Hòa Cuông là xã thứ 17 của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đã hoàn thành các mục tiêu và về đích nông thôn mới. Tuy có xuất phát điểm thấp nhưng nhờ đẩy mạnh liên kết sản xuất theo mô hình HTX, tổ hợp tác, xã đã từng bước nâng cao các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Nghề trồng dâu nuôi tằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập trên mọi lĩnh vực có lợi thế, xã Hòa Cuông đã thành lập được 3 HTX. Ngoài ra còn có 14 tổ hợp tác chuyên trồng dâu nuôi tằm. Đây được coi là ngành nghề chủ lực, nằm trong quy hoạch vùng phát triển của huyện Trấn Yên.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất
HTX dâu tằm tơ Việt Thành vốn là “đầu tàu” trong nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Việt Thành. Với mong muốn phát triển vùng sản xuất, HTX đã mở rộng sang các xã bạn, trong đó có Hòa Cuông với mục tiêu liên kết với các tổ hợp tác nhằm phát triển chuỗi giá trị bền vững.
Dưới sự hỗ trợ của HTX Việt Thành, nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã Hòa Cuông ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy các mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương khi mở rộng diện tích dâu từ những mảnh ruộng nhỏ lẻ lên 45 ha tập trung.
HTX đã hướng dẫn người dân chuyển từ trồng dâu bằng hom sang trồng bằng cây giống, đồng thời áp dụng kỹ thuật từ chăm sóc đến thu hoạch, từ đó giúp hạn chế sâu bệnh, nâng cao chất lượng lá dâu sạch làm nguồn thức ăn bảo đảm chất lượng cho tằm. Hiện, năng suất lá dâu đạt 30 - 32 tấn/ha/năm.
Phương pháp cách ly riêng biệt cho từng tuổi tằm để tránh lây chéo, thường xuyên rắc vôi bột khi tằm ngủ và thức dậy để khử trùng đã được người dân áp dụng để tuổi tằm được đồng đều. Các kỹ thuật băng tằm, san tằm và ứng dụng nuôi tằm con trên khay nhựa cũng được phổ biến nhằm bảo đảm chất lượng kén tằm cung cấp cho doanh nghiệp.
Việc người dân liên kết với HTX Việt Thành trong phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm đã góp phần tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, thúc đẩy giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống cho người dân. Hiện, xã đã thu hút được 100 hộ trồng dâu và nuôi tằm, thu nhập từ bán kén tằm của người dân trung bình đạt 1,5 tỷ đồng/năm.
Không dừng lại ở đó, việc đầu tư sản xuất khoa học và bền vững theo chuỗi giá trị đã góp phần cùng địa phương cải thiện môi trường sống trong lành và đưa phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Hoà Cuông hoàn thành các mục tiêu và về đích vào cuối năm 2019.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nâng cao mức sống của người dân, xã Hòa Cuông luôn quan tâm, ưu tiên triển khai thực hiện các tiêu chí giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho nông dân. Tận dụng thế mạnh của địa phương, xã Hòa Cuông đã chọn nghề trồng dâu nuôi tằm là kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, các tổ hợp tác sản xuất dâu tằm của xã đều là đầu mối liên kết người dân với HTX Việt Thành để hình thành chuỗi dâu tằm của huyện.
Bên cạnh trồng dâu nuôi tằm, xã cũng phát triển thế mạnh từ lâm nghiệp thông qua HTX dịch vụ lâm nghiệp Hòa Cuông. Ngoài trồng và chế biến gỗ rừng trồng, HTX còn phát triển thêm các loại hình dịch vụ, mở rộng sang chăn nuôi hàng hóa theo hướng tập trung theo chuỗi giá trị sản xuất.
Nhờ liên kết sản xuất và chế biến, hiện toàn xã hiện có hơn 1.200 ha rừng sản xuất, hàng chục cơ sở chế biến gỗ như ván bóc, xẻ, mộc dân dụng... góp phần giải quyết tốt vấn đề việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Không dậm chân tại chỗ
Đại diện UBND xã Hòa Cuông cho biết, những năm gần đây, liên kết trong sản xuất đã được người dân quan tâm chú trọng. Các HTX và tổ hợp tác đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và nông dân trong xã, hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, góp phần không nhỏ trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, xã không còn hộ ở nhà tạm, nhà dột nát; 94,6% nhà ở kiên cố đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 34 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,57%.
|
Một khu dân cư nông thôn mới ở xã Hòa Cuông (Ảnh:TL)
|
Xác định việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân đóng góp tiền của, công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, người dân trong xã đã đóng góp hàng nghìn công lao động, hiến hơn 10.000m2 đất với tổng giá trị đạt hơn 11 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng thiết yếu.
Do đó, xã đã có 15 công trình thủy lợi; trong đó có 2 công trình hồ chứa, 13 đập điều tiết và hệ thống kênh mương được kiên cố, đạt tỷ lệ trên 50%. Cả 6 thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn của xã đạt 100%. Xã có hội trường nhà văn hóa được xây dựng khang trang, 6 thôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Để duy trì, giữ vững và phát triển các mục tiêu nông thôn mới đã đạt chuẩn, xã Hòa Cuông tiếp tục xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã. Phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ bê tông hóa đường trục thôn, liên thôn đạt 100%, đường ngõ xóm đạt 90%; thu nhập bình đầu người đạt 39 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4%.
2138 lượt xem
Ban Biên tập