Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp Yên Bái vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, thể hiện nổi bật ở nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh…
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Yên Bái có mặt tại các siêu thị lớn tại Hà Nội.
Từ sau đại dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình bất ổn ở một số nơi trên thế giới; giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao; biến đổi khí hậu; thiên tai dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ tác động trực tiếp đến sản xuất. Trong bối cánh đó, ngành đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, bám sát thực tiễn, phối hợp đồng bộ với các ngành, các cấp triển khai quyết liệt các giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật.
Trong đó, năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 5,29%; đứng trong TOP 10 toàn quốc và thứ 3 trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc; cơ cấu tổng sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Đây là mức tăng cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế của địa phương này và tăng trên 1,4 lần so với bình quân chung cả nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh. Một trong những điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp là chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản không ngừng được nâng cao.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 37 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; cấp 50 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực với diện tích trên 329 ha phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng nhận quế hữu cơ cho 19.309,6 ha rừng; đã đưa 4.857 lượt sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn với 9.992 đơn hàng giao dịch thành công...
Những sự thay đổi này, góp phần chuyển tiếp từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Việc chuẩn hóa nông sản để phục vụ xuất khẩu cũng được quan tâm khi đến nay đã có trên 23.096,2 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC; quế hữu cơ; cấp được 77 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; trong đó, 40 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 33 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa trên cây ăn quả có múi, chè, thanh long, lúa, rau cùng nhiều nông sản được áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cơ bản, VietGAP, GlobalGAP, Organic, góp phần nâng cao giá trị chất lượng cho sản phẩm nông sản…
Năm 2024 là năm ngành nông nghiệp tỉnh phải nỗ lực bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện đại, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3 huyện hoàn thành NTM nâng cao; đồng thời, phấn đấu ngành nông lâm, thủy sản tăng từ 3 - 3,5% so với năm 2023; giữ ổn định tỷ lệ che phủ cây xanh 52%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 84,5%...
Để thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình hành động 188 của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND, quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh để cụ thể hóa bằng kế hoạch cụ thể; xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành; phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,55%.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt và có hiệu quả chương trình xây dựng NTM; đặc biệt quan tâm đến phát triển các mô hình du lịch trong NTM; xây dựng mô hình thí điểm phát triển chuỗi sản phẩm OCOP xanh gắn với mục tiêu phát triển cộng đồng trong quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Cùng đó, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; đồng thời, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu tiềm năng nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Theo Báo Yên Bái
160 lượt xem