CTTĐT- Huyện Văn Yên hiện có gần 50.000ha diện tích đất trồng quế. Với khí hậu và đất đai phù hợp cây quế sinh trưởng và phát triển tốt mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, sản lượng cành lá quế khoảng 63.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu khoảng 300 tấn/năm, sản lượng gỗ quế gần 51.000 m3/năm.
Sản phẩm quế thanh đang được đóng gói.
Tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, hầu hết người dân sống dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp; nhờ có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây quế mà đời sống của người dân trên địa bàn huyện ngày được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và làm giàu từ quế. Cây quế Văn Yên đã góp phần quan trọng giúp người dân vượt qua nghèo đói và rất nhiều hộ gia đình có thu nhập từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng. Đặc biệt, cây quế còn là món quà quý của cha mẹ dành cho con cái khi dựng vợ, gả chồng. Đã một thời sản phẩm quế Văn Yên có mặt ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Anh...
Cây quế đã làm thay đổi diện mạo các vùng quê của Văn Yên nhà xây, xe máy cũng từ tiền bán quế. Bình quân mỗi năm toàn huyện thu hoạch trắng gần 100 ha sản lượng đạt trên 1 ngàn tấn. Trồng quế không chỉ thu vỏ mà thân gỗ cũng rất giá trị, có thể làm nhà, làm nguyên liệu giấy, làm tăm, giá bán từ 700-800 ngàn đồng/m3, cành, ngọn, lá nấu tinh dầu quế.
Nguồn thu từ quế mỗi năm cũng đem về cho Văn Yên cả chục tỷ đồng, đồng thời còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động lúc nông nhàn.
Cây quế không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn là loài cây che phủ rừng và có vai trò quan trọng trong chế biến và làm vật liệu xây dựng.
Hiệu quả kinh tế từ cây quế mang lại là rất rõ nhưng cây quế Văn Yên vẫn phát triển tràn lan không có quy hoạch, chất lượng không đồng đều, thương hiệu quế chưa được quan tâm xây dựng, thị trường bấp bênh, giá cả không ổn định. Nhiều sản phẩm quế từ nơi khác đã lấy thương hiệu quế Văn Yên để bán làm mất uy tín, thị trường quế Văn Yên. Khâu thu mua chế biến đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn làm ăn manh mún, mạnh ai nấy làm...
Trước những thực trạng đó, huyện Văn Yên đã có nhiều giải pháp nâng cao vị thế, chất lượng cây quế, đặc biệt là đăng ký bảo hộ về tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý.
Tháng 1 năm 2010 Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 01/QĐ-SHTT chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên - UBND huyện Văn Yên là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý “Văn Yên” cho sản phẩm quế này. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ các sản phẩm thương hiệu quế Văn Yên, giữ gìn uy tín và phát triển thương hiệu trên thị trường, Văn Yên còn có kế hoạch khá dài hơi.
Hiện nay, Hiệp hội những người sản xuất, chế biến và kinh doanh quế Văn Yên đã được thành lập và có nhiệm vụ tuyên truyền vận động người sản xuất quế trên địa bàn theo hướng bền vững, tham mưu giúp huyện về các chủ trương chính sách, biện pháp mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng quế; tiếp nhận quản lý chỉ dẫn địa lý cho “Quế Văn Yên” đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tổ chức tiêu thụ quế cho người trồng quế trong huyện.
Quan trọng hơn là Hội có nhiệm vụ liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đồng nhất, tránh tình trạng ép cấp, ép giá và giả mạo thương hiệu quế Văn Yên.
Tuy mới thành lập nhưng Hội đã thu hút gần 400 cá nhân, doanh nghiệp đăng ký tham gia làm hội viên, đồng thời cũng đã tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ nhất và bầu ra được Ban chấp hành cũng như chủ tịch và phó chủ tịch Hội, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Song song với đó người dân vùng quế Văn Yên đang làm rất tốt việc thay đổi cơ cấu giống, không trồng tràn lan, các loại giống được chọn lọc, tuyển chọn phù hợp, có chất lượng, cũng như nhu cầu thị trường.
Huyện cũng có những cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty đủ mạnh đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người trồng quế trên địa bàn. Những hướng đi đó sẽ mang lại nhiều triển vọng cho cây quế phát triển đúng với tiềm năng của nó, người dân yên tâm trồng, phát triển vững chắc diện tích quế, đem lại hiệu quả lâu dài, góp phần xoá đói nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt hiện nay, người dân Văn Yên không chỉ sản xuất quế truyền thống, mà còn thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị cây quế và bảo vệ môi trường.
Huyện Văn Yên được biết đến là thủ phủ của cây quế, với diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước. Từ xa xưa cây quế đã được người Dao, huyện Văn Yên trồng, khi đó vỏ quế thu hoạch chủ yếu được các gia đình dùng làm quà biếu cho người thân hoặc bán cho thương lái với giá thấp, vì thế mà chẳng ai coi quế là nguồn thu chính.
Thế nhưng, trong những năm gần đây cây quế trở thành cây trồng chủ lực có giá trị cao, là nguyên liệu quý để sản xuất trong ngành dược liệu, mỹ phẩm, chế biến đồ mỹ nghệ, nên người dân ở Văn Yên ai cũng coi quế là lộc trời ban.
Từ đó uy tín trên thị trường trong và ngoài nước của cây quế Văn Yên được nâng cao, thị trường quế ổn định, giá bán các sản phẩm quế tăng gần gấp 2 lần so với những năm trước.
Theo người dân nơi đây, cây quế trồng từ 4-6 năm bắt đầu cho khai thác tỉa thưa, mỗi năm có 2 vụ khai thác, vụ tháng 3 và vụ tháng 8.
Theo kinh nghiệm của đồng bào người Dao, đây là 2 thời điểm mà quế dễ bóc vỏ, thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển và bảo quản.
Năm nay quế được giá, mỗi 1kg vỏ quế khô có giá từ 60.000-70.000 đồng. Hộ nào khai thác ít cũng được chừng vài trăm triệu đồng, hộ nào nhiều lên vài tỷ đồng/1 lần khai thác.
Nhờ đó mà rất nhiều hộ dân của huyện Văn Yên đã trở thành triệu phú.
Mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, sản lượng cành lá quế khoảng 63.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu khoảng 300 tấn/năm, sản lượng gỗ quế gần 51.000 m3/năm.
Nhiều hộ gia đình người Dao có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng quế, hàng nghìn gia đình có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây quế.
Nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm trên 700 tỷ đồng. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo đà cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Đặc biệt, kể từ khi sản phẩm quế được khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương thì cây quế ngày càng có giá trị nơi đây. Cùng với đó là việc xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ quế; tư vấn, hỗ trợ, thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu các sản phẩm quế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp.
Ông Doãn Văn Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Yên cho biết, với giá trị kinh tế từ cây quế đem lại, huyện tiếp tục duy trì và phát triển vùng quế, đặc biệt mở rộng vùng quế hữu cơ.
Hiện toàn huyện có 200ha quế hữu cơ, để đạt chuẩn quế hữu cơ người dân phải trồng, chăm sóc hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì nhiêu của đất và đa dạng sinh học; không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp, phân bón tổng hợp… Đây cũng là cơ hội, động lực giúp người dân Văn Yên nâng cao vị thế cây quế, tạo dựng, nâng tầm thương hiệu quế Văn Yên có chỗ đứng vững chắc và vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế. Thời gian tới, huyện Văn Yên tiếp tục vận động người dân trồng quế theo vùng quy hoạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm nông nghiệp xanh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
2361 lượt xem
Ban Biên tập