CTTĐT – Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã chủ trì hội nghị triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong năm 2017.
Toàn cảnh hội nghị.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, tỉnh Yên Bái phải lập 20 hồ sơ quy hoạch quan trọng, bao gồm Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2030, quy hoạch ngành và các quy hoạch của địa phương. Trong đó, 8 quy hoạch phải được trình HĐND tỉnh phê duyệt tại kỳ họp gần nhất, dự kiến vào tháng 3/2017. Tất cả quy hoạch cấp huyện, thị xã, thành phố phải được hoàn thành trước ngày 31/3/2017.
Sau khi nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện điều chỉnh các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các địa phương và các quy hoạch ngành, lĩnh vực sản phẩm chủ yếu của tỉnh, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng các quy hoạch, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các địa phương khi xây dựng quy hoạch phải bám sát vào Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII, các chương trình hành động của Tỉnh ủy và nghị quyết đại hội Đảng bộ cấp địa phương; bám sát 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá của tỉnh.
Ngoài ra, các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch địa phương phải bám sát quy hoạch phát triển chung của tỉnh, bám sát quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp quốc gia như quy hoạch điện lực, khoáng sản. Cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong lập quy hoạch.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu cần chấn chỉnh việc lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương. Theo đó, các ý kiến tham gia phải thực sự tâm huyết, có chất lượng và phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chất lượng các ý kiến đóng góp.
Liên quan đến vấn đề kinh phí trong lập quy hoạch, đồng chí đề nghị các địa phương bám sát định mức quy định của Nhà nước. Do điều kiện của tỉnh còn khó khăn nên các chủ đầu tư chủ động trao đổi với cơ quan tư vấn về việc hỗ trợ địa phương trong lập quy hoạch cũng như linh hoạt sử dụng kinh phí trong lập quy hoạch. Việc lấy ý kiến tham gia của bộ, ngành trung ương phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước; các sở, ngành có trách nhiệm đôn đốc, bám sát bộ, ngành dọc để lấy được ý kiến trong thời gian ngắn nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng. Đối với 8 quy hoạch lớn của tỉnh phải tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín.
Đối với các quy hoạch liên quan đến sử dụng, khai thác tài nguyên, sử dụng đất … phải tổ chức đánh giá tác động của quy hoạch để tránh những tổn thất cho môi trường và người dân sống trong vùng quy hoạch.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các quy hoạch hiện chưa có chủ trương để trình UBND tỉnh thống nhất giao chủ trương; Sở Kế hoạch - Đầu tư hướng dẫn thống nhất các bước, trình tự các bước trong lập quy hoạch để các ngành, địa phương tiến hành các bước cho chính xác.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã được phân công phụ trách các quy hoạch chủ động cùng với các sở, ngành, địa phương lập lịch cụ thể cho các quy hoạch; các ngành, huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết cho các công việc còn lại cho đến khi hoàn thành quy hoạch (kể cả làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ), hàng tuần phải có báo cáo UBND tỉnh về tiến độ thực hiện. Văn phòng UBND tỉnh lập danh sách lãnh đạo Văn phòng và chuyên viên theo dõi đối với từng quy hoạch; xử lý văn bản trong thời gian nhanh nhất…
Sau khi nghe báo cáo về kế hoạch đầu tư công, tiến độ triển khai thực hiện các dự án và các ý kiến thảo luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá công tác quản lý đầu tư xây dựng, đầu tư công có bước chuyển biến rất tích cực so với những năm trước, thể hiện bằng việc giao kế hoạch sớm từ tháng 12 năm trước. Khâu quản lý đầu tư công, các nguồn quỹ, các nguồn đầu tư được kiểm soát tốt, cơ bản được phân bổ chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ quy định, đặc biệt là tỉnh Yên Bái không nợ đầu tư xây dựng cơ bản.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cũng đề nghị các chủ đầu tư, các ngành, địa phương lập kế hoạch tiến độ thực hiện cho từng dự án cụ thể, kể cả dự án chuyển tiếp và các dự án khởi công mới trong năm. Trong đó, đối với các dự án chuyển tiếp đã trình hồ sơ phê duyệt kế hoạch đấu thầu, đề nghị Sở Kế hoạch – Đầu tư khẩn trương thẩm định phê duyệt đấu thầu trong tháng 2. Đối với dự án chưa trình hồ sơ phê duyệt kế hoạch đấu thầu cũng hoàn thành công việc này trong tháng 2 và phê duyệt trong tháng 3.
Các ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành kế hoạch - đầu tư trong công tác thẩm định nguồn. Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các huyện, thị, thành phố để sớm có báo cáo, đôn đốc và đề xuất việc thẩm định các nguồn vốn đầu tư vào các công trình, dự án.
Đối với các dự án (ngoài kế hoạch) về hạ tầng giao thông và hạ tầng văn hóa – xã hội ở nông thôn, các huyện khẩn trương có đề xuất gửi Sở Kế hoạch – Đầu tư tổng hợp. Trong đó, đề xuất của các địa phương phải gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, làm rõ thêm nguồn đã được giao kế hoạch là bao nhiêu để ngành kế hoạch - đầu tư báo cáo UBND tỉnh nắm được để cân đối nếu cần thiết. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tiêu chí ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án ngoài kế hoạch…
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn ngân sách Nhà nước năm 2017 của tỉnh Yên Bái đã được giao đến thời điểm này là trên 2.200 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách Trung ương hơn 1.102 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 919,540 tỷ đồng, nguồn dự kiến tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất là 200 tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương giao, tính đến ngày 15/2/2017 đã giải ngân được hơn 84 tỷ đồng từ nguồn vốn chi cho xây dựng cơ bản, đạt 13% kế hoạch giao. Hiện, tỉnh đang tập trung bố nguồn lực từ ngân sách Trung ương, địa phương và vốn ODA để triển khai 09 công trình quan trọng, trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, gồm các công trình: cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm, đường Âu Cơ - thành phố Yên Bái (đoạn nối trung tâm Km5 với quốc lộ 32C), hạ tầng kỹ thuật trên đường Âu Cơ; Dự án nâng cấp hạ tầng thành phố Yên Bái (Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc” sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới), Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng trụ sở Tỉnh ủy, các cơ quan Đảng và Quảng trường trung tâm.
Trong năm 2017, tỉnh Yên Bái bố trí vốn từ ngân sách tỉnh để khởi công mới 9 dự án với tổng mức đầu tư hơn 92 tỷ đồng, đến nay đã bố trí vốn được 37,5 tỷ đồng, đạt 40,08% so với tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, trong giải ngân nguồn vốn cho một số dự án còn những vướng mắc nên đề nghị sự phối hợp của các ngành, địa phương và sự chỉ đạo của tỉnh về vấn đề này nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các công trình mới khởi công.
1218 lượt xem