Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, huyện Trấn Yên điểm sáng của tỉnh Yên Bái về triển khai thực hiện Chương trình OCOP, bởi Trấn Yên là đơn vị cấp huyện duy nhất của tỉnh ban hành hẳn một đề án rất bài bản, cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình OCOP; và cũng là huyện duy nhất (đến thời điểm hiện nay tháng 12/2024) 100% các xã, thị trấn toàn huyện đều có sản phẩm OCOP. Ngoài ra, với 50 sản phẩm OCOP trong tổng số 276 sản phẩm OCOP hiện có của toàn tỉnh, huyện Trấn Yên còn là địa phương có số sản phẩm OCOP dẫn đầu tỉnh.
Miến đao tráng thái Toàn Nga – sản phẩm OCOP 3 sao xã Quy Mông, huyện Trấn Yên.
Các sản phẩm OCOP cơ bản hoạt động hiệu quả, có 3 sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài
Đánh giá về hiệu quả của các sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết, đến thời điểm này, các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Trấn Yên sau khi được chứng nhận đã vươn xa hơn ra các thị trường ngoài tỉnh và cơ bản đã được bán trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt trên địa bàn có 03 sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu sang thị trường Anh quốc.
Trong năm 2024, các sản phẩm OCOP trên địa bàn, các chủ thể kinh doanh cơ bản đạt hiệu quả. Điển hình như các nhóm sản phẩm: chè (Chè bảo Hưng, chè Hưng Khánh); quế (Quế Kiên Thành, Quế Đào Thịnh, Quế Hòa Cuông); măng Bát Độ (Kiên Thành, Hưng Khánh); miến Quy Mông; các sản phẩm từ mật ong (Minh Quán, Vân Hội) và các sản phẩm du lịch ở xã Việt Hồng, Vân Hội.
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn đã có chứng nhận VietGAP, hữu cơ, chỉ dẫn địa lý, như sản phẩm chè, quế, cây ăn quả có múi, măng tre Bát Độ. Các sản phẩm nâng cấp lên 4 sao, hiện nay đang áp dụng và chuẩn bị đánh giá đạt tiêu chuẩn HACCP. Chất lượng vệ sinh an toàn các sản phẩm đều được nâng lên, các cơ sở có sản phẩm OCOP đều tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. "Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã có 04 cơ sở đạt tiêu chuẩn HACCP bao gồm: Cơ sở sản xuất miến Việt Hải Đăng; cơ sở sản xuất chè của HTX chè Khe Năm; cơ cở sản xuất chè của HTX sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng và cơ sở sản xuất chuối tiêu sấy dẻo Việt Thành" – vị Phó Chủ tịch huyện phấn khởi nói.
Sản phẩm OCOP 3 sao Gà ủ muối Minh Hà - xã Hồng Ca (Trấn Yên).
Vui mừng trước những kết quả đạt được, bà Triệu Thị Bích Liệu (Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên) thông tin thêm, bước sang tháng 12/2024 toàn huyện hiện có 50 sản phẩm OCOP, trong đó có 06 sản phẩm đạt 4 sao và 44 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2024, huyện Trấn Yên theo kế hoạch sẽ đánh giá, phân xếp hạng mới 05 sản phẩm, bao gồm: Bưởi da xanh Hưng Thịnh; Khăn thêu người Mông Kiên Thành; Nước uống tinh khiết Y Can; Măng Bát Độ Hồng Ca; Gà ủ muối Nam Trang Minh Quán.
Tuy nhiên, qua rà soát và đăng ký của các xã, các chủ thể, huyện Trấn Yên đã bổ sung thêm 07 sản phẩm, bao gồm: Đặc sản gà Móng tươi; Đặc sản gà Móng ủ muối; Đặc sản gà H’ Mông; Chè Bát Tiên Việt Cường; Trà quế hoa quả Bảo Hưng; Trà lá ổi Bảo Hưng; Rau cải bẹ vàng ngọt Y Can. Đến nay, nhờ tích cực hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ và quy trình sản xuất để đánh giá, phân hạng sản phẩm, huyện Trấn Yên đã hoàn thành việc công nhận mới 12 sản phẩm OCOP trong năm nay, đạt 240% kế hoạch được giao. Dự kiến, trong tháng 12 này huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ để nâng hạng 02 sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao – bà Liệu nhấn mạnh.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển và chuẩn hóa vùng nguyên liệu đầu vào
Đề cập tới những kết quả tích cực trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP của năm 2024, Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Lê cho hay, huyện Trấn Yên đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn cho khoảng 100 đại biểu tham gia, về các nội dung vận hành và triển khai thực hiện Chương trình OCOP; kỹ năng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất; chuẩn hóa và phát triển các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; phương pháp sử dụng các phần mềm, ứng dụng và quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu hệ thống; các nội dung liên quan đến chuyển đổi số gắn với chương trình (OCOP).
Tiếp tục, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP; sử dụng "Quy trình xác thực chống hàng giả" vào quản trị doanh nghiệp, minh bạch quá trình hình thành và kết nối cung cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến đối với sản phẩm OCOP, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP.
Trà Bát tiên Bảo Hưng – sản phẩm OCOP 4 sao của HTX sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên.
Đồng thời, chú trọng phát triển và chuẩn hóa vùng nguyên liệu đầu vào thuộc 05 ngành hàng sản phẩm OCOP, nhất là các khâu giám sát và kiểm soát chất lượng. Quan tâm phát triển các sản phẩm dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp và nông sản công nghệ cao, hữu cơ để tạo nên sự đột phá về sản phẩm OCOP của huyện. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo tồn thiên nhiên, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Thành Lê điểm lại.
Thiết nghĩ, với cách làm bài bản và những kết quả trên sẽ là tiền đề thuận lợi để Chương trình OCOP của huyện Trấn Yên đi vào chiều sâu và phát triển bền vững, hiệu quả trong các năm tiếp theo.
69 lượt xem