CTTĐT - Trong những năm qua, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể người dân trong xây dựng nông thôn mới bền vững góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
Ảnh minh họa
Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm mục đích phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân mà ở đó nông dân và cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn là chủ thể triển khai và trực tiếp thụ hưởng. Xây dựng nông thôn mới muốn thành công, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ, hiểu sâu về xây dựng Nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong quá trình thực hiện chương trình, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi rõ nét. Từ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của nhà nước, người dân đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”. Người dân đã chủ động tham gia vào công tác quy hoạch, tham gia “Hiến kế, hiến của, hiến công”, đóng góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương cái gì làm trước, cái gì làm sau, cái gì không nên làm; tích cực dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi thích hợp, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế tập thể. Nhờ vậy mà đến nay quy mô ruộng đất được liền vùng, liền khoảnh, hình thành nhiều vùng chuyên canh; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi, nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, cánh đồng lớn ra đời; hiệu quả sử dụng đất, đưa cơ giới vào sản xuất ngày càng tăng, nhiều mô hình có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Nông dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, chủ động liên kết sản xuất hướng tới tham gia xây dựng các hình thức kinh tế tập thể theo mô hình hợp tác xã kiểu mới và tổ hợp tác. Đến nay, nông dân trực tiếp xây dựng 21 Hợp tác xã, 234 Tổ hợp tác, thành lập 09 chi hội và 96 tổ hội nghề nghiệp. Các HTX, THT, chi, tổ hội nghề nghiệp bước đầu hình thành sự liên kết, hợp tác, giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chia sẻ thông tin về thị trường, về kiến thức, kinh nghiệm làm ăn; hỗ trợ giúp đỡ nhau về vốn, tư liệu sản xuất và lao động.
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 5 năm qua, đã có trên 6 nghìn lượt hộ hội viên nông dân hiến 500 nghìn m2 đất, đóng góp ủng hộ gần 1 triệu ngày công lao động, trên 350 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa, rải cấp phối, bê tông hóa trên 700 km đường giao thông liên thôn bản, đường làng ngõ/xóm, hơn 100 công trình kênh mương nội đồng, nhà văn hoá, sân chơi sinh hoạt văn hóa thể thao của thôn/bản; đóng góp vật liệu, ngày công giúp 525 hộ nghèo làm nhà ở; xây dựng 61 tuyến đường tự quản, 65 tuyến đường thắp sáng đường quê...Với sự chung tay đồng lòng của các cấp Hội và hội viên nông dân tỉnh nhà, đến nay đã có 67 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 44,66% số xã toàn tỉnh, gấp 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn huyện Nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm, gấp 2 lần so với năm 2015.
Bộ mặt nông thôn tỉnh Yên Bái hôm nay đã có sự thay đổi rõ nét; những con đường bê tông liên thôn nối dài, những bản làng đã khoác lên mình diện mạo mới, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được cải thiện và điều quan trọng là không ai bị bỏ lại phía sau. Mỗi người dân Yên Bái ngày càng tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tự hào và hài lòng về nơi mình đang sống; đây cũng chính là động lực để mỗi hội viên, nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vài trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới bền vững và nâng cao hạnh phúc của bản thân, gia đình và của quê hương Yên Bái.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò chủ thể người dân trong xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu đưa Yên Bái ngày càng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tập trung vận động hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư ở nông thôn tích tham gia phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Trọng tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa theo hướng xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Phát huy vai trò chủ thể, tự nguyện của nông dân trong quản lý và xây dựng nông thôn mới.
2415 lượt xem