CTTĐT - Trong năm 2019, phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả bứt phá. Đó là minh chứng cho sự định hướng đúng đắn, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Đây là tiền đề, là động lực để tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện chương trình, xây dựng những “miền quê đáng sống” trong những năm tiếp theo.
Người dân hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới
Xã Đông An, huyện Văn Yên vừa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào những ngày cuối tháng 12/2019. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí so với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động nội lực là chính, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước”, địa phương đã có lộ trình cụ thể; có cơ chế nguồn vốn đầu tư cho từng hạng mục; chú trọng công tác dân vận với nhiều hình thức để cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc trong xây dựng nông thôn mới. Ông Hoàng Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Đông An cho biết: "Trong quá trình thực hiện chúng tôi tập trung làm tốt công tác vận động, thực hiện dân chủ cơ sở để người dân được biết, được làm, được bàn, kiểm tra giám sát. Qua đó người dân tin tưởng, đóng góp các nguồn lực để thực hiện đóng góp nông thôn mới". Nhờ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, chỉnh trang nhà ở là 176 tỷ 500 triệu đồng. Đến nay, 100% đường trục xã, 60% đường trục thôn, 53% đường trục ngõ xóm được bê tông hóa. Bà Vũ Thị Mến, xã Đông An, huyện Văn Yên cho biết: "Xây dựng nông thôn mới chúng tôi phấn khởi lắm, bởi ngày xưa chúng tôi đi sang các thôn phải qua 1 con ngòi, đi bè vào ngày mưa lũ. Còn những ngày thời tiết bình thường, thì chúng tôi phải đi qua cầu tạm rất nguy hiểm. Tuy nhiên từ ngày làm cầu qua suối đi lại thuận tiện, lưu thông hàng hóa dễ dàng".
Có thể dễ dàng nhận thấy diện mạo những vùng nông thôn của tỉnh Yên Bái đã dần thay da đổi thịt, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên nhiều hơn, những con đường trải dài nối các vùng miền đang dần hoàn thiện, những mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao đang hiện hữu ở khắp các địa phương. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, người dân đã nhận thấy được lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới và tích cực, chủ động tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới như hiến đất, làm đường, đóng góp ngày công lao động, kinh phí... Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã huy động được hơn 23,7 nghìn tỷ đồng. Từ những nguồn vốn này đã đầu tư nâng cấp, mở mới được hơn 7.470 km đường giao thông nông thôn, trong đó đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa là 2.289 km chiếm 30,6%; đường cấp phối và đường đất là 5.100 km chiếm 69,4%; hàng trăm cây cầu dân sinh; hàng nghìn công trình thủy lợi được đầu tư xây mới, nâng cấp phục vụ sản xuất góp phần xóa đói giảm nghèo. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được cải thiện. Nhiều xã đã hình thành được các tổ đội, hợp tác xã thu gom rác thải sinh hoạt. Nhiều địa phương đã vận động được người dân tham gia cải tạo cảnh quan môi trường sống, nhân rộng các mô hình trồng cây xanh, hoa trước cửa nhà và hai bên đường giao thông... Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Yên Bái là 17,68%. Theo kế hoạch năm 2019 sẽ giảm 5,8%, như vậy tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2019 sẽ khoảng 11,88%.
Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị. Cùng với đó, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đã có những thay đổi tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng trưởng khá. Dịch vụ ở nông thôn phát triển đa dạng với sự tham gia của các thành phần kinh tế nhất là sự xuất hiện của nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác. Tỉnh cũng đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất. Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực của tỉnh có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.
Phát triển nuôi cá lồng ở huyện Yên Bình
Với những nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 69 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Trấn Yên được công nhận huyện nông thôn mới; thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Riêng trong năm 2019, toàn tỉnh có 23 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu) - một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Việc những địa phương khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có sức lan tỏa lớn, tạo nên động lực phấn đấu trong toàn tỉnh. Qua đó khẳng định việc xây dựng nông thôn mới - xây dựng những “miền quê đáng sống” ở những vùng đặc biệt khó khăn là hoàn toàn có thể.
Trong năm 2020, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục gắn việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và các chương trình, dự án, đề án đã được phê duyệt; Tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh, mang tính đột phá về phát triển giao thông nông thôn, trên cơ sở áp dụng các cơ chế, chính sách hiện hành theo Đề án phát triển giao thông nông thôn của tỉnh; Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng phát triển các công trình ở thôn, bản trực tiếp gắn với sự phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân trên cơ sở huy động sự đóng góp tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là sự tham gia đóng góp hỗ trợ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Phấn đấu trong năm 2020, công nhận 10-12 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã của toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới lên 80/157 xã, đạt 50,95% số xã của toàn tỉnh; 20-22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 5 - 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
1266 lượt xem
Thu Nga