CTTĐT - Ngày 18/11/2019, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch số 259/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Kế hoạch của Tỉnh ủy, Nghị Quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh để đạt được các mục tiêu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2020, làm cơ sở để các sở, ban, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2020 của địa phương, đơn vị sát với tình hình thực tế.
Theo đó, năm 2020 tỉnh Yên Bái phấn đấu có thêm 10 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế hết năm 2020 có 78/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới); nâng số tiêu chí đạt bình quân trên địa bàn tỉnh là 16,2 tiêu chí/xã (bình quân mỗi xã tăng khoảng 02 tiêu chí trong năm). Giảm số xã dưới 10 tiêu chí xuống còn 60 xã, chiếm 38,2%; Tổ chức Lễ đón nhận và công bố huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới trong Quý I/2020; Toàn tỉnh có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao/68 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tính đến hết năm 2019 (lũy kế sẽ có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), gồm: xã Nga Quán, huyện Trấn Yên; xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn; xã Hán Đà, huyện Yên Bình; xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ; Toàn tỉnh có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (lũy kế sẽ có 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu), gồm: Xã Báo Đáp, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên; xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái để tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020.
Để thực hiện hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2020, tỉnh Yên Bái huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Vận động toàn xã hội tham gia. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân phát huy vai trò chủ thể.
Tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực tại chỗ thực hiện xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Xác định rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; giữa cấp tỉnh với cấp huyện và cấp xã trong xây dựng nông thôn mới.
Năm 2020 tỉnh xây dựng 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới đó là: xã An Bình, xã Mậu Đông, xã Quang Minh, huyện Văn Yên; xã Đại Đồng, xã Vũ Linh, xã Xuân Long, huyện Yên Bình; xã Đồng Khê, xã Phúc Sơn, xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn; xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.
Để đạt được mục tiêu trên, các địa phương sẽ rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể đối với từng xã; cân đối, huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí đảm bảo hoàn thành trong năm 2020; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng trên địa bàn xã; tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn; xây dựng các mô hình hợp tác theo chuỗi giá trị để tạo việc làm, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân; xây dựng các tuyến đường được trồng hoa, cây cảnh hai bên đường và có cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Đối với xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Xã Nga Quán (huyện Trấn Yên); xã Hán Đà (huyện Yên Bình); xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ); Tân Thịnh (huyện Văn Chấn). Các xã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trên cơ sở cân đối, huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí nâng cao đảm bảo hoàn thành trong năm 2020.
Về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, gồm xã Báo Đáp, Đào Thịnh (huyện Trấn Yên); xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái); xã Đông Cuông (huyện Văn Yên). Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao từng bước các tiêu chí theo nguồn lực được phân bổ, khả năng huy động đóng góp của nhân dân và các nguồn lực hợp pháp khác. Thực hiện hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020.
Tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với 68 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu; rà soát, đánh giá các tiêu chí nông thôn mới, nhất là những tiêu chí có khả năng biến động, khó duy trì (cơ sở hạ tầng giao thông, thu nhập bình quân đầu người, môi trường, cơ sở vật chất giáo dục…); đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Về xây dựng thôn đạt chuẩn nông thôn mới, thôn đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu, mô hình RVAC mẫu và mô hình VAC mẫu: Trên cơ sở các quy định hiện hành và điều kiện thực tế của từng địa phương; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch để thực hiện việc xây dựng thôn đạt chuẩn nông thôn mới, thôn đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu, mô hình RVAC mẫu và mô hình VAC mẫu trên địa bàn. Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.
Các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 phụ trách các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, trên cơ sở gắn với nhiệm vụ được phân công phụ trách địa bàn tại Quyết định số 755/QĐ-BCĐ ngày 03 tháng 5 năm 2017 của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các thành viên Ban chỉ đạo được phân công phụ trách xã có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ cho xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo tiến độ và thời gian đề ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới): Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; rà soát, đánh giá, tổ chức thực hiện các tiêu chí được giao phụ trách; phối hợp với địa phương thực hiện nhiệm vụ của xã được phân công phụ trách.
Các sở, ban, ngành có liên quan: Chủ động rà soát, đánh giá, xây dựng giải pháp thực hiện các tiêu chí được giao phụ trách; phối hợp với các địa phương trên địa bàn xã phân công phụ trách xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể thực hiện dứt điểm các tiêu chí nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của năm 2020; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng kế hoạch, tổ chức chỉ đạo, triển khai toàn diện các nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị chức năng hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các xã; Chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các xã theo lộ trình về đích năm 2020; định kỳ hằng tháng, hằng quý tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình, tiến độ và kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh tham gia giám sát, phản biện việc thực hiện Chương trình; tích cực vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hăng hái tham gia thực hiện Chương trình; cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
1667 lượt xem
Ban Biên tập