CTTĐT - Tỉnh Yên Bái đang xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 với quyết tâm vào nhóm các tỉnh có xếp hạng PCI cao.
Khu trung tâm tỉnh Yên Bái được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, khang trang và hiện đại
Do đó, tỉnh luôn xác định cần phải có cách tiếp cận mới, tạo sự khác biệt mang tính cạnh tranh cao, nhằm tạo bước đột phá trong quá trình phát triển, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, mặc dù gặp khó khăn do Covid- 19, nhưng trong những tháng đầu năm 2020, tỉnh Yên Bái đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đá cẩm thạch Lục Yên của nhà đầu tư Trung Quốc, tổng vốn đăng ký 2,08 triệu USD (tương đương 47,21 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nhiều dự án đã được khởi công, triển khai như Dự án Khu đô thị thương mại du lịch Apec Golden Valley Mường Lò, Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến đá vôi trắng Vũ Gia, Dự án Đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn khép kín công nghệ cao kết hợp trồng cây ăn quả công nghệ tưới Israel…
Yên Bái đặt ra mục tiêu thu hút, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, có tiềm lực kinh tế với những dự án có hàm lượng công nghệ cao, ít tác động đến môi trường sinh thái; tập trung thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư, gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển, ưu tiên thu hút đầu tư để phát triển các lĩnh vực trọng tâm, chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng tư vấn, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định, đầy đủ, dễ thực hiện; tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo hướng vừa khuyến khích thu hút đầu tư, vừa khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao năng lực quản trị, tăng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.
Ngoài ra, tỉnh cũng công khai quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch sử dụng đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn vị trí phù hợp với ngành nghề, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ của tỉnh; tạo quỹ đất, mặt bằng và hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, việc đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của Vùng vào năm 2030 đã được đưa vào Nghị quyết để thực hiện.
Để thực hiện quyết tâm, tỉnh Yên Bái đã xây dựng bộ 19 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng giai đoạn 2020-2025 theo hướng phấn đấu cao, thuộc vào nhóm các tỉnh khá trong vùng, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng, GRDP bình quân đầu người, thu ngân sách, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo…
Từ đó thực hiện phân giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức thực hiện; đồng thời, khuyến khích các sở, ngành, địa phương xây dựng chỉ tiêu phấn đấu cao hơn chỉ tiêu được tỉnh giao.
Xác định 3 đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện thực tế của Yên Bái: Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ quyền lực; tập trung cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh số hóa quản lý xã hội và phục vụ nhân dân, thiết thực nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy giá trị, bản sắc văn hoá, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của con người Yên Bái, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Yên Bái cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 19 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện như:
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trọng tâm là phát triển nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Tích cực, chủ động thu hút đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập"; tăng cường quản lý phát triển xã hội tiến bộ, công bằng, bền vững; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với bảo đảm kỷ cương xã hội, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng cường quốc phòng an ninh, tập trung xây dựng "thế trận lòng dân" gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
2337 lượt xem
Ban Biên tập