CTTĐT – Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia, sau 7 năm thực hiện chương trình, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Phong trào toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Văn Yên góp phần đẩy nhanh lộ trình xây dựng NTM tại các xã
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai chương trình toàn tỉnh chỉ có 02/157 xã đạt từ 10-15 tiêu chí, 17/157 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. Đến nay toàn tỉnh đã có 36/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 23% tổng số xã của tỉnh, vượt 44% mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra. Đồng thời để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã ban hành quy định về tiêu chí công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó rà soát, bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 là xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; xã Liễu Đô, huyện Lục Yên; xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn và xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Tại các xã này tỉnh sẽ tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa đặc trưng theo chuỗi giá trị, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Bên cạnh đó tỉnh cũng đã ban hành Đề án xây dựng huyện Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Trong giai đoạn 2011-2017, tỉnh Yên Bái đã huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhất là đã có sự tham gia đóng góp đáng kể của xã hội và nhân dân, từ đó đã kiên cố hóa được trên 700 km mặt đường bê tông xi măng và mở mới nền đường trên 1.180km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, nâng cấp, làm mới 707 công trình thủy lợi; đầu tư nâng cấp, mở rộng lưới điện của 119/157 xã xây dựng nông thôn mới. Sửa chữa, nâng cấp được trên 20 công trình chợ nông thôn; phủ sóng thông tin di động và có hạn tầng cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao đến các xã vùng sâu, vùng xa trong toàn tỉnh. 100% các xã có điểm phục vụ bưu chính, có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành. Hầu hết các xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến thôn, bản; đầu tư xây dựng gần 300 phòng học các cấp; xây dựng được 212 công trình văn hóa, 80 công trình thể thao, 1 trung tâm văn hóa du lịch cộng đồng; sửa chữa, nâng cấp gần 40 trạm y tế xã… Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gần 8.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước lồng ghép từ các chương trình là 5.600 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng 2.360 tỷ đồng, nguồn vốn của doanh nghiệp và các nguồn khác 378 tỷ đồng, nguồn nhân dân đóng góp trên 650 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động, sử dụng và lồng ghéo có hiệu quả các nguồn lực, trong đố ưu tiên nguồn lực phát triển sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người dân; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn; tăng các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách bằng các hình thức phù hợp.
1551 lượt xem
Ban Biên tập