CTTĐT - Bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa hình chia cắt phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết cực đoan, hạ tầng kinh tế - xã hội phức tạp nhưng với sự cách làm sáng tạo, quyết liệt, khoa học, đến nay Yên Bái đã làm nên những kỳ tích trong xây dựng nông thôn mới. Đó là minh chứng cụ thể cho sự định hướng đúng đắn của các cấp ủy Đảng, sự sáng tạo trong cách làm của mỗi địa phương và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Bằng những cách làm riêng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương trong tỉnh, Yên Bái đã làm nên những kỳ tích trong xây dựng nông thôn mới
Đến Trấn Yên - huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái và của vùng Tây Bắc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chúng ta dễ dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn có sự đổi thay rõ rệt. Cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp. Hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. 100% các tuyến đường từ huyện đến xã, đường liên xã, liên thôn được kiên cố hóa; hơn 80% đường ngõ xóm được bê tông hóa; tất cả tuyến đường nội đồng, đường vào khu sản xuất được mở mới và nâng cấp. Hệ thống thủy lợi được đầu tư nâng cấp, đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai. 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia. Hệ thống chợ nông thôn được xây dựng đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân. Người dân thực sự phấn khởi trước diện mạo mới của nông thôn quê hương. Ông Nguyễn Hồng Quang - người dân xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên phấn khởi cho biết: “Những năm trước, xã Việt Hồng còn là xã đặc biệt khó khăn nhưng nhờ vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới mà quê tôi đã đổi thay từng ngày. Giao thông đi lại và buôn bán ngày càng thuận tiện. Ủy ban, trường học được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Tôi thật sự vui mừng trước những phát triển của quê hương”.
Cùng với phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội của huyện cũng có những bước phát triển rõ rệt. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có liên kết theo chuỗi giá trị như: vùng trồng tre măng Bát Độ hơn 3.500 ha; vùng trồng dâu nuôi tằm 600 ha; vùng trồng quế hơn 16.000 ha; vùng trồng cây ăn quả 750 ha. Toàn huyện có 700 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô từ 10.000 - 40.000 con/lứa… Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên 36,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,11%, không còn người dân ở nhà tạm, nhà dột nát. Ông Đặng Hồng Quân - xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên tâm sự: “Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp, nhiều chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả tích cực. Người dân Tân Đồng đã không còn đói nghèo, đời sống tinh thần ngày càng đủ đầy”.
Kinh nghiệm của huyện Trấn Yên trong xây dựng nông thôn mới là tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng dân cư phát huy tính chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Đối với những tiêu chí mà sự tham gia, vào cuộc của người dân là nhân tố quyết định như tiêu chí về hộ nghèo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, thu nhập..., huyện chủ động triển khai, vận động sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Việc triển khai và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững, tập trung các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất… được huyện Trấn Yên xác định chính là trọng tâm giải quyết các vấn đề khó khăn nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng cao, đó là nguồn vốn và việc hoàn thành tiêu chí nâng cao mức thu nhập của người dân. Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: một trong những kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Trấn Yên là đa dạng hóa và huy động được tối đa các nguồn lực để thực hiện chương trình; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư trên địa bàn; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát huy hiệu quả nguồn lực tại chỗ, huy động nội lực của người dân và điều kiện thực tế của địa phương để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất.
Cùng với huyện Trấn Yên, mỗi địa phương trong tỉnh cũng đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện chương trình bằng những cách làm riêng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, góp phần làm nên những kỳ tích trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái. Kết thúc năm 2020, tỉnh Yên Bái đã có 75/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50% số xã, trong đó có nhiều xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn; 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã được công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Trấn Yên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố Yên Bái được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Diện mạo của những vùng quê Yên Bái khang trang hơn với những con đường được kiên cố hóa ngày càng nhiều. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được trên 1.200km mặt đường bê tông xi măng, mở mới được trên 200km đường đất, xây dựng 1.483 công trình thoát nước; xây mới, nâng cấp 3.248 công trình thủy lợi vừa, nhỏ và công trình tạm; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn điện trên địa bàn tỉnh đạt trên 96%; xây mới, nâng cấp 18 khu xử lý rác thải; xây mới, sửa chữa 35 công trình cấp nước tập trung và 13.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 91%... Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới đã tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, chất lượng, giá trị, hiệu quả cao hơn. Đã sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Nông thôn mới cũng đã giúp người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ công, môi trường ngày càng được cải thiện. Quan trọng hơn cả là đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn, củng cố, đảm bảo chất lượng hoạt động hiệu quả, hiệu lực.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu mỗi năm có từ 10 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế đến hết 2025 có 125 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Yên Bình và huyện Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới); có 50 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 1,3 lần so với năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm 4%/năm; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế... tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tiếp tục phát triển tạo sự chuyển biến cơ bản trong nếp sống văn hóa ở các xã, thôn bản.
1083 lượt xem
Thu Nga