Nhiều người cho rằng căn bệnh "tham nhũng vặt" hay “ghẻ ruồi” tồn tại cùng quyền hành và thế lực. Nói cách khác, không có quyền hành, thế lực, không thể tham nhũng. Và tất cả tham nhũng lớn hầu như đều bắt đầu bằng “tham nhũng vặt”! Chính vì vậy, việc tập trung xử lý, ngăn chặn bệnh “ghẻ ruồi” không còn là "chuyện vặt"...
Ảnh minh họa
"Tuyên chiến” với bệnh "ghẻ ruồi”
Đã đến lúc, không thể để nạn "tham nhũng vặt” tiếp tục hoành hành. Những biến tướng của nó đang làm đảo lộn nhiều giá trị trong xã hội, làm cho người dân mất lòng tin vào cơ quan công quyền. Và "tham nhũng vặt” chính là mầm mống để phát triển lên thành tham nhũng lớn khi có cơ hội.
Chính vì thế, trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cương quyết chỉ đạo "chọn một vài điểm tiêu biểu, xử một vài vụ "tham nhũng vặt”. Nó như "ghẻ ruồi" rất khó chịu, làm cho người ta mất lòng tin”. Do đó phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan PCTN) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.
Để hiện thực hóa quyết tâm phòng, chống "tham nhũng vặt”, một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng cần phải đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đạo đức cho đội ngũ công chức, những người thực hiện giải quyết các công việc của Nhà nước, trong đó có việc phục vụ lợi ích và quyền lợi chính đáng của người dân. Những "người đày tớ của nhân dân” cần phải thấy được trách nhiệm của mình, ý thức đúng đắn về quyền hạn và nghĩa vụ là "công bộc” của nhân dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật theo hướng nâng cao chế tài xử lý các trường hợp tham nhũng, dù ở mức độ, quy mô lớn hay là tham nhũng "vặt" cần đi vào chiều sâu, đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác cần có các biện pháp chính đáng bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng và xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng chống tham nhũng vì động cơ xấu.... Đồng thời công khai đường dây nóng để phản hồi về thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ phục vụ.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống "tham nhũng vặt" đó là cần công phá tư tưởng, lợi ích nhóm. Có những quy định cụ thể để dễ nhận diện và xử lý tội phạm "tham nhũng vặt" trong bộ máy công quyền. Đồng thời, đẩy nhanh cải cách hành chính, hạn chế cơ hội tiếp xúc giữa người dân với công chức thi hành công vụ.
Cùng với đó, cần tăng cường, nâng cao chất lượng, chuyên môn của cán bộ, công chức cấp quận, huyện và phường, xã. Ðây là hai cấp rất quan trọng, trực tiếp với người dân, trực tiếp đến công việc và nắm chắc tình hình ở cơ sở. Ðội ngũ này cần được đầu tư đào tạo nâng cao chuyên môn để đáp ứng được công việc được giao.
Theo nhiều người, thủ tục hành chính còn khá rườm rà cũng là môi trường thuận lợi để nạn "tham nhũng vặt” phát triển. Nhiều khi đi làm một thủ tục, người dân phải qua nhiều bước, nhiều tầng, nhiều nấc và đi cùng với đó là những hành động lo lót, "bôi trơn” để công việc được xử lý nhanh chóng, suôn sẻ. Không phải tự nhiên mà người dân lại có tâm lý phong bì, bôi trơn nếu không có sự nhũng nhiễu, hách dịch, cửa quyền của những người làm trong bộ máy công quyền. Và thật khó có thể hạn chế được nạn "tham nhũng vặt” khi cơ chế "xin-cho” vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để chặn tình trạng "tham nhũng vặt”, điều quan trọng nhất vẫn là con người. Công chức phải phục vụ và đáp ứng yêu cầu của người dân. "Để làm được vậy, tôi cho rằng đầu tiên phải bỏ được cơ chế xin - cho, từ đó công việc mới hiệu quả, hành chính gọn nhẹ sẽ đưa kinh tế phát triển” – ông Xuyền trao đổi.
Đáng chú ý, để đấu tranh có hiệu quả với "vấn nạn” tham nhũng cần liên kết được số đông và tạo ra sức mạnh tập thể. Muốn làm được điều đó thì vai trò của mỗi người dân là rất quan trọng. Khi mỗi người dân không "lót tay", không "phong bì", không "tiếp tay” cho những hành vi tham nhũng thì tham nhũng không thể "lây lan”. Và chỉ khi nào ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trở thành một nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc hàng ngày thì chắc chắn sẽ không còn chuyện lách luật, lựa luật hay bất chấp pháp luật để đạt được mục đích của mình.
"Tướng phải ra tướng, quân phải ra quân”
Nhiều người cho rằng, tham nhũng tồn tại cùng quyền hành và thế lực. Nói cách khác, không có quyền hành, thế lực, không thể tham nhũng. Do đó, thay mặt nhân dân cả nước báo cáo trước Quốc hội, Bí thư trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước quản lý. Quyết liệt xử lý những hành vi bất chính, bất liêm của người có quyền cao chức trọng, xóa bỏ những "vùng cấm”, những "khoảng tối” ngoại lệ… chắc chắn sẽ tạo được niềm tin đối với người dân trong cuộc đấu tranh PCTN.
Một số chuyên gia nhấn mạnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, HÐND, đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, có cơ chế thích hợp để khuyến khích, động viên nhân dân, doanh nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng tham gia giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính…
Đặc biệt phải có cơ chế để Mặt trận, nhân dân, báo chí thực hiện quyền giám sát. Đây cũng chính là kênh quan trọng, góp phần chống các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Khi các quy định được hoàn thiện cụ thể, đầy đủ, với quyết tâm cao của Ðảng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện; các cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt thật sự lắng nghe, cầu thị thì nhất định sẽ tạo sự chuyển biến mới, mạnh mẽ trong công tác xây dựng Ðảng hiện nay. Muốn vậy, hoạt động của các cơ quan, đơn vị phải công khai, minh bạch. Công khai đầy đủ các thủ tục hành chính, các dự án đầu tư, về đấu thầu, chi tiêu công… Chỉ khi công khai, minh bạch thì người dân, Mặt trận mới thực hiện được quyền giám sát của mình.
Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, hầu hết các vụ tham nhũng dù lớn, dù bé khi được đưa ra xử lý đều gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Và thực tế đã minh chứng, nơi nào người đứng đầu gương mẫu, sát sao với cán bộ, nhân viên thì hiếm khi xảy ra chuyện nhũng nhiễu, tham nhũng và ngược lại.
Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà sự nêu gương của người đứng đầu lại được nói đến nhiều như bây giờ. Tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Tướng phải ra tướng, quân phải ra quân. "Trên chẳng chính ngôi thì dưới chúng tôi hỗn hào”. Trên nghiêm mới nói được dưới, dưới sợ không dám làm". Do đó cần tuyên truyền rộng rãi về quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, kiên trì rèn luyện cho đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước đức tính liêm khiết, tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN, lãng phí; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp...
Rõ ràng, không thiếu những giải pháp, nhưng phòng, chống "tham nhũng vặt”, "nhũng nhiễu” đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc về hiểm họa của nó và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi. Muốn thế vấn đề đặt ra là phải cải cách mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa, nhất là chế độ trách nhiệm phải rõ ràng. Cần mạnh dạn giao trách nhiệm gắn với giao quyền và có sự kiểm soát để không lạm quyền, không thể "nhũng nhiễu”…
Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp từ phòng ngừa, xây dựng thể chế đến phát hiện xử lý tham nhũng gắn với vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng và người dân thì mới mong có chuyển biến. Nếu không có các giải pháp đủ mạnh để quyết liệt chống tham nhũng và nếu không thực hiện nghiêm các giải pháp ấy, tham nhũng trở thành một thứ "ung thư” di căn trong lòng xã hội, sẽ biến hình và gây hậu quả khó lường.
Vì thế, cùng với các quy định của pháp luật đã và đang được hoàn thiện để phòng chống nạn "tham nhũng vặt”, quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng hành của người dân trong "tuyên chiến” với tệ nạn này, chúng ta có quyền hy vọng: Căn bệnh "ghẻ ruồi” trong thời gian tới chắc chắn sẽ thuyên giảm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hoá - Xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Để tuyên chiến với bệnh "tham nhũng vặt” cần thanh lọc bộ máy công quyền. Muốn thế cần tăng cường công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, thắt chặt công tác tuyển dụng, quản lý, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân đối với công tác cán bộ. Song song với đó nên chuyển dần sang hình thức thi tuyển các chức danh, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ và chú trọng rèn luyện đạo đức công vụ cũng như trách nhiệm nghề nghiệp để mỗi cán bộ xứng đáng là công bộc của nhân dân.
Đồng thời, các cấp, ngành, trong đó nòng cốt là hệ thống tuyên giáo, các cơ quan báo chí truyền thông chú trọng tuyên truyền, vận động để người dân từ bỏ thói quen thấy khó khăn, mất thời gian một chút đã tìm cách "bôi trơn”; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh bằng đề cao tính trung thực, chấp hành nghiêm quy định pháp luật...
|
2353 lượt xem
18