Thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã tập trung nguồn vốn, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (NTM). Mỗi địa phương ở huyện đều huy động nguồn lực phù hợp với thực tế.
Người dân xã Chế Cu Nha làm đường giao thông thôn, bản.
Cuối năm 2021, Trống Là, xã Hồ Bốn trở thành một trong những thôn, bản NTM đầu tiên của huyện Mù Cang Chải. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của người dân, những chủ thể của chương trình xây dựng NTM.
Bí thư Chi bộ Trống Là Lìm Văn Hòa phấn khởi: "Cuộc sống của bà con thôn mình đang khởi sắc, tất cả là từ NTM mới mà ra. Trước kia, bà con người Mông chưa hiểu được bản chất của xây dựng NTM nên họ đều trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, việc hiến đất, góp công, góp sức xây dựng đường giao thông là vô cùng khó khăn. Để bà con hiểu rõ hơn, huyện, xã đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của những người có uy tín trong thôn để vận động bà con làm theo".
"Khi tư tưởng đã thông, người dân đã trực tiếp tham gia xây dựng NTM. Nhà nào có tiền thì góp tiền; không có tiền thì góp ngày công, góp vật liệu; hiến đất, giải phóng mặt bằng làm đường giao thông… Trong quá trình xây dựng NTM, tuy còn nhiều khó khăn nhưng Trống Là đã huy động được trên 946 triệu đồng, trong đó vốn xã hội hóa được 659 triệu đồng, nhân dân đóng góp được trên 267 triệu đồng để kiến tạo nông thôn mới”, Bí thư Hòa nói thêm.
Ở Mù Cang Chải, mỗi địa phương đều huy động nguồn lực phù hợp với thực tế. Tại xã Chế Cu Nha, chính quyền xã cũng chỉ đạo các thôn, bản tập trung vận động nhân dân hiến đất, góp công bê tông hóa các đường giao thông nội bản.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hờ Thị Dê chia sẻ: "Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTM. Với phương châm "lấy dân làm chủ thể, lấy sức dân để xây dựng cuộc sống ấm no”, cùng với công tác tuyên truyền xã đã huy động được sức mạnh toàn dân, từ đó người dân tự nguyện hiến đất, tự di dời vật kiến trúc để xây dựng các công trình phúc lợi; trong đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông được xã ưu tiên hàng đầu.
Từ đầu năm 2021 đến nay, xã đã huy động nhân dân đóng góp trên 2.000 ngày công/năm; trên 50 hộ hiến 4.500 m2 đất mở rộng đường giao thông, nông thôn; vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân xã hội hóa bằng tiền mặt trên 1,8 tỷ đồng để bê tông 7,9 km đường trục chính vào trung tâm các bản; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ 260 tấn xi măng để bê tông hóa và 6,7 km đường loại 2 (đường liên thôn, liên khu dân cư).
Đến nay, 90% đường đi các bản và đường vào các nhóm hộ được bê tông hóa; 52% hộ gia đình có đường bê tông vào đến nhà; 50% khu sản xuất có đường bê tông. Đến nay, toàn xã có trên 70% km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đây là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”.
Theo thống kê, giai đoạn 2011-2021, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đạt 2.078 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương 667,9 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 610 tỷ đồng; vốn tín dụng 392 tỷ đồng và các nguồn vốn khác là 176 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Phượng - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ: "Với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn do địa hình chủ yếu là đồi núi, đất rộng, dân thưa… huyện Mù Cang Chải xác định để hoàn thành các tiêu chí NTM, nhu cầu về vốn là rất lớn. Ngay từ những ngày đầu, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm huy động các nguồn lực thực hiện chương trình.
Theo đó, huyện vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng NTM với các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn để tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình. Từ nguồn lực đầu tư, các xã trên địa bàn huyện đã mở mới 390,3 km; sửa chữa nâng cấp 217,3 km đường giao thông nông thôn; thực hiện kiên cố 119 công trình thủy lợi…
Đến cuối năm 2021, huyện Mù Cang Chải có 1 xã đạt 18 tiêu chí (Nậm Khắt), 3 xã đạt 10 tiêu chí (Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình), 2 xã đạt 9 tiêu chí (Cao Phạ, Chế Cu Nha); không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.
Mục tiêu của huyện Mù Cang Chải phấn đấu đến năm 2025 có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Để đạt mục tiêu này, các địa phương cần phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, huy động nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới.
Theo Báo Yên Bái
592 lượt xem