Những năm qua, từ việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Văn Chấn đã có nhiều chuyển biến tích cực, cảnh quan nông thôn có nhiều khởi sắc, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.
70% hộ gia đình trên địa bàn huyện Văn Chấn đã xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tiêu chí số 17 được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện, không chỉ cần có sự đầu tư mà còn cần sự chủ động, tự giác tham gia của nhân dân. Bởi vậy, để sớm hoàn thành tiêu chí này, huyện Văn Chấn chú trọng tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tự giác tham gia công tác bảo vệ môi trường cùng chính quyền.
Một khi nhận thức, thói quen, tập quán của người dân thay đổi thì công tác bảo vệ môi trường sẽ đạt hiệu quả. Các chương trình, kiến thức về bảo vệ môi trường được chuyển tải đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức như: tập huấn, tuyên truyền trực tiếp, truyền thông lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các đoàn thể xây dựng quy ước, hương ước thôn, bản…
Cùng với các hoạt động của Ngày cuối tuần cùng dân, các phong trào bảo vệ môi trường do tổ chức đoàn thể thường xuyên được phát động, định kỳ tổ chức các buổi huy động nhân dân làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, giữ sạch đồng ruộng, trồng cây xanh, các tuyến đường hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; tích cực hướng dẫn, vận động nhân dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; xây chuồng trại chăn nuôi hợp lý, xử lý nước thải sinh hoạt gia đình bảo đảm vệ sinh…
Với cách làm đó, người dân đặc biệt là đồng bào vùng cao đã nâng cao nhận thức, thay đổi những thói quen lạc hậu, hủ tục ảnh hưởng đến môi trường. Hết năm 2020, 100% cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ trên địa bàn huyện có đề án, kế hoạch và thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường. 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Các công trình cấp nước sinh hoạt cũng được huyện quan tâm đầu tư, nâng cấp, bảo dưỡng hàng năm.
Hiện, trên địa bàn huyện có 73 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang hoạt động ở 20 xã, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên đến 91,5%. Toàn huyện có 57% hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; 70% hộ chăn nuôi có hệ thống chuồng trại hợp vệ sinh cách biệt với nhà ở.
Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được quan tâm đầu tư với kinh phí 5,14 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2020 nhưng chưa đủ. Hiện nay, huyện Văn Chấn mới có 6/21 xã có bãi tập kết xử lý rác thải tập trung. 21/21 xã đã thành lập được tổ, nhóm thu gom rác thải nhưng thiếu trang thiết bị phục vụ công tác thu gom. 60% hộ gia đình có 1 hố rác và thực hiện công tác chôn lấp hoặc đốt rác tại nhà.
Với kết quả này, hết năm 2020, huyện Văn Chấn có 6 xã đạt tiêu chí số 17 - đều là những xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. 15 xã còn lại vẫn còn khó khăn để hoàn thành, nhất là chỉ tiêu thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt.
Ông Đinh Trọng Quyết - Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết: "Đến nay, mọi chỉ tiêu trong thực hiện tiêu chí 17 cơ bản đã hoàn thành, song chỉ tiêu chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được thu gom, xử lý theo quy định bởi xã Cát Thịnh chưa có bãi rác thải tập trung. Xã rất mong huyện quan tâm ưu tiên vấn đề này. Nếu quy hoạch được, xã sẽ nhanh chóng huy động xã hội hóa mua sắm phương tiện thu gom, thành lập các tổ thu gom; nhân dân cũng rất nhiệt tình ủng hộ đóng góp thực hiện”.
Đến hết năm 2025, huyện Văn Chấn phấn đấu 17/21 xã đạt chuẩn tiêu chí 17. Để thực hiện mục tiêu đó, huyện dự kiến xây dựng 2 lò đốt rác tại xã Nậm Búng, thị trấn Nông trường Trần Phú với công suất khoảng 10 tấn/ngày và các công trình xử lý môi trường; đầu tư mới và nâng cấp sửa chữa 24 công trình cấp nước tập trung; hỗ trợ xây dựng 4.200 nhà tiêu hợp vệ sinh, tổng kinh phí dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 là 80,9 tỷ đồng.
1423 lượt xem
1