Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh Yên Bái đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, bền vững, toàn diện và có chiều sâu.
Lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Minh Quân.
Ngược dòng sông Hồng đến các xã NTM của huyện Trấn Yên như: Nga Quán, Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp, Quy Mông, Y Can, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo làng quê. Khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Trấn Yên có xuất phát điểm thấp, bình quân mỗi xã chỉ có 4 - 5 tiêu chí, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 30%...
Đến nay, Trấn Yên đã xây dựng được 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 73 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn Trấn Yên đã thay đổi căn bản, hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Với quan điểm xây dựng NTM không chỉ là nâng cấp về cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang, hiện đại mà hơn hết phải là phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện chỉ đạo mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết bền vững trong sản xuất như vùng tre măng Bát độ, vùng quế, vùng chè chất lượng cao, vùng trồng dâu, đặc biệt là vùng trồng cây ăn quả có múi trên 1.130 ha tại các xã phía Tây".
"Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với NTM tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025. Ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả các sản phẩm chủ lực. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Trấn Yên đạt 43,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,16%”. Bà Liệu nói.
Thành công trong công tác xây dựng NTM ở huyện Trấn Yên đã khơi dậy, tạo động lực đưa xây dựng NTM trở thành phong trào sôi nổi ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Tại huyện Văn Yên, qua gần 12 năm thực hiện, đến nay, có 15/24 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 21 thôn đạt chuẩn NTM và 10 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; số tiêu chí bình quân đạt 15,9 tiêu chí/xã.
Từ xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của huyện Văn Yên có bước chuyển mình rõ nét, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch tích cực và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các thành phần kinh tế, các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn phát triển mạnh, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Về xã vùng cao Châu Quế Thượng hôm nay, miền quê núi này có nhiều đổi thay với những con đường bê tông rộng rãi, cơ sở hạ tầng khang trang, những ngôi nhà cao tầng san sát…
Diện mạo nông thôn mới tại thôn Đồng Tâm, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên.
Bà Đinh Thị Châm - Trưởng thôn Đồng Tâm cho biết: "Từ năm 2020, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, cuộc sống của người dân thôn Đồng Tâm được nâng lên trông thấy, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm. Người dân ai nấy đều vui mừng phấn khởi bởi diện mạo của thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp”.
Thời điểm này, xã Châu Quế Thượng đang gấp rút hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích NTM theo đúng kế hoạch. Bà Đinh Thị Hồng Loan - Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng cho biết: "Để người dân hiểu rõ xây dựng NTM là nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân nên xã chú trọng công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị cấp xã, cấp thôn.
Từng đoàn thể trong xã được giao triển khai những công việc cụ thể và coi đó là nhiệm vụ chính trị, như: Hội Nông dân triển khai phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đẩy mạnh phong trào "5 không, 3 sạch”, giúp nhau làm kinh tế, vận động hội viên thu gom rác thải, cải tạo vườn tạp, trồng hoa ven đường; Đoàn Thanh niên xã đã phát huy được tính xung kích đi đầu trong bảo vệ an ninh, tham gia phát triển các mô hình kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư...”. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 13,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.
Ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Có thể nói, ngoài những thay đổi rất lớn về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn, đời sống và thu nhập của người dân được nâng lên, cái được lớn nhất trong xây dựng NTM đó là thay đổi nhận thức của người dân. Từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã chủ động tham gia, góp công, góp của để cùng Nhà nước chung sức xây dựng NTM. Bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi căn bản so với trước khi triển khai chương trình, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững”.
Tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có 88 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 58,67%; 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM; toàn tỉnh có 3 xã đạt từ 15-18 tiêu chí là; 26 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 33 xã đạt từ 6-9 tiêu chí.
Các ngành, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM. Trong phát triển sản xuất đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hộ. Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đã chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; chủ động triển khai các tiêu chí xây dựng NTM mà không cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như: môi trường, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, xây dựng thôn, bản văn hóa...
Thông qua xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân dần được cải thiện, an ninh chính trị được giữ vững; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp luôn thường xuyên, liên tục; nhận thức của người dân đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM tại địa phương.
Ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh cho biết: "Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chương trình NTM này gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Cùng với đó thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tỉnh tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu kỹ đến các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là Chương trình "chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”.
Từ đó, sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt thông qua chương trình, kế hoạch thật cụ thể, đề ra chỉ tiêu và mốc thời gian hoàn thành. Cùng với đó, phải tìm cách huy động mọi nguồn lực để triển khai chương trình, trong đó, việc phát huy nội lực trong chính người dân, địa phương là yếu tố then chốt dẫn tới thành công. Do đó, đây cũng là nhiệm vụ, giải pháp triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn trong năm 2022”.
Theo Báo Yên Bái
878 lượt xem