Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

OCOP góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM

20/07/2020 09:58:51 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Hiệu quả từ chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã góp phần đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy nhiều xã hoàn thành các tiêu chí về việc làm, thu nhập, vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Sản phẩm “Tuyết Sơn Trà” có chất lượng tốt, được đóng gói với các mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

Sau một thời gian triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Yên Bái hiện đã có 7 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên: miến đao Giới Phiên; chè shan tuyết Suối Giàng huyện Văn Chấn; gạo Séng cù Mường Lò; chè Bát tiên huyện Trấn Yên; bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình, quế điếu huyện Trấn Yên; nước lau sàn tinh dầu quế Văn Yên...

Huyện Văn Chấn hiện có hơn 4.680 ha chè các loại, chiếm 1/3 diện tích trồng chè của tỉnh, trong đó có 1.300 ha chè shan. Riêng xã Suối Giàng có 423 ha chè cổ thụ tuyết shan. Năm 2008, hợp tác xã (HTX) Chè Suối Giàng được thành lập, thu mua chè cho đồng bào, không để người dân phá chè trồng ngô. Chị Lâm Thị Kim Thoa, Giám đốc HTX chè Suối Giàng cho biết: HTX có 15 thành viên, phần lớn là người dân tộc H’Mông, mỗi năm thu hái được hơn 500 tấn búp chè tươi, doanh thu hơn 10 tỷ đồng. HTX đã có sáu loại sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà” có chất lượng tốt, được đóng gói với các mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Năm 2019, sản phẩm của HTX được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Nhờ cây chè, nhiều hộ dân trong xã làm được nhà mới, đời sống ngày càng được cải thiện.

Nằm ở phía Bắc của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng của cây quế. Mùa xuân hằng năm, người dân các xã trong huyện trồng mới từ 1.500 đến 1.600. Cây quế đã được trồng tại 24 xã với diện tích hơn 40 nghìn ha. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa - Giám đốc Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát cho biết: Ban đầu, HTX sản xuất trà quế từ hương quế và cỏ ngọt, năm 2019, chuyển sang sang xuất nước lau sàn và nước rửa chén, là sản phẩm có hương thơm dễ chịu, diệt khuẩn, an toàn cao vì không sử dụng hóa chất, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Sản phẩm được UBND tỉnh cộng nhận đạt 3 sao, tạo việc làm tại chỗ cho 15 công nhân, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, huyện Văn Yên đã xây dựng được 6 chuỗi giá trị, 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tập trung vào sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ như: cá tầm nước lạnh Nà Hẩu, thuốc tắm người Dao đỏ Viễn Sơn, trà thảo mộc, nước lau sàn Quế Phát… để cuối năm 2020 đề nghị UBND tỉnh công nhận. Từ các sản phẩm trên, người Dao ở huyện Văn Yên có điều kiện làm kinh tế thoát nghèo, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm bình quân 6,08%, mỗi năm giải quyết được hơn 2.000 việc làm mới, 12 xã đạt chuẩn NTM.

Tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, sản phẩm quế điếu thuốc đạt chuẩn OCOP hạng 4 sao, được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật Bản, Ấn Độ.

Còn tại Nghĩa Lộ, những năm gần đây, Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Nông lâm sản TND, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ liên kết với 671 hộ dân thị xã và huyện Văn Chấn sản xuất gạo Séng Cù trên cánh đồng Mường Lò rộng 30 ha. Hình thức liên kết là dân góp ruộng, công chăm sóc và thu hoạch; công ty cung ứng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua thóc theo giá thỏa thuận. Năm 2019, gạo Séng Cù Mường Lò được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Vụ mùa năm 2020, công ty tiếp tục liên kết với hơn 1.000 hộ dân ở các xã Phù Nham, Thạch Lương, với diện tích 60 ha lúa, nhằm tăng sản phẩm, đồng thời tạo cơ hội xóa nghèo cho đồng bào trong vùng.

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm đó là người dân các địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc, nhận thức còn hạn chế, tập quán sản xuất vẫn là tự cung, tự cấp, khi bước vào sản xuất lớn theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao thì phần lớn các hộ nông dân còn nhiều bỡ ngỡ. Trình độ kiến thức của cán bộ cấp xã và các huyện vùng cao cũng chưa thích ứng kịp về việc tổ chức, quản lý sản xuất theo mô hình mới. Trong khi, các tổ hợp tác, HTX được hình thành, nhưng điều kiện về con người, trang thiết bị không theo kịp xu thế chung, vẫn còn nhiều HTX hoạt động không hiệu quả. Phần lớn các HTX, tổ hợp tác chưa tiếp cận được vốn vay vì thủ tục còn rườm rà, yêu cầu tài sản thế chấp trong khi tài sản của các đơn vị này chủ yếu là đất do thành viên góp vốn. HTX không có nhiều vốn đầu tư nhà xưởng, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao.

Bên cạnh đó, việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn mới, cho nên các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình còn lúng túng trong công tác hoàn thiện hồ sơ. Do vậy, một số sản phẩm đã đăng ký từ đầu năm, nhưng không kịp hoàn thiện đầy đủ hồ sơ minh chứng theo yêu cầu bộ tiêu chí nên kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm chưa cao dù chất lượng và thương hiệu của sản phẩm rất tốt. Việc lồng ghép các nguồn kinh phí cho các hoạt động của chương trình còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách địa phương bố trí cho các hoạt động còn hạn chế…

Năm 2020, Yên Bái xác định chủ thể và tên 70 sản phẩm để đạt chuẩn OCOP, trong khi đó các huyện đăng ký lên tới 87 sản phẩm. Đây là điều kiện tốt để vừa gắn tiêu chí xây dựng NTM ở miền núi, vừa tạo ra các sản hẩm hữu ích có giá trị kinh tế cao, đem lại lợi ích cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại các địa phương.

1333 lượt xem
Ban Biên tập