CTTĐT - Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành ngân sách địa phương năm 2019, nhằm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu, chi ngân sách, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và các văn bản của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Yên Bái về việc tổ chức thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2019, trong đó tập trung triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Yên Bái thăm và làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Đá trắng Bảo Lai, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình
Về thu ngân sách
UBND tỉnh giao cho Cục Thuế tỉnh chủ động đề xuất, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành toàn diện chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019 là 3.250 tỷ đồng (bao gồm: thu cân đối 1.885 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 1.090 tỷ đồng; thu xổ số kiến thiết 25 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu 250 tỷ đồng) đã được giao tại Quyết định số 528/QĐ-UBND ngày 29/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái; Tổ chức xây dựng kịch bản thu ngân sách chi tiết đối với từng doanh nghiệp, từng đơn vị, từng Chi cục Thuế. Trên cơ sở đó thực hiện theo dõi, kiểm điểm và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tiến độ thu ngân sách của từng cơ quan, đơn vị; từng huyện, thị xã, thành phố theo từng tháng, quý; Chủ động phối hợp với các ngành chức năng theo dõi, dự báo và kịp thời đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh các giải pháp cụ thể để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm thuế, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thuế, không chấp hành đúng việc kê khai thuế theo quy định, kịp thời điều chỉnh mức khoán thuế cho sát với thực tế; tập trung chỉ đạo, xử lý thu hồi dứt điểm nợ đọng thuế, thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng chi cục, phấn đấu giảm số nợ thuế xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý đất đai, phát triển quỹ đất, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức giao ban định kỳ với các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục hành chính về đất đai, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất năm 2019 của toàn tỉnh đạt từ 1.090 tỷ đồng trở lên (trong đó: cấp tỉnh từ 550 tỷ đồng trở lên; cấp huyện từ 540 tỷ đồng trở lên); thu tiền thuê đất trả tiền một lần từ 150 tỷ đồng trở lên; Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 18/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về Quy trình luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái, kiên quyết thu hồi các khoản tiền sử dụng đất còn nợ đọng, kịp thời đề xuất để tháo gỡ vướng mắc nảy sinh để bảo đảm thu nộp đầy đủ, kịp thời tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước; Rà soát, xác định cụ thể các đối tượng đang được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn, nhất là các dự án hết thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Đất đai. Trên cơ sở đó tổ chức ký hợp đồng thuê đất, điều chỉnh lại đơn giá thuê đất, thu hồi đất, xác định đầy đủ nghĩa vụ tài chính để đôn đốc thu nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu từ đất đai vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật; Tiếp tục rà soát, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, bảo đảm thu đúng, thu đủ các nguồn thu cho ngân sách. Chủ trì phối hợp với Cục Thuế tỉnh các đơn vị liên quan tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ.
Sở Tài chính chủ động phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Hải quan và các cơ quan chức năng thực hiện công tác thu ngân sách; tính toán, thẩm định, xác định cụ thể các khoản thu từ đất, thuê đất, thu khác ngân sách. Chủ động rà soát, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp trong quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn ứng từ quỹ phát triển đất, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, ứng vốn từ Quỹ phát triển đất cho các dự án phát triển đất thu ngân sách. Định kỳ tháng, quý, năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh.
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2019 cả về hai chỉ tiêu thu (thu cân đối và thu tiền sử dụng đất) đã được giao tại Quyết định số 528/QĐ-UBND ngày 29/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái. Các huyện, thị xã, thành phố chỉ được đề xuất công nhận hoàn thành tốt dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khi đã hoàn thành được toàn diện cả hai chỉ tiêu thu cân đối, thu tiền sử dụng đất và không bị giảm phần thu cân đối được hưởng để điều hành của ngân sách cấp mình so dự toán. Đối với thu tiền sử dụng đất Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm bố trí nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất (sau khi hoàn trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) trên địa bàn xã cho ngân sách cấp xã để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định tại Quyết định số 1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 50/2016/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu và các cơ quan chức năng để tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại, trốn thuế.
Về chi ngân sách
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Thực hành tiết kiệm năm 2013 và các chế độ tài chính mới như: Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị; Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm; Nghị quyết số 41/2018/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái quy định thời hạn giao dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách và thời hạn gửi báo cáo kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính 03 năm trên địa bàn tỉnh Yên Bái… để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước.
Các cấp, các ngành, các đơn vị dự toán phải khẩn trương rà soát, trình cấp có thẩm quyền phân bổ hết dự toán chi thường xuyên năm 2019 đã được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm xong trước ngày 30/6/2019 để triển khai thực hiện, sau ngày 15/11/2019 không thực hiện điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Giao Sở Tài chính hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cấp ngân sách, các ngành, các đơn vị dự toán thực hiện phân bổ và triển khai các nhiệm vụ chi theo đúng dự toán được Ủy ban nhân dân tỉnh giao; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi để điều chuyển cho đơn vị, địa phương khác đối với các khoản kinh phí chi thường xuyên phân bổ không đúng mục tiêu, hoặc đã phân bổ nhưng chậm triển khai thực hiện.
Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn chi thường xuyên. Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định cụ thể về thẩm quyền trong việc quyết định phương thức giao nhiệm vụ, đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là đặt hàng đấu, thầu đối với sản phẩm dịch vụ công ích theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, xong trước ngày 30/9/2019. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về khoán chi, đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với một số nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương năm 2019 theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái. Giao Sở Tài chính tiếp tục rà soát, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai đồng bộ việc khoán chi, đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các nhiệm vụ chi còn lại của ngân sách địa phương từ năm 2020.
Các cấp ngân sách, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán, dự án đã được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt và khả năng thu ngân sách, khả năng nguồn vốn, không đề nghị bổ sung chi hoạt động thường xuyên ngoài dự toán, trừ trường hợp cấp bách bất khả kháng, được cấp có thẩm quyền giao bổ sung thêm nhiệm vụ chính trị. Các chủ đầu tư phải có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án ngay từ các tháng đầu năm, phấn đấu đến ngày 30/9/2019 phải giải ngân được tối thiểu 70% kế hoạch vốn đầu tư năm 2019 đã được giao, bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách phải triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; hạn chế mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài… Cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước các cấp và các cơ quan chủ quản phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chi, giám sát chặt chẽ việc chi tiêu ngân sách tại các cấp ngân sách, các đơn vị dự toán trực thuộc, nhất là các khoản chi cho con người, chi hoạt động thường xuyên (chi khác), không để xảy ra tình trạng chi vượt nguồn, vượt dự toán, dẫn đến nợ nần dây dưa.
Các huyện, thị xã, thành phố phải tăng cường chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, chế độ chi ngân sách nhà nước trên địa bàn, nhất là chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chế độ trợ cấp đối với người nghèo, học sinh, sinh viên, đối tượng chính sách xã hội, trong đó:
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng các chế độ, chính sách được đầy đủ, chính xác, trên cơ sở đó chủ động sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách huyện để chi trả kịp thời chế độ cho người được hưởng. Trường hợp kinh phí đã bố trí dự toán còn thiếu so với nhu cầu thì phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài chính) để xem xét, cấp bổ sung theo quy định, không được để chế độ, chính sách của Nhà nước chậm đến người được hưởng. Thực hiện chấn chính rút kinh nghiệm ngay tình trạng chậm chễ, thiếu trách nhiệm trong công tác rà soát, tổng hợp chế độ, chính sách dẫn đến nhầm lẫn hoặc bỏ sót đối tượng khi báo cáo nhu cầu kinh phí với tỉnh, làm chậm và ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. Sau khi kết thúc năm ngân sách, sẽ không xem xét, bổ sung kinh phí từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách huyện đối với các trường hợp huyện đã rà soát nhưng để sót, thiếu đối tượng và ngân sách huyện sẽ phải tự cân đối, bố trí nguồn để chi trả kịp thời số kinh phí còn thiếu này cho đối tượng.
- Thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để được hưởng các chế độ, chính sách theo đúng kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo hướng dẫn tại Văn bản số 2507/UBND-NC ngày 15/11/2017 của UBND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, văn bản số 18/UBND-VX ngày 04/01/2019 của UBND tỉnh Yên Bái về điều chuyển công chức, viên chức đến công tác tại vùng có điều kiện kiện Kinh tế- xã hội ĐBKK và ngược lại, ngân sách tỉnh không cấp bổ sung kinh phí đối với các địa phương thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi chưa có kế hoạch được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh trong các trường học, bảo đảm đúng khẩu phần ăn của học sinh theo chế độ quy định, không để xảy ra thất thoát tiêu cực. Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các trường học xây dựng Quy chế tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bảo đảm chặt chẽ, trong đó phải quy định được rõ trách nhiệm, thời gian, thẩm quyền trong việc rà soát, xét duyệt lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt danh sách học sinh được thụ hưởng chính sách; công tác lập, xây dựng dự toán kinh phí tổ chức nấu ăn cho học sinh hàng năm; phương thức thanh toán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh; việc chấm ăn và công khai bữa ăn hàng ngày cho học sinh; việc mua và quản lý lương thực thực phẩm, đồ dùng nhà bếp phục vụ nấu ăn cho học sinh (quy định chặt chẽ việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác tiếp nhận, bảo quản, theo dõi sử dụng, xuất dùng gạo hỗ trợ ăn hàng ngày cho học sinh); công tác lập, sử dụng chứng từ kế toán, hóa đơn bán hàng, mở ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính để theo dõi, hạch toán, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho học sinh; thời gian, hình thức, nội dung công khai định kỳ (quý, 6 tháng, một năm) kinh phí hỗ trợ cho học sinh; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh. Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng quy chế và tổ chức thực hiện việc nấu ăn tập trung cho học sinh trong các trường học theo quy định, bảo đảm thực hiện thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm định kỳ hàng quý, 6 tháng một lần báo cáo tình hình thực hiện chi trả các chính sách, chế độ gửi Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ, thất thoát, tiêu cực trong việc chi trả tiền lương, phụ cấp và các chính sách, chế độ cho các đối tượng.
Các cấp, các ngành, các địa phương cần phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện đã được phân bổ để ứng phó khắc phục, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh. Ngân sách cấp tỉnh chỉ hỗ trợ ngân sách huyện trong trường hợp thiên tai, bão lũ diễn ra trên diện rộng với mức độ thiệt hại lớn, nghiêm trọng (có mức hỗ trợ thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên/đợt thiên tai, bão lũ) hoặc trường hợp nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện không đủ đáp ứng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 34/2016/NQ-HĐND ngày 26/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái. Đồng thời trong quá trình thực hiện, các huyện, thị xã, thành phố chỉ được đề nghị ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ sau khi đã rà soát, tổng hợp, xác định được cụ thể, chính xác số đối tượng hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại, mức độ thiệt hại của từng đối tượng, mức hỗ trợ cho từng đối tượng theo các chính sách hỗ trợ hiện hành của nhà nước.
Tăng cường việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo đúng quy định của Luật quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017. Việc lập dự toán, đầu tư, mua sắm, thuê, khoán, quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị trong các cơ quan, đơn vị phải bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhằm siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính để bảo đảm sử dụng tiền, tài sản nhà nước đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sử dụng kinh phí, tài sản nhà nước sai mục đích, không đúng quy định, gây thất thoát, lãng phí. Chấn chỉnh trách nhiệm, phê bình nghiêm khắc người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.
2986 lượt xem
Ban Biên tập