Trấn Yên là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống như: Người Mường, Tày, Dao, Mông... Toàn huyện có 21 xã, thị trấn thì có 12 xã được thụ hưởng các chính sách từ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Những năm qua, Huyện Trấn Yên đã lựa chọn cách làm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ cơ sở cấp thôn, bản. Huyện xác định xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cần phải thực chất, hiệu quả, đảm bảo tính bền vững, tạo động lực nâng cao chất lượng trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nội dung thành phần của Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với phương châm: “Chú trọng giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống của Nhân dân; xây dựng cộng đồng, khu dân cư nông thôn trở thành những miền quê đáng sống, lấy giữ gìn bản sắc văn hóa, sự hài lòng, hạnh phúc của người dân là mục tiêu hướng tới trong xây dựng nông thôn mới”.
Vùng trồng tre Bát Độ tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên đã trở thành điểm tham quan học tập kinh nghiệm
của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế: Huyện Trấn Yên đã đẩy mạnh đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh gắn với các chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm có giá trị, thương hiệu, sức cạnh tranh cao trên thị trường như: Vùng trồng tre Bát Độ đạt trên 4.200 ha, sản lượng măng thương phẩm đạt trên 33 nghìn tấn/năm, giá trị trên 200 tỷ đồng; vùng trồng dâu nuôi tằm gần 900 ha, sản lượng kén đạt 1.400 tấn, giá trị trên 250 tỷ đồng; vùng trồng quế đạt trên 20 nghìn ha; trong đó, có 9.000 ha vùng quế hữu cơ, 2.400 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ; vùng trồng cây ăn quả có múi trên 900 ha; vùng chè trên 500 ha; vùng cây dược liệu trên 220 ha…
Bên cạnh đó, huyện Trấn Yên khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Toàn Huyện hiện có 07 sản phẩm chủ lực được bảo hộ sở hữu trí tuệ, 36 sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc. Huyện phát triển nhanh các vùng sản xuất hàng hóa, các sản phẩm (OCOP), các chuỗi liên kết sản xuất; xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực nông lâm nghiệp. Đến nay, toàn huyện Trấn Yên có 45 sản phẩm OCOP được sếp hạng đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có 4 sản phẩm đạt 4 sao.
Xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên nâng cao tiêu chí thu nhập thông qua các mô hình trồng cây ăn quả
Về kết quả Xây dựng nông thôn mới: Đến nay, diện mạo nông thôn huyện Trấn Yên đã không ngừng đổi mới, ngày càng khang trang, hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được phát huy; cảnh quan môi trường nông thôn thay đổi từ vùng thấp đến vùng cao; kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống của Nhân dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 54,6 triệu/người/năm; chỉ số hạnh phúc của người dân Trấn Yên ngày càng được nâng cao, năm 2023 đạt 69,85%. Toàn huyện Trấn Yên có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 122 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; đạt 7/9 tiêu chí huyện NTM, đạt 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đến hết năm 2024, hoàn thành các tiêu chí huyên nông thôn mới nâng cao.
Người dân xã Hồng Ca chung sức tham gia làm đường giao thông nông thôn
Về công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Những năm qua, huyện Trấn Yên đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn Huyện giảm còn 1,8%. Những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, cố gắng vượt bậc; sự đoàn kết, đồng lòng, sự vào cuộc tích cực và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân trong toàn Huyện. Đó cũng là kết quả của sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người dân đã phát huy tinh thần tự lực, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, hướng đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tại các địa phương của huyện Trấn Yên, hệ thống đường giao thông và các công trình phúc lợi công cộng
được đầu tư khang trang, đồng bộ
Đặc biệt, huyện Trấn Yên còn luôn chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, mức thụ hưởng thành quả xây dựng nông thôn mới trong Nhân dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn. Kết hợp giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của các địa phương. Vùng đất Trấn Yên với những sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú và hết sức nhân văn luôn được bảo tồn và phát huy giá trị như: Nét hoa văn tinh tế trên váy áo của những người phụ nữ Mông; Tết Nhảy, Lễ Cấp sắc linh thiêng của đồng bào Dao; lễ hội Lồng tồng, Hát Then của đồng bào Tày; điệu múa Mỡi duyên dáng của các cô gái Mường, điệu Sịnh Ca ngọt ngào tình nghĩa của đồng bào dân tộc Cao Lan...
Huyện Trấn Yên có 45 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao
Bên cạnh đó, nhiều thôn, bản ở huyện Trấn Yên đã trở thành những thôn nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát huy các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc như: Thôn Khuôn Bổ, thôn người Mông xã Hồng Ca, thôn Khe Đát người Dao xã Tân Đồng, Bản Vần người Tày xã Việt Hồng; thôn 1, xã Hòa Cuông của đồng bào dân tộc Cao Lan, thôn 5 xã Minh Quán… là những thôn có nhiều bản sắc dân tộc tốt đẹp được giữ gìn và phát huy, cộng đồng dân cư hạnh phúc, ấm áp tình làng nghĩa xóm, bản sắc văn hóa địa phương thường xuyên được bảo tồn và nhân rộng.
Điển hình là mô hình xây dựng thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca là thôn đầu tiên của tỉnh Yên Bái đạt chuẩn thôn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Từ một thôn đặc biệt khó khăn với 100% đồng bào là dân tộc Mông đã nỗ lực xây dựng trở thành thôn kiểu mẫu: Kinh tế trong thôn phát triển, giao thông thuận tiện; cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp; nhà cửa được chỉnh trang sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy.
Lễ hội Lồng Tồng xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên thu hút gần 5000 người dân và du khách tham gia
Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và những cách làm sáng tạo, khơi dậy nội lực, tính tự lực, tự cường, ý chí khát vọng vươn lên của người dân, huyện Trấn Yên tự hào khi trở thành một trong những vùng quê đáng sống, là minh chứng sinh động của sức mạnh đại đoàn kết, sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương. Đồng thời, đó cũng là động lực để huyện Trấn Yên tiếp tục phấn đấu vươn lên đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Yên Bái theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra./.
43 lượt xem