CTTĐT – Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoan 2015 - 2025”.
Trung tâm y tế huyện Trấn Yên tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Mục tiêu chung tại Quyết định đề ra, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Mục tiêu cụ thể, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiếu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số vào năm 2025. Giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Phạm vi thực hiện Đề án, vùng dân tộc thiểu số, chú trọng khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ - Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
Thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Qua theo dõi thông tin và tổng hợp số liệu từ báo cáo của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã giai đoạn 2015 - 2020 và nắm bắt thực tiễn gần đây cho thấy tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại, có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Nạn tảo hôn toàn tỉnh là 2.275 trường hợp (Các đối tượng tảo hôn: Từ vợ: 1137 trường hợp; từ chồng là 212 trường hợp; cả vợ và chồng cùng tảo hôn là 924 trường hợp) từng năm cụ thể như sau: Năm 2015: 436 trường hợp, trong đó: 242trường hợp dân tộc Mông, 110 trường hợp dân tộc Dao, 28 trường hợp dân tộc Kinh, 33 trường hợp dân tộc Tày, 14 trường hợp dân tộc Thái, còn lại 9 trường hợp là dân tộc Mường, Nùng, Phù Lá, Giáy. Năm 2016: 472 trường hợp, trong đó: 269 trường hợp dân tộc Mông, 125 trường hợp dân tộc Dao, 22 trường hợp dân tộc Tày, 9 trường hợp dân tộc Thái, 42 trường hợp dân tộc Kinh, còn lại 4 trường hợp là dân tộc Nùng, Giáy. Năm 2017: 464 trường hợp, trong đó: 307 trường hợp dân tộc Mông, 84 trường hợp dân tộc Dao, 39 trường hợp dân tộc Tày, 12 trường hợp dân tộc Thái, 12 trường hợp dân tộc Kinh, còn lại 10 trường hợp là dân tộc Nùng, Giáy, Mường, Khơ Mú, Cao Lan. Năm 2018: 411 trường hợp, trong đó: trong đó: 295 trường hợp dân tộc Mông, 73 trường hợp dân tộc Dao, 19 trường hợp dân tộc Tày, 3 trường hợp dân tộc Thái, 18 trường hợp dân tộc Kinh, còn lại 3 trường hợp là dân tộc Nùng, Giáy.
Năm 2019: 326 trường hợp, trong đó: 261 trường hợp dân tộc Mông, 37 trường hợp dân tộc Dao, 12 trường hợp dân tộc Tày, 2 trường hợp dân tộc Thái, 12 trường hợp dân tộc Kinh, 2 trường hợp dân tộc Nùng. 2 tháng đầu năm 2020: 166 trường hợp ( huyện Trạm Tấu 96 trường hợp; Mù Cang Chải 36 trường hợp; Văn Chấn 22 trường hợp; Văn Yên 9 trường hợp; Lục Yên 03 trường hợp) xảy ra ở đồng bào dân tộc Mông và dân tộc Dao là chủ yếu.
Hôn nhân cận huyết thống: Xảy ra 9 cặp (Năm 2016: 03 cặp xảy ra ở dân tộc Mông; Năm 2017: 02 cặp Trong đó: Dân tộc Mông 01 cặp, Dân tộc Dao 01 cặp; Năm 2018: 04 cặp Trong đó: Dân tộc Mông 02 cặp, Dân tộc Dao 02 cặp).
Qua số liệu trên cho thấy tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã giảm, trong năm 2019 và 02 tháng đầu năm không xảy ra trường hợp nào. Tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 4% tổng số người kết hôn hàng năm (trong đó: vợ hoặc chồng tảo hôn khoảng 2,5% tổng số người kết hôn; cả vợ và chồng tảo hôn khoảng 1,5% tổng số người kết hôn).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Nguyên nhân khách quan, do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu; những tục lệ, nghi lễ truyền thống của dân tộc thiểu số qua nhiều thế hệ. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục, nâng cao dân trí, không khuyến khích con em đến trường mà muốn con cái ở nhà làm việc giúp đỡ gia đình, bản thân các em chưa nhận thức đầy đủ về việc học tập nâng cao trình độ là phục vụ chính bản thân mình khiến nhiều học sinh người dân tộc thiểu số nghỉ học sớm, nhất là sau khi kết thúc bậc học trung học cơ sở. Tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, sự phát triển của công nghệ thông tin (điện thoại di động, internet ...), nhiều em trong độ tuổi 13 - 17 tuổi đã có điện thoại di động, dễ dàng liên lạc, trao đổi thông tin dẫn đến dễ nảy sinh tình cảm sớm, quan hệ tình dục trước hôn nhân dẫn đến nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải cưới mà không đăng ký kết hôn.
Nguyên nhân chủ quan, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, còn coi đó là phong tục rất khó xóa bỏ nên chưa đặt quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình cho nhân dân và các em thanh, thiếu niên còn hạn chế, chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao. Việc phối hợp thực hiện giữa các Ban, Ngành, Đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở chưa thường xuyên. Một bộ phận người dân chưa nhận thức, hiểu rõ về Luật Hôn nhân và gia đình.
Công tác tham mưu, xử lý của các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật đối với các trường hợp vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa đủ mạnh mẽ, kiên quyết. Quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp tảo hôn còn thấp (Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó tại Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính Phủ)
Nhận thức của một bộ phận nhân dân còn chưa đầy đủ; ở các thôn, bản vùng cao còn có nhiều người dân, nhất là phụ nữ chưa thạo tiếng phổ thông nên việc nghe, hiểu chưa được đầy đủ; Việc quản lý của một số gia đình đối với con em chưa chặt chẽ, chưa thực sự quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vị thành niên. Mặt khác, một số gia đình bố mẹ ly hôn, bất hòa, tạo tâm lý bất cần, sống buông thả ở một số bộ phận thanh, thiếu niên.
Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết vẫn chủ yếu xuất phát từ lý do kinh tế, phong tục tập quán: Vùng cao, vùng đồng bào dân tộc đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất tự cung tự cấp là chủ yếu, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế chưa giải phóng được sức lao động, cho nên việc tảo hôn, sinh sớm, sinh nhiều con vẫn là một nhu cầu, mong muốn của người dân, để có thêm nguồn nhân lực lao động của gia đình.
Đối với kết hôn cận huyết là do tâm lý sợ con cái đi lấy vợ, lấy chồng khác dòng họ bị khổ. Trình độ dân trí và nhận thức của nhân dân ở các xã vùng cao còn hạn chế. Nhận thức về văn hoá, xã hội, chính sách pháp luật của người dân còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo, tuyên truyền vận động, kiểm tra xử lý về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của lãnh đạo đảng, chính quyền địa phương và các ban, ngành, tổ chức đoàn thể các cấp chưa sát sao, triệt để.
Công tác chỉ đạo thực hiện thí điểm việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Theo đó, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 191-KH/TU, ngày 18/4/2020 về thực hiện thí điểm việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và xuất nhập cảnh trái phép tại huyện Văn Chấn năm 2020. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn công tác tuyên truyền cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn và kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và xuất nhập cảnh trái phép tại huyện Văn Chấn năm 2020, kế hoạch gặp mặt già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu để triển khai Kế hoạch của Tỉnh ủy. Ba huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và huyện Văn Chấn đã có chương trình phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch số 191-KH/TU của Tỉnh ủy với mục đích giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
5165 lượt xem
Ban Biên tập