Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, Yên Thành có diện tích tự nhiên là 4.812 ha; trong đó, diện tích ruộng chỉ có 32 ha với gần 1.100 hộ ở 11 thôn, bản, chiếm 95% dân số là đồng bào dân tộc Dao, có những thôn cách xa trung tâm xã cả chục ki - lô - mét, cuộc sống của người dân rất khó khăn.
Người dân xã Yên Thành khai thác gỗ rừng trồng.
Trước tình hình đó, Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chỉ đạo các đảng viên gương mẫu thực hiện trước, sau đó mới hướng dẫn nhân dân thực hiện; đồng thời, áp dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT), chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả. 32 ha đất trồng lúa, nhờ đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống lúa Nhị ưu 838, Chiêm hương, Thiên hương... vào sản xuất nên năng suất bình quân đạt 200 kg/sào.
Đặc biệt, có những chân ruộng tốt, bà con áp dụng phương pháp gieo mạ khay và chăm sóc lúa bằng phân viên nén dúi sâu nên đã cho năng suất đạt khoảng 220 - 230 kg/sào. Ngoài thâm canh lúa, xã còn vận động nhân dân trồng cây vụ ba. Năm 2017, đã trồng được 22 ha ngô, 20 ha khoai các loại, năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha/vụ.
Cùng đó, hàng năm bà con còn trồng khoảng 100 ha sắn, vừa tăng thu nhập vừa có nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tận dụng lợi thế đất đai để trồng rừng kinh tế, từ đầu năm đến nay, toàn xã đã trồng được trên 110 ha rừng.
Ông Hoàng Văn Thăng - Trưởng thôn 2 chia sẻ: thôn có trên 140 hộ với 470 nhân khẩu, những năm qua, Chi bộ thôn và đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua những mô hình kinh tế. Các đảng viên làm trước, bà con học tập kinh nghiệm làm theo.
Hiện tại, trong thôn đã có 50% số hộ khá và giàu, điển hình như gia đình ông Hoàng Đức Vượng, Hà Long Giang, Hoàng Văn Thành... có thu nhập trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn, trồng rừng.
Qua bình xét hàng năm, có trên 87% số hộ trong thôn đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; thôn luôn được công nhận là khu dân cư tiên tiến xuất sắc. Kinh tế phát triển, người dân hăng hái tham gia vào xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, các công trình làm nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn... được bà con hăng hái hiến đất, công sức để công trình sớm hoàn thành.
Ông Bàn Văn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi cho biết: thu nhập bình quân đầu người đã đạt 21 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,4% so với năm 2017; an sinh xã hội được quan tâm, nhất là việc chăm lo đời sống của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội...
Khó khăn của Yên Thành là do hệ thống đường giao thông liên thôn không thuận lợi nên công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao KHKT, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các thôn vùng sâu, vùng xa chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
Cùng đó, hệ thống công trình thủy lợi sau nhiều năm đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp làm ảnh hưởng lớn đến việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều thôn nằm sát chân núi, diện tích đất canh tác ít nên tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn ở mức cao là 37,6%.
Tuy vậy, với tinh thần phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Yên Thành xác định tiếp tục nêu cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực trong xóa đói giảm nghèo và duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
1145 lượt xem