Từ một xã nghèo, nay, Minh Xuân xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến trong sản xuất, đặc biệt trong chăn nuôi.
Người dân xã Minh Xuân sản xuất phân viên nén dúi sâu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tuy nằm cách trung tâm huyện chỉ chừng chục ki-lô-mét, không phải xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng xã Minh Xuân cũng không ít khó khăn do có xuất phát điểm thấp, đất đai không quá màu mỡ, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính....
Khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Minh Xuân là một xã nghèo của huyện Lục Yên. Song, với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, chung sức của của người dân trong XDNTM, Minh Xuân đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Những con đường liên thôn, liên xã trải bê tông bằng phẳng, rộng rãi, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, giao thương phát triển, hình thức sản xuất mới được hình thành và phát triển theo hướng liên kết, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên...
Những bản làng và cả những xứ đồng xơ xác thuở nào, nay khoác lên mình một màu áo mới, bản làng khang trang, cánh đồng lúa, ngô xanh tươi được đầu tư chăm sóc tốt và cung cấp đủ nước tưới thông qua hệ thống kênh mương đã được kiên cố hóa.
Khi bước vào XDNTM, Minh Xuân luôn xác định nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng. Do vậy, xã đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng các mô hình kinh tế có thể mạnh của địa phương.
Khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó chú trọng loại hình chăn nuôi tập trung, đến nay, toàn xã có 35 mô hình chăn nuôi gia cầm quy mô 300 con/lứa trở lên (trong đó, có 5 mô hình chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.000 con/lứa trở lên); 30 mô hình chăn nuôi lợn quy mô từ 20 - 100 con/lứa; 3 mô hình chăn nuôi trâu, bò bán công nghiệp và 5 mô hình chăn nuôi dê quy mô từ 15 con trở lên; các mô hình cho thu nhập ổn định từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Khuyến khích đầu tư mua sắm máy móc nông cụ, đưa sản xuất nông nghiệp thủ công tiếp cận nhanh hơn với sản xuất nông nghiệp hiện đại, toàn xã, hiện có 350 máy cày, bừa; 16 máy tuốt lúa và 2 máy gặt đập liên hoàn.
Từ nguồn vốn trực tiếp và nguồn vốn lồng ghép khác, giai đoạn 2011 - 2020, xã hỗ trợ xây dựng 65 mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp (các mô hình chăn nuôi hàng hóa, mô hình trình diễn lúa chất lượng cao, mô hình nuôi dê sinh sản; trâu sinh sản, mô hình trồng cây cam, bưởi da xanh).
Các mô hình được hỗ trợ đến nay vẫn tiếp tục duy trì và mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, xã tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn như: chế biến gỗ rừng trồng, khai thác vật liệu xây dựng, kinh doanh vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải, may mặc...
Đến nay, xã có 1 công ty sản xuất vật liệu xây dựng; 3 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm, thu nhập cho 70 - 100 lao động tại địa phương, 154 hộ sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thu hút mỗi năm từ 150 - 180 lao động có mức thu nhập ổn định từ 4 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Từ một xã nghèo, nay, Minh Xuân xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến trong sản xuất như: mô hình chăn nuôi vịt của hộ ông Hoàng Văn Dũng quy mô 2.000 con/lứa; mô hình chăn nuôi gà của hộ ông Phùng Văn Giao quy mô 1.500 con/lứa; mô hình chăn nuôi trâu, bò bán công nghiệp của hộ ông Hoàng Đức Hiển với quy mô 20 con… Với sự nỗ lực đó, số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá ngày càng tăng, thu nhập bình đạt 36,3 triệu đồng/người.
Cuộc sống no đủ đang dần hiện hữu trên quê hương Minh Xuân. Vui hơn cả là đã có sự thay đổi lớn trong sản xuất, các hình thức sản xuất liên doanh, liên kết theo hướng hàng hóa thị trường đã và đang là nền tảng cho Minh Xuân phát triển. Một tư duy mới, cách làm mới đang được người dân nơi đây đưa vào thực tiễn một cách hiệu quả.
1145 lượt xem
1