Thịnh nói riêng, cả nước nói chung sôi sục khí thế chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Chiến tranh đã qua đi song những chiến công của quân và dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn trong những năm kháng chiến chống Mỹ còn đó và đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc. Di tích Đồi dân quân và những dấu tích để lại hiện không còn nhiều. Nhưng trận đánh máy bay địch, ngày 31/5/1966 là bằng chứng hào hùng về tinh thần quả cảm kiên cường, bám đất bám làng của quân và dân xã Cát Thịnh, là biểu hiện cho sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân.

Di tích Đồi Dân Quân, thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có giá trị đặc biệt trong việc giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, là địa chỉ về nguồn của lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau để có dịp ôn lại truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã quyết định công nhận Đồi dân quân, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4451 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h