Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh Yên Bái

15/10/2024 15:26:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT – Yên Bái là tỉnh có đông hội viên phụ nữ sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, thiếu việc làm nên phát sinh và tiềm ẩn nhiều vấn đề tệ nạn xã hội liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em gái như tình hình tội phạm mua bán người. Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh (Hội LHPN) đã triển khai tới các cấp hội trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về tình hình tội phạm buôn bán người.

Hội LHPN phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức tuyên truyền phòng chống mua bán người tại sinh hoạt chi hội phụ nữ

Theo đó, thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo 38 tỉnh và kế hoạch của Hội LHPN tỉnh về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội pham mua bán người trên địa bàn tỉnh, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, truyền thông công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, chú trọng vào các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức tội phạm mua bán người cho phụ nữ và trẻ em về phương thức, thủ đoạn phạm tội mua bán người để chủ động nhận diện, phòng tránh.

Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, chuyên đề, tổ, nhóm, hội phụ nữ các cấp đã tổ chức tuyên truyền cho nhiều lượt hội viên phụ nữ về các Chỉ thị, Nghị quyết liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, tổ chức cho hội viên đăng ký gia đình không có người phạm tội buôn bán phụ nữ trẻ em và các tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình. Cho đến nay, đã có 90% gia đình hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện.

Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7”, tạo sự lan tỏa tích cực trong toàn xã hội, với các khẩu hiệu hành động “Tích cực hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7 và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, “Chung tay phòng, chống nạn mua bán người” và “Phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội”.

Thông tin, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động; cách thức nhận biết, biện pháp phòng ngừa; số điện thoại của Tổng đài 111 - Đường dây nóng phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia của mọi người dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Tăng cường thời lượng, tần suất đăng, phát các thông tin, thông điệp tuyên truyền phòng, chống mua bán người; tăng cường kết hợp sử dụng các mạng xã hội để tuyên truyền. Thông tin, tuyên truyền định hướng người sử dụng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, internet tự bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường mạng để không bị cá nhân, tổ chức lợi dụng khai thác thông tin thực hiện hành vi mua bán người, đồng thời đăng tải các bài viết về phòng, chống mua bán người của các cơ quan báo chí trên trang thông tin cá nhân, mạng xã hội để tăng cường hiệu quả tuyên truyền. Giới thiệu, tuyên truyền nhân rộng các mô hình phòng, chống mua bán người tại cộng đồng đang hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cấp hội phối hợp với các ban, ngành, chức năng, các cơ quan tuyên truyền và trường học tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em sâu rộng trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là các thôn, bản, xã, phường vùng sâu, vùng xa nơi có trình độ dân trí thấp, vận động hội viên, phụ nữ và quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác các hành vi phạm tội và đối tượng nghi vấn buôn bán phụ nữ, trẻ em. Biên soạn và cấp phát tới cơ sở nhiều cuốn thông tin nội bộ của tỉnh và trung ương, tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn sinh hoạt mô hình câu lạc bộ; duy trì có hiệu quả hoạt động các tủ sách, hòm sách, hộp sách tại cơ sở.

Ngoài ra, để thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ em, Hội đã thành lập nhiều mô hình CLB tuyên truyền pháp luật thích hợp như: CLB “Phụ nữ với pháp luật”, “Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”, “5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ không có con em và người thân mắc tệ nạn xã hội”… Hiện nay, các mô hình này cũng đang được nhân rộng và là kênh tuyên truyền hữu hiệu, góp phần vận động chị em sát cánh cùng với lực lượng chức năng trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em là do trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhẹ dạ cả tin, thiếu việc làm, lười lao động nên dễ bị bọn buôn người lừa phỉnh. Vì vậy, Hội đã xác định chỉ có đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thì mới giảm thiểu được tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em. Do đó, các cấp Hội đều đã xây dựng những hình thức giúp đỡ thiết thực như vận động chị em khá giúp chị em nghèo, thành lập các CLB, mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… theo tình hình thực tế.

Trao đổi với đồng chí Trần Thị Thanh Thủy- PCT Hội LHPN tỉnh được biết: Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhưng thực tế hoạt động của bọn tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Vì vậy, thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng thôn, bản, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Cùng với việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên rộng rãi, có kỹ năng thì các cấp Hội cũng sẽ nhân rộng các mô hình CLB phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gắn với công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, cho vay vốn cũng như giúp đỡ những nạn nhân trở về hòa nhập cộng đồng. Việc vận động các nạn nhân tố giác những kẻ buôn bán người để các cơ quan chức năng xử lý cũng sẽ được chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em thì bên cạnh sự nỗ lực của Hội đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Yên Bái xác định tiếp tục tăng cường tuyên truyền PBGDPL tại cơ sở, vận động cán bộ, hội viên tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới... Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và mua bán người...

 

 

Ban Biên tập